Anh: Tranh cãi về chính sách chống Covid-19

Anh: Tranh cãi về chính sách chống Covid-19

Miễn dịch cộng đồng

Hôm 15/3, Anh đã bác bỏ việc coi miễn dịch bầy đàn, hay miễn dịch cộng đồng (herd immunity), là chính sách của chính phủ chống Corona virus chủng mới. Đây là bước “bẻ lái” bất ngờ trong chưa đầy 48 giờ so với trước đó, khi Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn đứng ra bảo vệ chính sách này.

Sự việc ồn ào nhất hôm 13/3 khi Sir Patrick Vallance, cố vấn chính về khoa học của Chính phủ Anh, nói rằng cách tiếp cận của chính phủ để đối phó với dịch Covid-19 là tạo ra “miễn dịch cộng đồng” với virus. Ông nói, để có miễn dịch bầy đàn thì cần 60% dân số Anh, tức là 40 triệu người, nhiễm SARS-CoV-2.

Trả lời báo chí Anh, ông nói: “Chúng tôi muốn kiểm soát, chứ không loại bỏ nó hoàn toàn, mà đằng nào cũng chả làm được, và cũng cho đủ số người bị bệnh nhẹ rồi miễn nhiễm. Chúng tôi nghĩ rằng virus này có lẽ sẽ quay lại hàng năm, trở thành virus theo mùa, và cộng đồng rồi sẽ miễn nhiễm”.

Ông giải thích, nước Anh đang chủ động làm chậm sự lây lan của virus, chứ không phải chặn đứng nó như nhiều nước đang làm. Ông cho rằng, có muốn cũng không thể chặn được virus, và nếu có chặn được bằng cách cách ly hoàn toàn, thì khi mở ra, bệnh quay trở lại ngay.

Theo ông, chăm sóc y tế nên để dành cho người già, người bệnh nặng, những người thực sự cần, còn với Covid-19, 80% số bệnh nhân chỉ có triệu chứng nhẹ có thể tự điều trị và cách ly ở nhà. Lý do của luận điểm này là sự quá tải của hệ thống y tế tại Ý, dù rất tốt nhưng không thể chịu nổi số bệnh nhân lớn tới điều trị.

Ông Vallance và những người theo đuổi quan điểm này cũng cho rằng nên tăng miễn nhiễm trong dân, khi người bệnh khỏi rồi họ sẽ được miễn nhiễm với bệnh, giống như tiêm vắc-xin, đó là quy luật chung của dịch bệnh. Ông hy vọng rằng Covid-19 sẽ trở nên giống như một dạng cúm mùa mà thôi.

Một cố vấn khác của chính phủ, ông Chris Whitty, tuần trước cũng nói rằng yêu cầu ngừng giao tiếp xã hội “quá sớm” như nhiều nước đã làm có thể khiến người ta mệt mỏi và sẽ không thực hiện nghiêm túc quy định đó.

Với cách tiếp cận “miễn dịch cộng đồng” ban đầu, Chính phủ Anh đã đối mặt với những chỉ trích dữ dội từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các chuyên gia khoa học khác. Nhiều bộ trưởng cũng lên tiếng chỉ trích rằng cách tiếp cận này có thể dẫn tới hàng trăm nghìn người chết, với tỷ lệ chết ước tính khoảng 1%.

Nhóm khoa học gia ở Anh phản đối chính sách này gồm những người như Tổng Biên tập Tạp chí Y khoa The Lancet, hay Devi Sridhar, Giáo sư Đại học Edinburgh. Bà Devi Sridhar, Tiến sĩ của Oxford, mỗi ngày đều viết trên Twitter, nói Chính phủ Anh đang sai lầm khi không học Hàn Quốc, Trung Quốc…

Hôm 14/3, người phát ngôn của WHO cũng đặt dấu hỏi với chính sách miễn dịch cộng đồng. “Chúng ta không biết đủ về mặt khoa học đối với loại virus này. Nó chưa có mặt với người dân đủ lâu để chúng ta biết nó sẽ làm gì về mặt miễn dịch” - người phát ngôn của WHO, bà Margaret Harris nói với BBC. “Mỗi virus hoạt động khác nhau trong cơ thể và nó tạo nên một hồ sơ miễn dịch khác nhau. Chúng ta có thể nói lý thuyết, nhưng lúc này chúng ta đang đối mặt với việc phải hành động”.

Chưa có kế hoạch chống Covid-19

Và chưa đầy 48 giờ sau, ngày 16/3, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock khẳng định miễn dịch cộng đồng “không phải mục đích hoặc chính sách của chúng tôi”. Ông Hancock nói rằng, chính sách của chính phủ là “bảo vệ mạng sống con người và đánh bại virus”, thay vì đạt được miễn dịch cộng đồng.

Ông Hancock cho biết, Chính phủ Anh đang xem xét một kế hoạch cách ly mới, trong đó dự kiến những tuần sắp tới, người già trên 70 tuổi sẽ được yêu cầu cách ly hoàn toàn. Điều này có phần trái ngược với hướng dẫn của WHO là tất cả mọi người dù tuổi nào cũng nên tránh giao tiếp xã hội.

Trả lời phỏng vấn trên chương trình Sky News, khi được hỏi liệu có phải ông đang “đánh bạc” với sự an toàn của công chúng, Bộ trưởng Hancock nói: “Không, rõ ràng là không. Điều chúng ta làm là lắng nghe tất cả các nhà khoa học đáng tin cậy và nhìn vào mọi bằng chứng”.

Chính phủ cũng thảo luận liệu có cấm những cuộc tụ tập lớn hay không. Phần lớn các trường học ở Anh vẫn mở cửa cho đến ngày 16/3, mặc dù nhiều nước như Tây Ban Nha, Pháp, Ireland đã đóng cửa. Rải rác ở Anh cũng đã có một số trường quyết định đóng, tuy nhiên Bộ trưởng Giáo dục Anh Gavin Williamson sẽ gặp các hiệu trưởng để thảo luận về vấn đề này. Một số trường đại học Anh cũng đã chuyển sang dạy học online.

BBC cho biết, Văn phòng Việc làm và Hưu trí Anh thông báo, từ 17/3, các cuộc gặp trực tiếp để đánh giá tình trạng đau ốm và tàn tật để trả trợ cấp an sinh sẽ bị tạm hoãn trong 3 tháng để bảo vệ những người đến yêu cầu trợ cấp, vốn là những người rất dễ tổn thương.

Theo ông Hancock, chi tiết của một dự luật khẩn cấp sẽ được công bố ngày 17/3, trong đó cho phép chính phủ có nhiều quyền lực hơn để xử lý dịch. Các khách sạn có thể được chuyển thành bệnh viện dã chiến. Chính phủ đã bắt đầu đàm phán với các đơn vị y tế tư nhân để nhận thêm hàng nghìn giường bệnh.

Trong khi Chính phủ vẫn chưa có các hành động mạnh tay, thì số ca nhiễm ở Anh đã tăng lên 1.372 người, với 40.279 người đã được xét nghiệm, số người tử vong là 21, tính đến sáng 16/3.

Tờ Guardian dẫn một báo cáo y học cảnh báo rằng, dịch Covid-19 ở Anh có thể kéo dài đến mùa xuân năm 2021 và khiến 7,9 triệu người phải nhập viện. Biết đâu đến lúc đó, tùy theo sự thay đổi của tình hình, chính sách “miễn dịch cộng đồng” ban đầu của Chính phủ Anh có thể phải được thực hiện và có thể đem lại phần nào hiệu quả?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ