Anh rời khỏi chương trình trao đổi sinh viên Erasmus

GD&TĐ - Thanh thiếu niên, sinh viên Anh sẽ không còn tham gia chương trình trao đổi Erasmus vì Anh không đạt được thỏa thuận về tư cách thành viên hậu Brexit.

Chương trình trao đổi sinh viên Erasmus được thành lập từ năm 1987.
Chương trình trao đổi sinh viên Erasmus được thành lập từ năm 1987.

Michel Barnier, Trưởng đoàn đàm phán của EU, cho biết Chính phủ Anh quyết định không tham gia vào chương trình trao đổi Erasmus sau khi hai bên không thể thống nhất về chi phí nếu Anh tiếp tục là thành viên của Erasmus.

Được tổ chức từ năm 1987, chương trình Erasmus trao cơ hội học tập cho sinh viên Anh ở các trường đại học tại châu Âu trong thời gian một năm và ngược lại. Sinh viên tham gia chương trình được nhận tài trợ học bổng, miễn học phí và nhiều hỗ trợ khác.

Phiên bản mới nhất của Erasmus là chương trình trao đổi Erasmus + giúp sinh viên trên toàn thế giới có cơ hội học tập tại châu Âu. Mỗi năm, chương trình Erasmus + thu hút khoảng 200.000 sinh viên tham gia, trong đó 15.000 người đến từ Anh.

Báo cáo đầu năm 2020 từ một nhóm các nhà giáo dục, lãnh đạo doanh nghiệp Anh chỉ ra, việc rời khỏi Erasmus có thể khiến quốc gia này mất đi 243 triệu bảng mỗi năm, tước đi kinh nghiệm học tập của khoảng 17.000 thanh thiếu niên. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp, những người không đủ khả năng tài chính để trang trải chi phí học tập.

Việc rời khỏi Erasmus sẽ là đón giáng mạnh vào các trường đại học Anh đang gặp khó khăn tài chính hoặc tuyển sinh do Covid-19 gây ra. Một báo cáo của Viện Chính sách Giáo dục đại học (HEPI) cũng chỉ ra Chính phủ Anh sẽ phải vật lộn để chi tiêu cho nghiên cứu quốc gia nếu các trường đại học bị cắt giảm nguồn thu học phí.

Adam Tickell, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sussex cho biết: “Rời khỏi chương trình Erasmus là câu chuyện buồn, đặc biệt khi những bước đi đầu tiên của chương trình được đặt tại ĐH Sussex. Trong những năm qua, chương trình Erasmus đã thay đổi của cuộc sống của hàng nghìn người trẻ tuổi”.

Vào tháng 1/2020, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định “không có mối đe dọa nào đối với chương trình Erasmus”. Nhưng cuối năm nay, ông thừa nhận rời khỏi Erasmus là quyết định khó khăn. Thủ tướng Boris tuyên bố Anh phải chịu thua lỗ về mặt tài chính vì số lượng lớn công dân EU đến học tập.

Thay vì chương trình Erasmus, Anh sẽ thành lập chương trình trao đổi sinh viên giữa quốc gia này với thế giới. Đề án mới gọi là Alan Turing, được đặt theo tên của nhà toán học người Anh, cha đẻ ngành Khoa học máy tính.

Sinh viên tham gia chương trình không chỉ được học tập tại các trường đại học châu Âu mà còn có thể đăng ký các trường tốt nhất trên thế giới. Mục tiêu của đề án là giúp những người trẻ tuổi trải nghiệm nguồn tri thức to lớn tại châu Âu và toàn thế giới.

Vivienne Stern, Giám đốc các trường đại học quốc tế Vương quốc Anh (UUKI), cho biết: “Thật thất vọng vì sau nhiều năm chúng tôi không còn tham gia chương trình Erasmus. Nhưng tôi không lấy làm ngạc nhiên với quyết định này”.

Stern cảm thấy hài lòng về triển vọng của kế hoạch quốc gia Alan Turing. Cô hy vọng chương trình sẽ đáp ứng được chi phí du học cho những người trẻ tuổi.

Cô đánh giá những khoản tài trợ trong đề án Alan Turing không chỉ chia sẻ gánh nặng học phí mà còn giúp sinh viên tìm kiếm cơ hội thực tập, việc làm hoặc các hoạt động tình nguyện. Những kinh nghiệm trên giúp sinh viên tốt nghiệp gia tăng cơ hội tìm việc làm, đặc biệt giá trị với những người đến từ gia đình thu nhập thấp.

Tuy nhiên, Stern nhận xét bất kỳ đề án nào thay thế Erasmus cũng cần được tài trợ đầy đủ. Nó cũng phải đáp ứng yêu cầu giúp sinh viên vươn ra thế giới như chương trình Erasmus thực hiện.

Kế hoạch Alan Turing dự kiến không tài trợ cho sinh viên quốc tế đến Anh học tập như Erasmus đang làm. Dự đoán các trường đại học Anh sẽ bỏ lỡ một nguồn thu đến từ du học sinh.

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ