Hàn Quốc: Xóa mác trường tư thục có ảnh hưởng thế nào?

GD&TĐ - Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in dự kiến bãi bỏ các trường tư thục tại Hàn quốc. Tuy nhiên, nó đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ. Một số người cho rằng quyết định của Bộ Giáo dục là vi phạm Hiến pháp.

Trường tư thục tại Hàn Quốc thường dành cho học sinh có điều kiện khá giả.
Trường tư thục tại Hàn Quốc thường dành cho học sinh có điều kiện khá giả.

Trước đó, năm 2019, Bộ Giáo dục Hàn Quốc thông báo tất cả trường tư thục tự chủ, trường chuyên ngoại ngữ, trường quốc tế sẽ được chuyển đổi thành trường thường. Kế hoạch này nhằm cải thiện cơ hội bình đẳng trong giáo dục, thu hẹp khoảng cách học tập giữa học sinh.

Hội đồng trường phổ thông tư thục tại Hàn Quốc tuyên bố: “Việc bãi bỏ hệ thống trường tư làm suy yếu tính đa dạng và quyền tự chủ giáo dục được Hiến pháp công nhận. Giáo dục đang buộc học sinh phải tuân theo hệ thống đồng nhất, không quan tâm đến nhu cầu học tập cá nhân”.

Theo giáo viên Tiếng Anh tại một trường trung học ngoại ngữ ở thủ đô Seoul, kế hoạch biến trường tư thục thành trường thường đang ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Trước đây, học sinh đăng ký vào trường phải thi tuyển nhưng từ khi Bộ Giáo dục yêu cầu chuyển trường về chính quyền địa phương quản lý, kỳ thi đã bị huỷ bỏ. Dù quy định xét tuyển công bằng hơn, chất lượng học sinh nhà trường giảm sút.

Môn học Tiếng Anh nâng cao phải hủy bỏ vì nhiều học sinh không theo kịp hoặc không có hứng thú. Giáo viên Tiếng Anh dạy chương trình cơ bản để học sinh chuẩn bị cho kỳ thi đại học quốc gia. Trong khi trước đây, học sinh tốt nghiệp trường đã có chứng chỉ ngoại ngữ hoặc trình độ vượt qua bài thi môn Tiếng Anh trong kỳ thi đại học.

“Việc bãi bỏ trường tư không ảnh hưởng đến học sinh có điều kiện khá giả vì các em có thể du học ngay từ bậc phổ thông. Các chính sách này không những không cải thiện chất lượng trường công, mà còn kéo chất lượng trường tư xuống thấp”, nữ giáo viên nhận xét.

Một giáo viên tại trường trung học công lập ở Seoul, đánh giá để cải thiện công bằng trong giáo dục, Bộ Giáo dục cần có biện pháp nâng cao chất lượng cho trường công lập.

“Tôi đồng ý với mục tiêu chung là thu hẹp khoảng cách giữa trường công và trường tư. Nhưng cách tiếp cận này chỉ tập trung vào trường tư, chưa chú trọng đến giáo dục công lập”, người này bày tỏ.

Học sinh tại trường công có kết quả học tập chênh lệch quá lớn. Để phục vụ số đông, giáo viên giảng bài chủ yếu bám theo chương trình sách giáo khoa, ít có sự nâng cao. Do đó, giáo dục công lập không đáp ứng được nhu cầu của học sinh có thành tích cao, đặc biệt sau khi trường tư bị bãi bỏ.

GS Park Joo-ho, nhà nghiên cứu giáo dục tại Trường Đại học Hanyang, đánh giá, việc loại bỏ trường tư có nguy cơ đi ngược lại đạo luật về giáo dục, trong đó quy định các trường có quyền tự chủ quản lý. Một số trường tư đã đệ trình lên tòa án và giành chiến thắng.

Ông Sung Ki-sun, người đứng đầu Viện Nghiên cứu và Đánh giá Hàn Quốc, thuộc Văn phòng Thủ tướng, cho biết, vấn đề của trường tư là “khác biệt trong chương trình đào tạo”. Sự tồn tại của họ thúc đẩy bất bình đẳng.

Khi loại bỏ trường tư, Bộ Giáo dục sẽ để trường công đào tạo dựa trên hệ thống tín chỉ nhằm cho phép học sinh lựa chọn môn học phù hợp. Hệ thống tín chỉ sẽ dung hòa khả năng tiếp cận của trường công và chương trình đào tạo đa dạng của trường tư.

Nhưng ông Ki-sun cho biết: “Kế hoạch của Bộ sẽ không thành công nếu kỳ thi đại học, nổi tiếng khắc nghiệt, vẫn được giữ nguyên”.

Theo Korea Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.