Anh: Lan tỏa kiến thức hiến tạng qua chương trình giảng dạy

GD&TĐ - Tất cả học sinh trung học ở Anh dự kiến được học về hiến máu và tạng trong chương trình giảng dạy của trường.

Chính phủ Anh hy vọng thế hệ trẻ sẽ sẵn sàng trở thành người hiến tạng.
Chính phủ Anh hy vọng thế hệ trẻ sẽ sẵn sàng trở thành người hiến tạng.

Động thái này được đưa ra với hy vọng sẽ khuyến khích thế hệ trẻ trở thành người sẵn sàng hiến tạng. Đồng thời, với những kiến thức đạt được, họ có thể chia sẻ với những người khác về việc trao tặng.

Một phần của chương trình giảng dạy trung học

Cũng như hiến máu và nội tạng, tất cả học sinh trung học cơ sở tại Anh cũng sẽ được học về hiến tế bào gốc. Tế bào gốc có thể được sử dụng để điều trị các bệnh ung thư và rối loạn máu. Việc hiến tặng được giảng dạy như một phần của giáo dục sức khỏe, vốn đã được bắt buộc đối với các trường trung học vào năm ngoái.

Tuy nhiên, trong năm 2020, các trường học tại Anh có thể đã không đưa toàn bộ nội dung của Giáo dục về Mối quan hệ, Giới tính và Sức khỏe (RSHE) vào giảng dạy. Nguyên nhân là do sự gián đoạn họ phải đối mặt trong thời gian Covid-19 bùng phát.

Theo tờ The Independent, chính phủ Anh hy vọng, chương trình này sẽ được đưa vào giảng dạy cho toàn bộ học sinh trung học trong năm nay.

Dịch vụ Máu và Cấy ghép quốc gia Anh (NHSBT) - tổ chức chịu trách nhiệm về việc hiến máu, tạng và tủy xương, đã làm việc với tổ chức từ thiện Anthony Nolan cùng các giáo viên.

Qua đó, phát triển các nguồn tài nguyên miễn phí để các trường học sử dụng trong bài giảng dạy. Ông Alex Cullen - đứng đầu Phòng Marketing thuộc NHSBT - cho biết, cơ quan này rất “vui mừng” khi việc hiến tặng được lên kế hoạch đưa vào giảng dạy như một phần của chương trình trung học.

“Chúng tôi coi các hình thức hiến tặng là một nghi thức để trở thành người trưởng thành. Những bài học này sẽ cho phép học sinh thảo luận về việc hiến tặng, cũng như trao quyền cho họ để đưa ra quyết định sáng suốt của riêng mình”, ông Cullen chia sẻ.

Cũng theo ông Cullen, nếu những người trẻ tuổi ủng hộ việc hiến tặng sau khi thực sự hiểu rõ về điều đó, họ có thể mang lại ảnh hưởng lớn. Đồng thời, có thể vận động mọi người cùng hiến máu và tạng. Từ đó, giúp nhiều người được cứu sống. Theo thống kê tại Anh, mỗi năm quốc gia này cần khoảng 1,4 triệu lượt hiến máu để giúp đỡ các bệnh nhân trong bệnh viện trên khắp cả nước.

Terence Lovell từ Anthony Nolan - tổ chức từ thiện của Anh hoạt động trong lĩnh vực ghép bạch cầu và ghép tế bào gốc tạo máu, nhận định, các nguồn lực mới cho trường học sẽ cung cấp kiến thức tới những người trẻ. Từ đó, giới thiệu tới các học sinh về việc hiến tặng một cách vị tha. Đồng thời, giúp họ bắt đầu các cuộc trò chuyện quan trọng về vấn đề này với gia đình và bạn bè.

“Nếu không có những người hiến tặng trẻ, tổ chức Anthony Nolan sẽ không thể tiếp tục cứu sống mọi người”, ông Lovell nhấn mạnh.

Mở ra cơ hội cứu sống nhiều bệnh nhân

Trong khi đó, người phát ngôn của The Sickle Cell Society cho biết, tổ chức hoan nghênh sáng kiến giáo dục này. The Sickle Cell Society là tổ chức hỗ trợ và đại diện cho những người bị ảnh hưởng bởi rối loạn tế bào hình liềm. Qua đó, giúp họ cải thiện chất lượng cuộc sống.

“Những người gốc Phi và Caribe có nhiều khả năng mang một số nhóm máu nhất định thường thấy ở bệnh nhân mắc hồng cầu hình liềm. Vì vậy, chúng tôi cần nhiều người thuộc các sắc tộc này mạnh mẽ đứng lên và đăng ký trở thành người hiến tặng.

Chúng tôi cảm thấy lạc quan rằng, những thay đổi trong chương trình giảng dạy sẽ hỗ trợ chúng tôi và tất cả những người làm việc trong lĩnh vực hiến máu, nội tạng và tế bào gốc.

Nhờ đó, xây dựng những thế hệ người trẻ hiểu rõ tại sao việc hiến tặng lại quan trọng và tác động của việc cứu sống có thể ảnh hưởng đến những người có tình trạng sức khỏe nghiêm trọng”, phát ngôn viên của The Sickle Cell Society kêu gọi.

Orin Lewis - nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của African Caribbean Leukemia Trust (ALCT), nhận định, giáo dục học sinh trung học về hiến máu, nội tạng và tế bào gốc là điều mà ACLT đã thực hiện rất thành công trong 25 năm qua. ALCT là một tổ chức từ thiện độc lập của Anh dành cho những người mắc bệnh bạch cầu và các rối loạn đe dọa tính mạng khác.

“Một tỷ lệ phần trăm cao trong số hàng nghìn học sinh mà chúng tôi đã tiếp cận có phản hồi tích cực thông qua các câu hỏi họ đặt ra. Nhiều học sinh tiếp tục đăng ký tham gia cả ba mục hiến tặng. Sự nhiệt tình của họ trong việc cứu sống một người lạ đã khiến chúng tôi kinh ngạc”, ông Lewis cho biết.

Nhà lãnh đạo của ALCT đồng thời bày tỏ sự ủng hộ việc bổ sung kiến thức hiến tạng và máu vào chương trình giảng dạy quốc gia. “Từ kinh nghiệm, chúng tôi biết rằng, điều đó sẽ giúp cứu sống nhiều người hơn nữa”, ông Lewis nhận định.

Trong khi đó, bà Reshna Radiven - người đứng đầu bộ phận truyền thông của tổ chức từ thiện ung thư máu DKMS - chia sẻ: “Chúng tôi rất vui khi lần đầu tiên, tất cả trẻ em trung học ở Anh được dạy cách cứu người thông qua hiến tặng, như một phần của chương trình giảng dạy quốc gia. Điều này có khả năng cứu sống hàng nghìn bệnh nhân mỗi năm do thiếu nguồn hiến tạng”.

Các quy định mới có hiệu lực vào đầu năm nay tại Anh cũng cho phép nhiều người đàn ông đồng tính được hiến máu. Năm ngoái, việc hiến tặng nội tạng ở Anh đã được thay đổi thành hệ thống tự động. Điều đó có nghĩa là tất cả công dân trưởng thành tại nước này sẽ tự động được ghi danh trở thành người hiến tặng nội tạng, trừ khi họ từ chối.

Theo ước tính, tới năm 2023, luật mới này sẽ giúp Anh có thêm 700 ca cấy ghép nội tạng diễn ra mỗi năm. Đồng thời, rút ngắn 5.200 người trong danh sách đang chờ phẫu thuật.

Theo The Independent

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ