Doanh nghiệp có thể thanh toán nợ trái phiếu bằng bất động sản?

GD&TĐ - Bộ Tài chính đề xuất cho phép doanh nghiệp có thể thanh toán trái phiếu bằng BĐS và được đàm phán thay đổi kéo dài kỳ hạn phát hành thêm 2 năm.

Doanh nghiệp có thể thanh toán nợ trái phiếu bằng bất động sản?

Đây là một trong những đề xuất đáng chú ý tại đề xuất tại tờ trình Chính phủ Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65 sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.

Dự thảo với nhiều đề xuất mới được kỳ vọng góp phần củng cố niềm tin thị trường và tháo gỡ khó khăn về thanh khoản của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản sau một năm tuột dốc.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất cho phép doanh nghiệp phát hành có cơ sở thanh toán trái phiếu bằng các tài sản khác của chính doanh nghiệp phát hành hoặc bên thứ 3 trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp khó khăn cân đối dòng tiền để thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn.

Ngoài ra, trường hợp doanh nghiệp không thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tiền thì có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán bằng tài sản khác theo nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật dân sự, pháp luật chuyên ngành và pháp luật có liên quan; phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận; doanh nghiệp phải công bố thông tin và chịu trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Để hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cơ cấu lại các khoản nợ, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ thì được đàm phán để thay đổi kỳ hạn của trái phiếu, thời gian tối đa là 2 năm.

Đồng thời, Bộ cũng bổ sung quy định trường hợp đàm phán thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu (trong đó có cả kỳ hạn trái phiếu) mà có nhà đầu tư không chấp thuận thì doanh nghiệp phải thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu cho các nhà đầu tư này.

Theo điều 286, Luật dân sự năm 2015 và các quy định có liên quan, doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác.

Do đó, việc chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác phụ thuộc vào thỏa thuận giữa doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu trên cơ sở các cam kết, điều kiện mà doanh nghiệp phát hành đưa ra đối với từng đối tượng nhà đầu tư.

Loạt doanh nghiệp thông báo “khất nợ”

Theo báo cáo thị trường trái phiếu năm 2022 của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect mới ban hành, trong năm 2023, ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ đạt khoảng 272.853 tỷ đồng tăng 76,6% so với cùng kỳ.

Tỉ lệ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn của ngành bất động sản, tài chính - ngân hàng và ngành khác lần lượt là 37,6%, 37,0% và 25,5%.

Các doanh nghiệp bất động sản có giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp cao nhất năm 2023 gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (14.476 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Saigon Glory (7.000 tỷ đồng) và Công ty TNHH Phát triển BĐS An Khang (4.960 tỷ đồng).

Thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải ra thông báo “khất nợ” trái phiếu đến hạn, lùi thời điểm thanh toán.

Trong đó phải kể đến nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn như: Công ty Cổ phần Trung Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Bình Định, Công ty Cổ phần Tân hoàn cầu Bến Tre, Công ty Cổ phần Lavida Invest…

Mới đây nhất, Công ty Cổ phần Lavida Invest có thông báo gửi HNX về việc chậm thanh toán gốc, lãi lô trái phiếu được phát hành ngày 8/2/2021 và đáo hạn 8/2/2023, giá trị lưu hành 62 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Tổng Giám đốc Lavida Invest, nguyên nhân là do công ty chưa kịp sắp xếp được nguồn thanh toán nên. Theo kế hoạch thanh toán dự kiến được Lavida Invest cập nhật, lô trái phiếu nói trên sẽ trả thành 3 đợt.

Đợt thứ nhất ngày 15/3/2023 sẽ thanh toán 10 tỷ đồng; đợt 2 ngày 15/4 thanh toán 30 tỷ đồng và đợt 3 ngày 30/5 thanh toán số tiền còn lại 22 tỷ đồng.

Trước đó, vào tháng 1/2023, Công ty cổ phần Hưng Thịnh INCONS (Mã chứng khoán: HTN) thông báo về việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu HTNBH2122002 đáo hạn vào ngày 31/12/2022 có giá trị phát hành 300 tỷ đồng.

Thay vì thanh toán đúng hạn vào ngày 3/1/2023, Hưng Thịnh INCONS đã "khất" nhà đầu tư trả một nửa tiền gốc đầu tháng 3/2023 và nửa còn lại cuối tháng 3. Tuy nhiên đến thời điểm này công ty mới thanh toán được toàn bộ tiền lãi 8 tỷ đồng và 90 tỷ đồng tiền gốc, hiện vẫn còn nợ nhà đầu tư 210 tỷ đồng nợ gốc.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vina2 (Mã chứng khoán: VC2) cũng công bố kế hoạch thanh toán gốc, lãi của trái phiếu VC2H2122001 kéo dài thêm 1 năm, tương ứng với tổng giá trị phát hành 150 tỷ đồng.

Ngoài ra, một loạt doanh nghiệp bất động sản khác cũng đã thông báo chậm trả lãi với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bình Định là 10,1 tỷ đồng, Công ty TNHH Đức Việt là 24,1 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Seaside Homes là 51 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vina2 là 118,7 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Lâu Đài Trắng (đơn vị phát triển dự án Léman Cap Residence tại 24 Hạ Long, phường 2, TP.Vũng Tàu) là 240 tỷ đồng…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ