Hai nữ nhà thơ mở triển lãm hội họa

GD&TĐ - Hai nhà thơ ở hai thế hệ khác nhau nhưng cùng chung đam mê với hội họa, đã cùng mở triển lãm đôi mang tên 'Ngẫu biến'.

Ngôn ngữ ký tự hòa cùng ngôn ngữ tạo hình, màu sắc, đường nét trong từng tác phẩm trong triển lãm 'Ngẫu biến'.
Ngôn ngữ ký tự hòa cùng ngôn ngữ tạo hình, màu sắc, đường nét trong từng tác phẩm trong triển lãm 'Ngẫu biến'.

Nhà thơ Hồng Lĩnh (72 tuổi) và ng. anhanh (39 tuổi) đều cho rằng “Ngẫu biến” là sự biến hóa ngẫu nhiên của từng tác phẩm, cũng như những khoảnh khắc cảm xúc định hình, không hẳn nghệ sĩ chọn sáng tạo hay sáng tạo chọn nghệ sĩ mà do họ chọn nhau.

“Ngẫu biến” sẽ diễn ra tại không gian nghệ thuật Rei Artspace (TPHCM) từ ngày 12/5 - 11/6.

Sáng tạo trong cảm xúc gập ghềnh

Nhà thơ Hồng Lĩnh (Phạm Thị Quý).

Nhà thơ Hồng Lĩnh (Phạm Thị Quý).

“Khi chị Hồng Lĩnh chọn tên cho triển lãm chung lần này là “Ngẫu biến”, tôi đồng ý vì thấy thú vị và phù hợp. Ngoài nghĩa ngẫu nhiên, bất chợt như cách chúng tôi chọn cùng làm dự án chung sau vài lần tình cờ gặp gỡ, thì “ngẫu” còn có nghĩa là số chẵn, cùng nhau - đối nhau. Tính biến thiên và thích nghi của nữ giới cũng là một đặc điểm khác biệt trong sáng tác hội họa và thơ văn, vừa là dòng nước vừa là con cá”, nghệ sĩ ng. anhanh cho biết.

Năm 1972, Hồng Lĩnh xuất bản tập thơ đầu tay có tên “Thơ Hồng Lĩnh” và ngay sau đó tên tuổi của bà được độc giả chú ý. Sau này, Hồng Lĩnh tiếp tục cho ra đời các ấn phẩm thơ khác, như: “Đôi chuyện thường ngày” (Văn nghệ Cửu Long, 1987) và Vườn đá (NXB Trẻ, 1995). Bà sử dụng tên Phạm Thị Quý để ký các tác phẩm văn học, nhưng lấy nghệ danh Hồng Lĩnh để thực hành nghệ thuật gốm.

Giống như người bạn đời Lê Triều Điển, bà cũng vẽ tranh và sản xuất gốm sứ ngoài việc viết văn, làm thơ. Năm 2021, tại Sàn Art (TPHCM), Hồng Lĩnh mở triển lãm nhóm “Vết in từ đất” cùng 3 nghệ sĩ khác là Bùi Công Khánh, Lê Triều Điển và Nguyễn Đức Phương nhằm hồi sinh và tôn vinh di sản Việt Nam, đồng thời mở rộng nhận thức của công chúng về gốm sứ trong nghệ thuật đương đại.

Cũng trong năm 2021, Triển lãm “50 - 70 - 80” của vợ chồng họa sĩ cao tuổi nhất Việt Nam Lê Triều Điển - Hồng Lĩnh đã tạo thêm một dấu ấn đẹp cho hội họa nước nhà. Với 50 tranh và 6 tượng gốm đã khiến công chúng và giới nghệ thuật kinh ngạc trước những sáng tác tỏa ra nguồn năng lượng thật mạnh mẽ và giàu nhiệt huyết của 2 nghệ sĩ cao niên.

Nhà nghiên cứu Lý Đợi nói rằng, điểm chung dễ nhận ra ở triển lãm “50 - 70 - 80” là đường nét và bảng màu khỏe khoắn, tư duy tự do, biểu đạt thoải mái. Đây là điều hiếm gặp ở phần lớn các tác giả đã bước qua tuổi “cổ lai hy”.

Hồng Lĩnh kết hợp thơ và họa, bà thường vẽ tranh trước rồi mới lẩy thơ. Những câu thơ “rút ruột” từ cảm xúc hội họa, bay bổng ẩn nấp trên những mảng màu đậm - nhạt. “Chữ là một hình thức, là đường nét, như tranh nhưng ý nghĩa ẩn chứa theo một cách diễn cảm. Đôi khi đơn giản, đang ngồi vô tư lự vậy thôi, mà một vài câu thơ phát lộ diễn tả “minh họa” cho những điều mà hội họa chưa thể nói hết”, nghệ sĩ Hồng Lĩnh cho hay.

Hai vợ chồng đều là nghệ sĩ, chồng vẽ, vợ làm thơ và nhiều khi trong nhà không còn hạt gạo. Chật vật quá, chồng ngừng vẽ, vợ ngừng làm thơ để tập trung gói bánh, bán chè, cắt rau muống. Cứ thế, cuộc sống trôi đi như một dòng sông đầy những xúc cảm gập ghềnh.

“Em lặng lẽ bên đời anh tất bật/ Mặc cho vòng quay cuộc sống cứ xoay vần/ Lặng lẽ bên đời vẫn một bóng em/ Cho anh chút hương hoa chút vầng trăng huyền ảo/ Đêm tuyệt vời sau ngày dài huyên náo/ Lặng lẽ bên anh, em ngọn gió dịu dàng”, câu thơ của thi sĩ Hồng Lĩnh không chỉ đi vào âm nhạc, phim ảnh, hội họa mà còn đi vào những sáng tạo của người chồng.

“Khi vẽ, chúng tôi vẽ bằng vốn sống và tâm thức của mình, trong lòng không có những trường phái như trừu tượng hay biểu hiện trừu tượng. Vẽ tranh hay nặn gốm mà dường như chẳng có một mục đích nào khác ngoài mục đích tự thân của chính nó”, nhà thơ, họa sĩ Hồng Lĩnh cho hay.

Hội họa lên tiếng khi ngôn ngữ bất lực

Nhà thơ ng. anhanh (Nguyễn Thanh Anh).

Nhà thơ ng. anhanh (Nguyễn Thanh Anh).

Ở một thế hệ khác, nhà thơ ng. anhanh (Nguyễn Thanh Anh) cũng là một nghệ sĩ thị giác. Cô đã sáng tác thơ được hơn 17 năm với các bút hiệu: Tiểu Anh, Anh Anh… và đã in một tập thơ song ngữ “Đã là một phiền toái” (2019) - tập thơ được đánh giá cao trong giới chuyên môn, thể hiện một cá tính mạnh mẽ không che đậy với lối thơ tự thú lần đầu xuất hiện trong thơ tiếng Việt, được dịch và giới thiệu ở Thụy Điển, Séc…

Ng. anhanh đến với hội họa mỗi khi muốn bộc lộ hoặc diễn đạt một trạng thái khác thường mà ngôn ngữ hoàn toàn trở nên bất lực. Cô cũng mở triển lãm đầu tiên vào tháng 12/2021 tại TPHCM với tên gọi “Theo đuổi những phiền toái”.

Đầu tháng 4/2022, ng. anhanh có triển lãm “Làm màu”. Cô nói rằng, thà làm màu chứ không gây chiến. “Làm màu” theo nghĩa lóng của tiếng Việt hàm chỉ một người thích tô vẽ bản thân thể hiện cái tôi cá nhân, và hiện nay từ ngữ này dần chuyển hướng không còn nghĩa tiêu cực hàm ý dè bỉu nữa, mà như một lời chấp nhận sự khẳng định thể hiện bản thể, dù cho có thể gây chướng mắt đối với những định kiến. Với tôi, làm màu trong hội họa đi theo đúng nghĩa đen, chính là chơi đùa và thực hành với màu sắc”.

Trong hội họa của ng. anhanh, có khi là vẽ, có khi là tô, có khi như đang phá phách hoặc như đang uốn nắn. Có khi lại ngạo nghễ, chấm phá và viết nguệch ngoạc theo một kiểu chơi không lề thói. Những sắc màu cứ thế va chạm vào nhau, nương tựa và luồn lách qua nhau. Nhưng người xem vẫn cảm nhận tính hòa nhập, đa sắc mà không rơi vào trạng huống hỗn mang.

Nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng nhận định rằng, chất liệu màu acrylic trên giấy thay cho những bức acrylic trên bố, đầy tràn sắc thái trừu tượng trữ tình - là nỗ lực thử nghiệm phong cách tachist (achisme - vệt màu), kết hợp trừu tượng biểu hiện hành động và được thể hiện trực quan.

Ngoài ngôn ngữ thơ, có thể xem sự biểu đạt trong những tác phẩm hội họa của ng. anhanh như một tiếng nói khác, một nghệ thuật khác - xuất phát từ nhu cầu tự thân, đánh thức một “nghệ sĩ nội tại”, mà trong đó tinh thần trẻ thơ là cần thiết cho mọi trò chơi sáng tạo.

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ