Áp dụng phương pháp “5W-1H” để làm tốt bài thi lịch sử

GD&TĐ - Để làm tốt bài thi lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, các em học sinh có thể áp dụng phương pháp “5W-1H” để ôn tập, đồng thời bám sát nội dung sách giáo khoa và cấu trúc đề tham khảo của Bộ GD&ĐT.

Học sinh ôn thi môn Lịch sử chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp THPT 2021
Học sinh ôn thi môn Lịch sử chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp THPT 2021

Phương pháp 5W-1H

Cô Đoàn Thị Dung- giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Tiên Lữ (Hưng Yên) chia sẻ: Từ năm 2017, hình thức thi tốt nghiệp THPT đã thay đổi, học sinh làm thi 5 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên. Môn Lịch sử được đưa vào bài thi KHXH với hình thức thi trắc nghiệm.

Căn cứ vào sự thay đổi này, các thầy cô giáo dạy môn Lịch sử trường THPT Tiên Lữ luôn chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động của nhóm với nhiều chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn lịch sử; trong đó có thảo luận và đưa ra các “bí kíp” giúp học sinh làm tốt một bài thi trắc nghiệm môn Lịch sử.

Đồ họa: An Nhiên
Đồ họa: An Nhiên

Theo cô Dung, để làm tốt một bài trắc nghiệm, trước hết học sinh cần nắm vững những kiến thức cơ bản trong chương trình SGK hiện hành. Để ôn tập hiệu quả, học sinh có thể vận dụng phương pháp "5W và 1H".

Trong đó, 5W gồm What: Sự kiện lịch sử gì đã diễn ra? When: Diễn ra khi nào? Where: Diễn ra ở đâu? Who: Gắn liền với nhân vật lịch sử nào? Why: Vì sao lại xảy ra?

Còn 1H là How: Đánh giá, bình luận, liên hệ.

Từ phương pháp này học sinh có thể nắm chắc các nội dung trọng tâm của chương trình học, nắm vững được các kiến thức cơ bản, ghi nhớ và hiểu rõ hơn về các mốc sự kiện cốt yếu gắn với thời gian, địa danh, nhân vật lịch sử.

Ngoài ra, học sinh cũng phải có kiến thức thực  tiễn, chủ động theo dõi, cập nhật về thời sự đương đại để giải thích, liên hệ và vận dụng.

Ví dụ: Tổng thư kí Liên hợp quốc từ năm 2017 - nay là người nước nào? A. Tây Ban Nha. B. Bồ Đào Nha. C. Canada. D. Bồ Đào Nha. Nếu không cập nhật kiến thức xã hội mới học sinh sẽ không xác định được đáp án đúng là D.

Phân loại 6 dạng câu hỏi trắc nghiệm

Cũng theo cô Dung, để làm tốt bài trắc nghiệm, học sinh cần phân loại được các dạng câu hỏi trắc nghiệm. Thông thường có 6 loại dạng câu hỏi thường gặp trong đề thi tốt nghiệp THPT.

Dạng 1. Dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh lựa chọn câu trả lời đúng.

Trong 4 phương án gây nhiễu A, B, C, D đã cho trước chỉ có một phương án đúng, các phương án còn lại đều sai.

Ví dụ: Trong cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam (1954 - 1975), lực lượng nào chỉ tham gia trong chiến lược: "Chiến tranh cục bộ" và "Việt Nam hóa chiến tranh"?

  1. Quân đội Sài Gòn.
  2. Quân Mỹ và Quân đồng minh của Mỹ.
  3. Quân Mỹ.
  4. Quân Bắc Phi.

Dạng 2. Dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh lựa chọn câu trả lời đúng nhất.

Trong số 4 phương án A, B, C, D có thể có nhiều phương án đúng nhưng chỉ có một phương án đúng nhất, đầy đủ nhất, quan trọng nhất, quyết định nhất.

Ví dụ: Thuận lợi cơ bản nhất của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công là:

  1. Hệ thống XHCN trên thế giới được hình thành là nguồn cổ vũ to lớn cho nhân dân.
  2. Có Đảng cộng sản Đông Dương và Bác Hồ lãnh đạo nên nhân dân rất tin tưởng.
  3. Nhân dân dành được quyền làm chủ nên rất phấn khởi, sẽ ủng hộ cách mạng.
  4. Phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới đang lên cao.

Dạng 3. Dạng yêu cầu thí sinh phải hoàn thành câu (điền vào chỗ trống)

Trong câu đề dẫn của câu hỏi sẽ thiếu một số cụm từ, bốn phương án (A, B, C, D) sẽ cho sẵn để thí sinh chọn một phương án đúng.

Ví dụ: Cho dữ liệu: Bộ máy của tổ chức Liên hợp quốc gồm sáu cơ quan chính, trong đó..... là cơ quan nắm giữ vai trò trọng yếu để duy trì hòa bình và an ninh thế giới, ... là cơ quan hành chính, đứng đầu là..... với nhiệm kì 5 năm. Trụ sợ Liên hợp quốc đặt tại......

Hãy chọn các dữ liệu cho sẵn để điền vào chỗ trống.

  1. Hội đồng quản thác ... Ban thư kí ... Tổng thư kí ... New York (Mỹ).
  2. Hội đồng bảo an ... Ban thư kí ... Tổng thư kí ...Vec xai (Pháp).
  3. Đại hội đồng ... Ban thư kí ... Tổng thư kí ... New York (Mỹ).
  4. Hội đồng bảo an ... Ban thư kí ... Tổng thư kí ... New York (Mỹ).

Dạng 4. Dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh phải kết nối đúng hoặc sắp xếp đúng trật tự logic các dữ kiện, hiện tượng, lịch sử.

Ví dụ: Cho các dữ kiện sau:

  1. Cuộc chính biến nhằm lật đổ Goocbachop nổ ra nhưng thất bại;
  2. Goocbachop lên nắm quyền lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô;
  3. Nhà nước Liên bang Xô Viết tan rã;
  4. Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) ra đời.

Dạng 5. Dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh đọc hiểu một đoạn văn bản

Ví dụ: Cho đoạn tư liệu sau: "Cuộc kháng chiến rất lâu dài và đau khổ, dù phải hi sinh bao nhiêu và thời gian kháng chiến đến bao giờ, chúng ta cũng nhất định chiến đấu đến cùng, đến bao giờ nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập và thống nhất."

(Trích thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nhân dân Việt Nam, nhân dân Pháp và các nước đồng minh ngày 21-12-1946)

Nội dung đoạn tư liệu trên cho chúng ta biết thông điệp gì?

  1. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định niềm tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.
  2. Chủ tịch Hồ Chí Minh tố cáo sự bội ước của thực dân Pháp với Hiệp định Sơ bộ.
  3. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi Việt kiều của ta ở Pháp và các nước đồng minh ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân ta.
  4. Chủ tịch Hồ Chí Minh dự đoán cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta sẽ kéo dài và gặp nhiều gian khổ.

Dạng 6. Dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh lựa chọn ý phủ định

Ví dụ: Ý nào dưới đây phản ánh không đúng về ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Pari năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam?

  1. Đây là thắng lợi của sự kết hợp giữa đấu tranh quân sự, chính trị với ngoại giao nhân dân ta.
  2. Hoàn thành di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh về nhiệm vụ "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào".
  3. Là kết quả cuộc đấu tranh kiến cường, bất khuất của quân dân 2 miền Tổ quốc.
  4. Mỹ phải công nhận quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ta và rút hết quân về nước.
Đồ họa: An Nhiên
Đồ họa: An Nhiên

Tìm từ khóa của câu hỏi

Mặt khác, để làm tốt bài trắc nghiệm, học sinh cần đọc kĩ câu hỏi để tìm ra và gạch chân mỗi từ “khóa”.

Ví dụ: Tại sao nói Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt lịch sử đối với cách mạng Việt Nam?

  1. Mở ra kỉ nguyên độc lập tự do cho cách mạng Việt Nam.
  2. Đó là khuynh hướng của nước mới.
  3. Chấm dứt khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo.
  4. Chấm dứt vai trò lãnh đạo của giai cấp tư sản.

Từ “khóa” của câu hỏi này sẽ là “bước ngoặt lịch sử”

Để làm tốt bài trắc nghiệm, học sinh tự đưa ra các phương án trả lời trước khi đọc đáp án.

Ví dụ: Cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã truyền bá vào Việt Nam lí luận gì?

  1. Đấu tranh giai cấp.
  2. Cách mạng vô sản.
  3. Giải phóng dân tộc.
  4. Mác – Lênin.

Học sinh sẽ nghĩ đến lí luận cách mạng giải phóng dân tộc. Khi đọc đáp án có phương án trên chắc chắn các em sẽ chọn đáp án C cho câu hỏi này.

Đồ họa: An Nhiên
Đồ họa: An Nhiên

Bí quyết sử dụng phương pháp loại trừ

Dùng phương pháp loại trừ cũng là một trong những “bí kíp” để làm tốt bài trắc nghiệm.

Khi một thí sinh không có cho mình một đáp án thực sự chính xác thì phương pháp loại trừ cũng là một cách hữu hiệu để tìm ra câu trả lời đúng. Bởi mỗi câu hỏi có bốn đáp án. Các đáp án thường không khác nhau về nội dung. Tuy nhiên vẫn có cơ sở để dung phương pháp loại trừ bằng “mẹo” cộng thêm chút may mắn.

Thay vì đi tìm đáp án đúng, thí sinh hãy thử tìm phương án sai, loại trừ càng nhiều phương án sai càng tốt. Khi không có phương án loại trừ nữa thì dung cách phỏng đoán. Học sinh nhận thấy phương án nào khả thi hơn và đủ tin cậy hơn thì tô vào phiếu trả lời.

Ví dụ : Trong lĩnh vực Khoa học – kĩ thuật của Liên Xô, năm 1949 đã diễn ra sự kiện gì?

  1. Phóng thành công vệ tinh nhân tạo.
  2. Phóng tàu vũ trụ bay vòng quanh trái đất.
  3. Chế tạo thành công bom nguyên tử.
  4. Chế tạo thành công máy bay phản công.

Học sinh có thể dùng phương án phỏng đoán để tìm ra đáp án đúng là C

Về bí quyết để giành điểm môn Lịch sử, cô Dung cho rằng trong thời gian làm bài, học sinh cần phân bố thời gian và không được bỏ trống đáp án. Việc đầu tiên là đọc toàn bộ câu hỏi xem những câu nào mình biết rồi thì nên tô ngay vào đáp án. Học sinh nên chọn những câu hỏi đơn giản làm trước vì bài thi trắc nghiệm có thang điểm như nhau. Nếu không chắc chắn đáp án thì dùng phương pháp phỏng đoán.

* "Bí quyết bỏ túi" cho thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT - xem TẠI ĐÂY

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ