Ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19, doanh nghiệp đầu tư điện gió “kêu cứu”

GD&TĐ - Ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến nhiều dự án điện gió đã không kịp "về đích" khiến doanh nghiệp lo lắng.

Ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến nhiều dự án điện gió đã không kịp "về đích".
Ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến nhiều dự án điện gió đã không kịp "về đích".

Kết thúc ngày 31/10/2021, chỉ có 69 dự án với tổng công suất 3.298,95 MW được công nhận vận hành thương mại (COD). So với tổng công suất 5.655,5 MW đăng ký thì còn khoảng 2.300 MW đã lỡ hẹn.

Trong văn bản vừa gửi Thủ tướng và các bộ ngành liên quan, Công ty cổ phần điện gió Hanbaram cho hay, đến ngày 31/10/2021, Nhà máy Điện gió Hanbaram đã hoàn thành thi công, lắp đặt và kết nối 29/29 trụ tuabin; hoàn thành toàn bộ đường dây và trạm biến áp đấu nối lên hệ thống lưới điện quốc gia; đang thực hiện thử nghiệm kỹ thuật toàn bộ và COD các trụ tuabin.

Nguyên nhân không kịp về đích đúng thời hạn được cho là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gây ra rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án. Với nguyên nhân bất khả kháng này nên dù đã rất cố gắng, nhưng chỉ có 6/29 trụ (20% công suất) điện gió của Công ty kịp vận hành thương mại (COD) trước thời điểm 31/10/2021 để hưởng giá FIT ưu đãi. Đặc biệt, 23 trụ (80%) còn lại dù đã hoàn thành việc đầu tư nhưng hiện chưa được COD do chưa có chính sách tiếp theo cho điện gió từ ngày 1/11/2021.

Đại diện Hanbaram cho biết, thiết bị, phương tiện vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng đã được nhập khẩu và đưa về cảng Cát Lái từ tháng 5/2021, tuy nhiên do thành phố Hồ Chí Minh thực hiện phong tỏa hoàn toàn dẫn tới thiết bị, phương tiện vận chuyển đến tháng 9/2021 mới ra được khỏi Cảng và phải chịu tăng chi phí lưu kho, lưu bãi.

Đội ngũ công nhân và nhân viên vận hành thiết bị hay phục vụ lắp đặt đều bị mắc kẹt, thậm chí có người cũng bị nhiễm bệnh khi bị kẹt tại thành phố Hồ Chí Minh khi chờ lấy hàng. Ngoài ra, quá trình vận chuyển thiết bị phải đi qua nhiều địa phương mà Covid-19 bùng phát liên tục nên việc huy động nhân lực cũng như lên kế hoạch vận chuyển gặp nhiều khó khăn do giãn cách xã hội, cách ly tập trung đối với các trường hợp F1 hoặc đi từ vùng dịch về …

Mặt khác, thiết bị của dự án nhập khẩu 100%, việc bảo mật công nghệ và lắp đặt phụ thuộc lớn vào chuyên gia, kỹ sư cao cấp do hãng cung cấp điều động. Trong khi đó, từ cuối năm 2020 đến nay, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chuyên gia của nhà thầu thiết bị gặp khó khăn trong việc vào Việt Nam do việc xin cấp Visa rất phức tạp, các chuyến bay quốc tế không có hoặc rất hạn chế. Thời gian di chuyển của chuyên gia nước ngoài tới công trường dự án tăng hơn gấp đôi, từ 6 tuần lên đến 10 tuần.

Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phong điện Gia Lai dù đã hoàn thành thi công, lắp đặt và kết nối 25/25 trụ tuabin cùng nhiều hạng mục để đi vào vận hành nhưng cũng cho rằng, bởi tác động của dịch bệnh trước đó nên cuối cùng chỉ có 1/25 trụ điện gió kịp COD đúng hẹn.

Ông Hoàng Giang, Tổng Giám đốc Công ty Điện gió Sunpro Bến Tre cho biết, những tháng giãn cách, không chỉ công trường bị gián đoạn, chuyên gia, công nhân ra vào nhà máy khó khăn, mà việc mua bán và vận chuyển vật tư... cũng tắc, giải phóng mặt bằng... đình trệ, kéo dài.

“Mong Chính phủ, Bộ Công thương gia hạn thêm thời gian COD để bù lại thời gian bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Nếu không được cấp cứu đúng lúc, doanh nghiệp có nguy cơ thua lỗ, phá sản”, ông Giang nhận xét và chia sẻ, hiện cơ chế đấu thầu để chọn các dự án điện gió vẫn chưa được đưa ra dù Quyết định 39/2018/QĐ-TTg về đã hết hiệu lực từ ngày 1/11/2021 về phần giá mua điện.

Tại Công ty cổ phần Điện gió Hanbaram, với quy mô 117 MW, dự án được Ngân hàng cổ phần Quân Đội (MB Bank) phê duyệt cấp bảo lãnh, mở L/C, Tổng thầu thi công xây lắp và Nhà cung cấp thiết bị (Siemens) đã chấp thuận L/C đối với tài chính quốc tế của Tổng thầu và Nhà cung cấp thiết bị. Vì vậy, việc chủ đầu tư không COD kịp các trụ tua bin để hưởng giá mua điện gió theo quy định trong 20 năm đang ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình tài chính của Công ty cũng như các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước liên quan.

Nhìn nhận việc các dự án điện gió không kịp COD để hưởng giá mua điện theo Quyết định 39/QĐ-TTg, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời tỉnh Bình Thuận cho rằng, điện gió Việt Nam khó tránh khỏi tổn thất nặng nề khi 1/3 số dự án không thể về đích với tổng công suất 2.000 MW, tương đương vốn đầu tư trên 3 tỷ USD đang không biết đi về đâu, giá bán ra sao, trả nợ thế nào. Điều này sẽ dẫn tới các nguy cơ khiếu kiện, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.