Ảnh rõ nét nhất về bề mặt Mặt trời

Ảnh rõ nét nhất về bề mặt Mặt trời

Trên bức ảnh có thể thấy những chi tiết chưa từng gặp, với đường kính khoảng 30km của cấu trúc bề mặt ngôi sao của chúng ta. Kính viễn vọng DKIST khởi đầu kỷ nguyên mới quan sát Mặt trời và là bước tiến lớn trong tìm hiểu Mặt trời và ảnh hưởng của nó đối với Trái đất.

Dường như, Kính viễn vọng DKIST (trước đó gọi là Advanced Technology Solar Telescope, được khởi công xây dựng vào năm 2013) đóng vai trò quan trọng trong tìm hiểu Mặt trời và thời tiết vũ trụ.

Kính DKIST được đặt tại Đài Quan sát thiên văn Haleakala Observatory trên đảo Hawaii. Đây là kính viễn vọng quan sát Mặt trời lớn nhất trên mặt đất. Nó có thể quan sát ngôi sao của chúng ta trong dải tần từ ánh sáng khả kiến đến cận hồng ngoại với độ phân giải rất cao.

Bề mặt Mặt trời với các chi tiết nhỏ nhất

Hoạt động của Mặt trời ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta, đặc biệt ảnh hưởng đến các công nghệ hiện đại. Các cơn bão Mặt trời có thể làm nhiễu liên lạc vệ tinh, du lịch hàng không, các công nghệ như GPS, hoặc thậm chí có thể gây mất điện dài ngày.

Chính vì vậy, việc hiểu những gì đang diễn ra trên Mặt trời có thể cung cấp những thông tin quan trọng cho các nhà khoa học.

Những bức ảnh DKIST đầu tiên cho thấy bề mặt Mặt trời trong các chi tiết nhỏ nhất, có thể mang đến các thông tin quan trọng. Bức ảnh mà trên đó chúng ta thấy các “hoa văn” phức tạp, chính là bức ảnh chụp plasma Mặt trời.

Plasma này bao gồm những phần nhỏ như những tế bào, di chuyển liên tục trên bề mặt Mặt trời và dẫn nhiệt từ bên trong lòng Mặt trời ra ngoài.

Các trung tâm “tế bào” sáng màu cho thấy nơi plasma đang dâng lên cao; còn các vị trí sẫm màu là nơi plasma rơi trở lại xuống Mặt trời. Mỗi “tế bào” có đường kính hàng trăm km, diện tích tương đương diện tích nước Pháp (khoảng 650.000 km2).

Các bức ảnh do DKIST thực hiện có độ phân giải cao gấp 5 lần so với những bức ảnh chụp Mặt trời rõ nét nhất hiện nay. Trên các bức ảnh DKIST có thể thấy rõ các cấu trúc với đường kính 30 km.

“Kể từ lúc NSF khởi động công việc nghiên cứu với Kính DKIST, chúng tôi nóng lòng chờ đợi những bức ảnh đầu tiên về Mặt trời” – bà France Cordova ở NFS cho biết – “Bây giờ chúng tôi có thể cung cấp các bức ảnh và video chi tiết nhất về bề mặt Mặt trời.

Kính viễn vọng DKIST có khả năng lập bản đồ từ trường và các quá trình diễn ra trong hào quang Mặt trời, nơi xảy ra các vụ bùng nổ có thể ảnh hưởng đến Trái đất. Kính DKIST cải thiện sự hiểu biết của chúng ta về nguyên nhân gây ra thời tiết vũ trụ, đồng thời giúp dự đoán bão từ chính xác hơn”.

Kính viễn vọng Mặt trời DKIST.
 Kính viễn vọng Mặt trời DKIST.

Bão từ

Mặt trời là ngôi sao gần chúng ta nhất, là lò phản ứng hạt nhân khổng lồ, mỗi giây đốt cháy khoảng 5 triệu tấn nhiên liệu. Mặt trời đã làm việc đó khoảng 5 tỷ năm rồi và sẽ tiếp tục trong khoảng 4,5 tỷ năm nữa. Toàn bộ số năng lượng này được phát tán vào vũ trụ theo mọi hướng. Một phần nhỏ trong số năng lượng này đến được Trái đất, giúp hình thành sự sống.

Vào những năm 50 thế kỷ trước, các nhà khoa học phát hiện thấy rằng gió Mặt trời thổi ra đến tận rìa Hệ Mặt trời. Khi đó, họ kết luận là chúng ta sống trong vùng quyển của Mặt trời. Tuy nhiên, nhiều quá trình Mặt trời quan trọng đã khiến các nhà khoa học lúng túng. Chúng ta biết rất ít về những gì đang diễn ra trên Mặt trời.

“Trên Trái đất, chúng ta có thể dự đoán chính xác về mưa hay tuyết rơi; tuy nhiên với thời tiết vũ trụ thì chúng ta không làm được như vậy” – ông Matt Mountain, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học nghiên cứu về thiên văn, cho biết như vậy.

“Việc dự báo thời tiết vũ trụ của chúng ta lạc hậu khoảng 50 năm so với dự báo thời tiết trên Trái đất, nếu không muốn nói là nhiều hơn. Chúng ta cần hiểu rõ vật lý về thời tiết vũ trụ, bắt đầu từ Mặt trời” – ông nói thêm.

Theo Nauka

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ