Trong một bài viết cho tờ The Telegraph ngày 16/2, Thủ tướng Starmer mô tả cuộc xung đột ở Ukraine là “khoảnh khắc ngàn năm có một” và là vấn đề “mang tính sống còn” đối với châu Âu, biện minh cho khả năng triển khai quân đội Anh.
“Anh sẵn sàng đóng vai trò dẫn đầu trong việc đẩy nhanh công tác bảo đảm an ninh cho Ukraine… Nhưng điều đó cũng có nghĩa là sẵn sàng và mong muốn đóng góp vào việc bảo đảm an ninh cho Ukraine bằng cách đưa quân đội của chúng tôi vào cuộc nếu cần thiết”, Thủ tướng viết.
“Tôi không nói điều đó một cách nhẹ nhàng. Tôi cảm thấy rất sâu sắc trách nhiệm đi kèm với khả năng đưa quân nhân Anh vào tình thế nguy hiểm”, ông nói thêm.
“Tuy nhiên, bất kỳ vai trò nào trong việc giúp bảo đảm an ninh cho Ukraine đều giúp bảo đảm an ninh cho lục địa của chúng ta và an ninh của đất nước này” – Thủ tướng Anh khẳng định.
Thông báo của ông Starmer được đưa ra khi các nhà lãnh đạo châu Âu chuẩn bị họp tại Paris ngày 17/2 để đàm phán khẩn cấp.
Cuộc họp trên được thúc đẩy bởi động thái gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm đạt được thỏa thuận hòa bình với Tổng thống Nga Vladimir Putin và mối lo ngại ngày càng tăng về khả năng cắt giảm các cam kết quốc phòng của Mỹ tại châu Âu.
Hôm 12/2, ông Trump khiến các đồng minh châu Âu của Washington bất ngờ khi có cuộc gọi dài tới Tổng thống Putin để thảo luận về các bước có thể thực hiện nhằm giải quyết xung đột Ukraine.
Từ đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lưu hành một tài liệu được cho là có chứa 6 câu hỏi để đánh giá mức độ sẵn sàng của các quốc gia châu Âu trong việc cam kết thực hiện một thỏa thuận an ninh dài hạn cho Kiev.
Theo Reuters, "Nếu lực lượng quân sự của quốc gia thứ 3 được triển khai tới Ukraine trong thỏa thuận hòa bình, thì bạn sẽ coi quy mô cần thiết của lực lượng do châu Âu lãnh đạo như vậy là bao nhiêu?".
Một câu hỏi khác được cho là: "Chính phủ của bạn sẵn sàng cung cấp thêm những năng lực, thiết bị và lựa chọn duy trì bảo dưỡng nào cho Ukraine để cải thiện thế đàm phán và tăng áp lực lên Nga?"
Tháng 1, nhà lãnh đạo Ukraine Vladimir Zelensky tuyên bố Kiev cần "ít nhất" 200.000 binh lính châu Âu làm lực lượng gìn giữ hòa bình để thực thi bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào với Nga.
Tuy nhiên, các nhà phân tích được tờ New York Times trích dẫn gần đây cho rằng con số này là không thể đạt được, lưu ý rằng việc triển khai ngay cả 40.000 quân cũng sẽ là một thách thức.
Chính quyền ông Trump đã nhiều lần ám chỉ ý định giảm thiểu sự tham gia của Mỹ sau khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn tiềm năng, thay vào đó là tìm cách chuyển gánh nặng tài chính và hậu cần để hỗ trợ Kiev cho các đồng minh trong khu vực.
"Cần nói rõ, trong bất kỳ sự đảm bảo an ninh nào, sẽ không có quân đội Mỹ được triển khai tới Ukraine", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth phát biểu với Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine tuần trước.
Tuần trước, đại diện thường trực của Moscow tại LHQ, Vassily Nebenzia, nhấn mạnh không có lực lượng gìn giữ hòa bình nào có thể hoạt động hợp pháp nếu không có lệnh của Hội đồng Bảo an LHQ.
Nhà ngoại giao cấp cao của Nga Rodion Miroshnik trước đây từng cảnh báo "bất kỳ lực lượng nào xâm nhập vào lãnh thổ Ukraine mà không có sự đồng ý và cho phép của Nga đều là mục tiêu quân sự và sẽ có những hậu quả khá dễ hiểu".