(GD&TĐ) - Những sự việc như bắt cóc, tống tiền, ẩu đả… xảy ra trước cổng trường học (thậm chí trong sân trường) ngày càng phổ biến gần đây mà nạn nhân đa phần là học sinh đã khiến các trường quan tâm đầu tư hơn đến an ninh trong trường học. Tuy nhiên, để an toàn cho học sinh, chỉ sự nỗ lực của các trường là chưa đủ…
Các biện pháp tăng cường an ninh
Hiện nay, ở TP.HCM, tại nhiều trường, nhất là các trường TH, THCS, việc theo dõi người ngoài ra vào đã được xiết chặt hơn, không còn dễ dãi như trước. Nhiều trường không chỉ tăng cường thêm lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp từ các công ty vệ sĩ mà còn phối hợp với lực lượng dân phòng địa phương nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho học sinh sau giờ tan học. Có trường, do lượng học sinh đông, khuôn viên rộng, lại đóng trên địa bàn phức tạp nên đã đầu tư trang bị cả hệ thống camera theo dõi từ ngoài cổng vào đến tận trong trường.
Cô Nguyễn Thúy Hà, Hiệu trưởng trường TH Nguyễn Văn Trỗi, cho biết: Sau những vụ việc bắt cóc học sinh, tống tiền mà báo chí nêu, chúng tôi đã tăng cường đội ngũ nhân viên bảo vệ từ 5 lên 7 người, lắp bổ sung camera quan sát ngoài cổng trường, những góc khuất… để có thể quan sát được học sinh mọi lúc. Song song đó, chúng tôi cũng đề nghị phụ huynh học sinh tăng cường phối hợp trong việc đưa đón cũng như nhắc nhở cho các em về những nguy cơ tiềm ẩn.
Cô Phan Thị Bích Thủy, hiệu trưởng trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý cũng cho biết: Ngoài việc thiết lập phòng riêng tách xa khu vực học tập để tiếp phụ huynh và khách đến liên hệ với trường, chúng tôi còn thiết lập 2 vòng an ninh (cổng và trong nhà trường) với đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp tuần tra theo ca, cùng hệ thống an ninh giám sát nghiêm ngặt.
Bé Mai tại trụ sở Công an |
Tại các trường khó khăn, chưa có điều kiện kinh tế (con số này chiếm phần lớn), công tác an ninh trường học vẫn áp dụng theo lối cũ với đội ngũ bảo vệ mỏng, lớn tuổi. Nhiều trường dù cho phép phụ huynh được vào tận trong sân đón con em tuy có thể đảm bảo cho học sinh không bị dụ dỗ nhưng vẫn rất dễ dẫn đến tình huống kẻ xấu trà trộn vào khống chế, uy hiếp học sinh. Có trường điều kiện sân bãi không có, HS phải ra ngoài… lề đường tập thể dục cũng rất dễ bị kẻ xấu xâm phạm khi đội ngũ GV quản lý quá mỏng.
Cô Nguyễn Hồng Minh, hiệu trưởng trường TH Thuận Kiều, Q.12- một trường được cho là “nghèo”, cho biết: Với điều kiện chúng tôi, giải pháp an ninh chung là nhà trường yêu cầu bảo vệ tuyệt đối trong giờ học không được để bất kì học sinh nào ra khỏi trường một mình. Không được để người lạ vào trường nếu không có đầy đủ giấy tờ chứng minh. Khi có người lạ đến đón học sinh về phải có thông báo ngay với bố, mẹ và được sự đồng ý của bố mẹ học sinh, giáo viên chủ nhiệm lớp thì mới được phép cho đón.
Ngoài ra, phần đông các trường chọn giải pháp kết hợp chặt chẽ với công an cơ sở, nhằm xử lý nhanh những tình huống xấu xảy ra.
Cần sự đồng thuận, ủng hộ của phụ huynh
Cô Nguyễn Thị Kim Hương, hiệu trưởng Trường TH Âu Cơ, cho rằng: Việc đảm bảo an ninh trường học, an toàn cho HS phần nhiều vẫn dựa vào ý thức và sự cảnh giác của GV và HS là chính. Nếu đòi hỏi các trường đều phải trang bị hệ thống an ninh nghiêm ngặt theo kiểu “nội bất xuất- ngoại bất nhập” là không thể, vì không phải trường nào cũng có điều kiện. Làm được điều đó, nhà trường cần có một cơ chế riêng cho vấn đề tài chính. Nguồn chi ngân sách hiện không có khoản đầu tư này.
Thực tế cho thấy các trường có điều kiện trang bị hệ thống an ninh giám sát đều nhận được sự ủng hộ, đóng góp từ phía phụ huynh là chính. Riêng với các trường ngoại thành, đa phần phụ huynh “nghèo”, thiếu điều kiện “ủng hộ”, công tác bảo đảm an ninh vẫn chỉ là thao tác đơn giản: khóa chặt cổng trường sau giờ quy định, tuyên truyền nhắc nhở cho phụ huynh và HS các tình huống ứng xử.
Trong hàng loạt khó khăn của việc đảm bảo an toàn cho học sinh, thì việc nhiều phụ huynh bỏ ngoài tai những khuyến cáo của nhà trường cũng là nguyên nhân khiến nhiều trường gặp khó, thậm chí phải đối mặt với sự lo lắng không đáng có cho HS. Chẳng hạn như chuyện một HS tan trường không về nhà đúng giờ khiến phụ huynh sốt ruột, thế rồi đổ lỗi cho nhà trường “không giữ lại” (?). Cô Lý Cẩm Hoa - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Khai Minh nói: Chúng tôi thường xuyên khuyến cáo phụ huynh không nên đeo nữ trang cho các em, thế nhưng một số người vẫn không tuân thủ nên đã có trường hợp HS của trường bị trấn lột. Đa phần HS tiểu học còn nhỏ chưa ý thức được nguy hiểm trong khi cổng trường thường đông đúc, kẻ gian người chính khó phân biệt, nếu phụ huynh không có ý thức phối hợp với nhà trường trong các biện pháp quản lý, đảm bảo an toàn cho HS thì một phía nhà trường không thể làm nổi”- cô nói.
Trước hàng loạt vụ bắt cóc, tống tiền HS xảy ra ngày càng nhiều, thiết nghĩ đã đến lúc ngành giáo dục cần có các giải pháp cụ thể nhằm cùng với các trường đối phó có hiệu quả với thực trạng đáng báo động này.
Anh Nguyễn