An nhiên trong những bức họa thiền

GD&TĐ - Tròn một năm kể từ triển lãm 'Miền không', nay họa sĩ Trần Nhật Thăng tiếp tục với triển lãm mới mang tên 'Trong cái Không có gì không'.

Tác phẩm của họa sĩ Trần Nhật Thăng trong triển lãm 'Trong cái Không có gì không'.
Tác phẩm của họa sĩ Trần Nhật Thăng trong triển lãm 'Trong cái Không có gì không'.

Họa sĩ - Giám tuyển Lê Thiết Cương nói rằng: “Trong cái Không có gì không” là cuộc trưng bày những tác phẩm hội họa tràn đầy tĩnh lặng thinh không của Trần Nhật Thăng.

Anh đã chọn mùng Một tháng Tư âm lịch là ngày đầu tiên của tháng mừng Phật đản để khai mạc triển lãm như một sự bày tỏ lòng tôn kính và tri ân đến Đức Thế Tôn. Đồng thời họa sĩ cũng mong muốn chia sẻ đến cộng đồng yêu mến nghệ thuật tinh thần an nhiên tự tại như một thiện pháp qua những tác phẩm đặc biệt này.

Trên con đường thấy - biết - vẽ

Họa sĩ Trần Nhật Thăng.

Họa sĩ Trần Nhật Thăng.

“Nếu coi trừu tượng là xuất thế, hiện thực là nhập thế thì những tác phẩm trong triển lãm này của Thăng giống như trường phái thiền duy nhất Việt Nam: Thiền tùy tục. Khởi từ Trần Thái Tông và kết ở Trần Nhân Tông - sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm. “Mưa rơi không cao thấp/ Cành hoa có ngắn dài”, một bài kệ của Trần Thái Tông trong Khóa Hư Lục. Trừu tượng và hiện thực là một trong tranh của Thăng. Trừu tượng đối thoại với hiện thực, trừu tượng làm cho hiện thực thực hơn và thực làm cho trừu tượng sẽ trừu tượng hơn…”. Họa sĩ - Giám tuyển Lê Thiết Cương

Triển lãm “Trong cái Không có gì không” diễn ra tại không gian Hakio Let’s Art (38 Trần Cao Vân, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM) từ ngày 19/5 đến 1/6.

Ở cuộc trưng bày lần này, Trần Nhật Thăng không sáng tác thuần trừu tượng như suốt 30 năm qua. Anh dường như đã tìm thấy lối vẽ mới từ việc tự mình đi qua các trải nghiệm thực hành thiện pháp một cách thuần thành nhất.

Trên nền nét họa trừu tượng phiêu lãng và ảo diệu, họa sĩ điểm xuyết những chi tiết thực, như không mà có, như xa mà gần. Vẽ để ra được “có chính là không” đòi hỏi phải hữu duyên tu thân, tu tâm, tu bút. Ít ra thì với Trần Nhật Thăng, ở lần triển lãm này cũng bộc lộ khả năng hướng thượng.

Đến bờ bên kia đã trùng điệp khó mà ngoái đầu là bờ lại còn muôn vàn trùng điệp khó. Đó chính là một phần kết quả mà nghệ sĩ thu hoạch được khi đi trên con đường để thấy và biết.

Một năm trước cũng tại Hakio Let’s Art, triển lãm “Miền không” của Trần Nhật Thăng với 30 tác phẩm acrylic trên toan khổ lớn đã đem đến với giới mộ điệu hội họa những cảm nhận về cách vẽ tự nhiên mà sâu sắc, có thể có màu hoặc không, dán giấy hoặc không, không căng cứng như những giai đoạn trước đây.

Họa sĩ Trần Nhật Thăng chia sẻ rằng, anh có một xưởng vẽ ở lưng đèo - là nơi an trú do duyên mà thành. Ở đó có núi rừng, có suối, có ruộng lúa, bản làng và những tấm lòng.

Sống ở nơi đó, bản thân sẽ quay ngược thời gian vào 50 năm trước, khi mà sự hồn hậu trong mỗi con người vẫn vẹn nguyên. Thiên nhiên là một phần, nhưng tinh thần con người còn quan trọng hơn. Ở đây, anh được yêu quý vô điều kiện, và từ đó các tác phẩm “Miền không” ra đời.

Đánh giá về các tác phẩm “Miền không”, họa sĩ Lê Thiết Cương nhận định: Sự tối giản của Trần Nhật Thăng là một bảng màu đơn sắc, chủ yếu là trắng đen với những biến thể sang ghi xám, trắng ngà.

Thi thoảng nhấn nhá một màu gì đó, ví dụ một vệt đỏ, một miếng vàng thổ có tính chất điểm xuyết. Hoặc có những bức chỉ một tông xanh - trắng kiểu gốm Chu Đậu, gốm ký kiểu bleu de Hue...

Vài ba bức Trần Nhật Thăng thếp vàng quỳ lên mặt tranh, mấy lá thôi. Vàng bạc quỳ của sơn mài truyền thống trong tranh họa sĩ như tiếng thì thầm của thời gian vọng về, xưa cũ mà vẫn mới.

Bút pháp kiểu vẽ - không, không vẽ. Yên lặng đấy, vô ngôn đấy nhưng có gì đó vẫn bị “chấp”, chấp không. Chả thà mắc bệnh chấp có thì dễ chữa hơn bệnh chấp không. Vẽ là đạo, đạo vẽ này khó nhất là vẽ ra được “sắc sắc không không”, có không - không có.

Hiện thực trong trừu tượng

Trần Nhật Thăng sinh năm 1972 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật năm 1996. Anh là con trai đạo diễn Trần Văn Thủy, nhưng không đi theo con đường của cha mình mà bén duyên với hội họa. Anh theo đuổi tranh trừu tượng khi còn là sinh viên năm 4 Đại học Mỹ thuật (1994).

Giai đoạn từ 1994 - 1998, anh bắt đầu quá trình nghiên cứu chất liệu như giấy dó bồi trên toan, mùn cưa, cát, dây thừng, xăng lên sơn dầu… và rất nhiều cách xử lý kỹ thuật tạo hiệu ứng khác biệt. Những năm tiếp theo, anh trở lại hai màu tối giản: Đỏ và đen. Và năm 2008, triển lãm cá nhân “Chân dung tự do”, tranh của anh chỉ còn hai màu đen - trắng.

Gần ba chục năm đi về chỉ một - chỉ trừu tượng, mười mấy lần triển lãm đều vậy. Thế rồi bỗng dưng, lần này “Trong cái Không có gì không” Trần Nhật Thăng quay ngoắt 180 độ. Không thuần trừu tượng nữa, trên cái nền trừu tượng, họa sĩ thêm vào một chút cụ thể, một chi tiết thực.

Trên cái nền hội họa không hình, anh thêm vào một chi tiết có hình. Mấy chục năm làm nền, làm móng để hôm nay chỉ dựng lên… một “túp lều”. Nhưng giả sử không có cái móng trừu tượng mấy chục năm kia, thì “túp lều” bé xíu ấy có đứng được không?

Những thực trong trừu tượng của Trần Nhật Thăng có thể là một con đường, một pho tượng Phật vàng son như ngón tay chỉ trăng, như đường dẫn đến trừu tượng, pho tượng là con đường, đích đến phải là mình, trở về mình.

Người tu hành và nghệ sĩ chung nhau ở điều này. Thực trong tranh của Trần Nhật Thăng có khi chỉ là một giọt sương. “Con sông là thuyền, mây xa là buồm/ Một giọt sương thu cả mênh mông” (Trịnh Công Sơn).

Họa sĩ Lê Thiết Cương nói rằng: “Tôi luôn tò mò về cái giây phút Thăng quyết ra tay đưa thực vào trừu tượng. Nghi nhiều ngộ lắm. Có lẽ lúc đó, tư duy logic biến mất, không còn tại sao, không còn phải thế này thế kia.

Nó là trực giác, trực cảm. Thậm chí “tôi không tư duy là tôi tồn tại” thì mới dám liều lĩnh đưa thực vào trừu tượng. Giây phút ấy của Thăng là “như nhất”, không phân biệt, thực cũng là trừu tượng, trừu tượng cũng là thực, thực tức thị trừu tượng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.