Nghiên cứu chỉ ra rất ít khác biệt về sức khoẻ tinh thần lẫn mức độ hài lòng về cuộc sống giữa hai nhóm.
Báo cáo được công bố ngày 7/4, sử dụng dữ liệu nghiên cứu Next Steps của Trường Đại học College London dựa trên khảo sát gần 16.000 người Anh sinh ra vào năm 1989 và 1990. Nghiên cứu đo lường sức khoẻ tinh thần của người tham gia khảo sát thông qua những câu hỏi như: “Em có thể tập trung vào việc mình đang làm không?”, “Em có bị mất ngủ vì lo lắng không?”…
Kết quả, nữ sinh 16 tuổi ở các trường tư thục có tình trạng sức khoẻ tâm thần tốt hơn “một chút” so với các bạn đồng trang lứa ở trường công. Nhưng khoảng cách tương tự không xuất hiện ở tuổi 14 hoặc 15.
Đánh giá về môi trường học tập, nữ sinh trường tư cảm thấy được quan tâm chăm lo nhiều hơn về sức khoẻ tinh thần so với các bạn học công lập. Cụ thể, 27% nữ sinh công lập xuất hiện các triệu chứng của vấn đề tinh thần ở tuổi 25. Con số này với nữ sinh trường tư là 23%.
Về phía nam sinh, ở độ tuổi 20, 21% nam sinh có triệu chứng tinh thần bất ổn sau quá trình học tại trường công, cao hơn 2% so với nhóm ở trường tư thục.
Tuy nhiên, sau khi tính đến hoàn cảnh gia đình, đặc điểm cá nhân và trình độ học vấn, báo cáo kết luận, gần như không có sự khác biệt giữa những học sinh từng học trường công hay tư.
Kết quả cũng cho thấy không có bằng chứng nào chứng minh phụ huynh cho con cái theo học tại các trường tư thục giành được lợi thế về sức khoẻ tâm thần và mức độ hài lòng với cuộc sống cho con cái.
Kết quả này khiến nhiều chuyên gia giáo dục ngạc nhiên bởi các trường tư thục vốn đầu tư nhiều tiền và nguồn lực để nuôi dưỡng thể chất, tâm sinh lý cho học sinh. Nhưng ngược lại, một số học sinh theo học trường tư phải đối mặt với tâm lý căng thẳng do sống xa nhà, áp lực về kết quả học tập.
Theo Tiến sĩ Morag Henderson, thành viên nhóm nghiên cứu, kết quả trên thể hiện mối quan hệ “năng lực này triệt tiêu năng lực kia”. Điều này có nghĩa là áp lực khi học trường tư đã vượt qua hỗ trợ về phúc lợi, tâm sinh lý.
Do đó, dù được quan tâm nhiều về mặt sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần, chỉ số hạnh phúc của học sinh trường tư không vượt trội so với bạn bè học trường công lập.
Báo cáo cũng nhìn nhận thời gian qua, các trường tư thục liên tục tăng chi tiêu cho phúc lợi và hỗ trợ dịch vụ y tế, giáo dục, tinh thần. Điều này có thể giúp học sinh trường tư nhận được nhiều hỗ trợ hơn trong giai đoạn dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc so sánh sức khoẻ tinh thần trong giai đoạn này cần được phân tích thêm.
Trước đó, nghiên cứu đối với những người sinh năm 1970 cho thấy, việc học trường tư thục tại Anh gây ra vấn đề tâm lý nặng nề ở nữ sinh. Nhưng kể từ những năm 1980, các trường tư thục đã tăng chi tiêu cho phúc lợi nhằm hỗ trợ tốt hơn vấn đề sức khoẻ tâm thần của học sinh.