Anh: Trường học đang khiến học sinh căng thẳng quá mức

GD&TĐ - Số lượng trẻ ở độ tuổi đi học mắc các chứng rối loạn tâm thần và phải sử dụng thuốc điều trị đã tăng vọt trong vòng 2 thập kỷ qua. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tại bất cứ thời điểm nào cũng có tới 20% trẻ em bị rối loạn tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm, lo lắng và rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).

Có 1/8 trẻ tại Anh mắc các bệnh về tâm thần
Có 1/8 trẻ tại Anh mắc các bệnh về tâm thần

Áp lực tâm lý nặng nề

Những con số này được cho là một vấn đề nghiêm trọng ở Anh - nơi 1/8 trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 19 được chẩn đoán mắc chứngrối loạn cảm xúc hoặc hành vi. Theo các báo cáo mới nhất, có 6% trẻ 5 tuổi bị rối loạn tâm thần.

Đặc biệt, những khó khăn này còn nghiêm trọng hơn đối với trẻ em đến từ các gia đình có thu nhập thấp. Những trẻ em trong nhóm này thường có nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần cao gấp 4 lần so với những người cùng độ tuổi.

Trong khi cuộc sống gia đình, bạn bè, phương tiện truyền thông và hình ảnh đều có ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của trẻ em, một báo cáo gần đây của Hội Trẻ em cho thấy, nhiều người trẻ cảm thấy tồi tệ nhất là khi ở trường, thay vì các khía cạnh khác trong cuộc sống.

Tuy nhiên, các chuyên gia trên thế giới nhận định, trường học là nơi có thể giúp trẻ em có cuộc sống hạnh phúc hơn - nếu chúng thực sự có những giá trị như vậy.

Hệ thống GD tại Vương quốc Anh cũng như nhiều nơi khác trên thế giới đều đang hướng tới sự cạnh tranh. Các bảng xếp hạng quốc tế như Chương trình Đánh giá HS Quốc tế (PISA) của OECD đánh giá hiệu suất của các trường học, gây áp lực lên các thống đốc, GV và HS.

Đây được cho là một trong những lý do chính khiến các trường dường như quan tâm tới thành tích học tập của HS hơn cả sức khỏe và tinh thần của người học.

Bên cạnh đó, GV cũng phải đối mặt với nhiều áp lực để bảo đảm HS của mình luôn đạt điểm cao nhất có thể. Điều này cũng góp phần vào việc khiến sức khỏe tinh thần ở GV bị ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến hiệu suất làm việc và khiến không ít người lựa chọn từ bỏ nghề giáo.

Theo kết quả từ Báo cáo Hạnh phúc Thế giới, 5 quốc gia Bắc Âu: Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Iceland – là những cái tên nằm trong 10 quốc gia hạnh phúc nhất. Các quốc gia này thường chú trọng nhiều vào việc GD trẻ về khả năng nhận biết cảm xúc của bản thân, tạo nền tảng hạnh phúc và có thể cải thiện thành tích học tập của HS.

Mặc dù, có những yêu cầu đối với các trường ở Vương quốc Anh trong việc GD người học cách duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần, nhưng rõ ràng là biện pháp này chưa đủ. Theo các chuyên gia, yêu cầu đối với HS đã gây ra cảm giác ganh đua, thay vì dạy họ cách tận hưởng cuộc sống và nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực.

Kết quả từ nghiên cứu cho thấy, việc thúc đẩy sức khỏe tinh thần và niềm hạnh phúc của trẻ ở trường học có tầm quan trọng như các kỹ năng cốt lõi khác; đồng thời khẳng định, biện pháp này có tác động tích cực đến lòng tự trọng, thành tích học tập, quan hệ xã hội, động lực và triển vọng nghề nghiệp của HS.

Các tổ chức GD tại những quốc gia Bắc Âu cũng đánh giá cao các nhận xét của GV đối với các kỳ thi quốc gia. Đặc biệt, các trường học thuộc khu vực này đều không chịu sự đánh giá hay xếp hạng như ở Vương quốc Anh hoặc Mỹ. Điều này ngăn hệ thống GD gây áp lực không cần thiết lên các cơ sở GD, dẫn đến ít sự cạnh tranh, căng thẳng và lo lắng trong HS và giảm thấp tỷ lệ kiệt sức ở GV.

Mang lại hạnh phúc cho người học

Khi nói đến sự khỏe mạnh và hạnh phúc, nghiên cứu của Hội Trẻ em cho thấy, điều quan trọng nhất là phát triển sự hiểu biết về bản thân bằng việc biết cách suy nghĩ, hành xử và quản lý cảm xúc của chính mình, cũng như xây dựng các mối quan hệ xã hội tích cực.

Đây được coi là những điều hiển nhiên ở một số nước Mỹ Latinh. Chẳng hạn, Costa Rica và Mexico là hai quốc gia đạt điểm cao về Chỉ số Hạnh phúc Thế giới và được xếp vào một trong số các khu vực hạnh phúc nhất theo Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc, dựa trên các yếu tố: Hạnh phúc, tuổi thọ và bất bình đẳng, cũng như dấu chân sinh thái.

Những quốc gia này có văn hóa thúc đẩy mối quan hệ giữa bạn bè, gia đình và hàng xóm thông qua mạng xã hội. Cũng theo nghiên cứu, người Mỹ Latinh là những cá nhân vô cùng kiên cường, bất chấp việc họ đang sống tại lục địa bất bình đẳng nhất thế giới. Điều này cũng có nghĩa là họ hoàn toàn có khả năng vượt qua nghịch cảnh và tận hưởng cuộc sống bất chấp hoàn cảnh khó khăn.

Theo báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc, các trường học tại Mỹ Latinh cũng đang có những biện pháp hiệu quả trong việc thúc đẩy khả năng phục hồi ở trẻ em. Ngoài ra, khả năng duy trì môi trường cũng là một phần quan trọng của chính sách GD ở những nơi như Costa Rica. Điều này thúc đẩy sự đồng cảm đối với các thành viên khác trong xã hội - một kỹ năng cốt lõi của GD cảm xúc.

Nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra rằng, hệ thống GD ở cả các nước đang phát triển và phát triển đều coi trọng việc hình thành những công dân có trách nhiệm thông qua việc tạo nên sự bình đẳng, hài hòa và đa dạng giữa mọi người. Tuy nhiên, không có quốc gia nào trong các nước: Trung Quốc, Anh, Mexico và Tây Ban Nha đặt ra một giá trị rõ ràng về sức khỏe tâm thần trong hệ thống GD.

Các chuyên gia kết luận, hệ thống GD tại các quốc gia trên khắp thế giới có thể giải quyết cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở trẻ em - nếu họ thực sự bắt đầu làm như vậy. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, những quốc gia ưu tiên niềm hạnh phúc và sức khỏe ở trẻ nhỏ là khu vực có một sự khởi đầu thuận lợi; đồng thời cho rằng, bằng cách thúc đẩy các mối quan hệ tích cực qua sự cạnh tranh và học hỏi qua các bảng xếp hạng, trẻ em trên toàn thế giới có thể có cơ hội phát triển.
Theo The Conversation

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ