An Giang nỗ lực hoàn thiện mạng lưới trường lớp và môi trường giáo dục

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngành GD tỉnh An Giang từng bước hoàn thiện mạng lưới trường lớp phù hợp thực tế địa phương.

Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Chiều 25/9, Đoàn công tác ban chỉ đạo tổng kết NQ 29-NQ/TW do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu cùng lãnh đạo các Vụ, Cục (Bộ GD&ĐT) đã làm việc với Tỉnh uỷ An Giang. Tham gia đoàn công tác có bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội.

Hoàn thiện mạng lưới trường lớp và môi trường giáo dục

Báo cáo với đoàn công tác, bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang cho biết: Tỉnh xác định GD&ĐT là quốc sách hàng đầu, phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo là trách nhiệm đồng thời là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội nên thời gian qua tỉnh rất quan tâm đầu tư.

Bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang báo cáo 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang báo cáo 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.

"Dù đặc thù địa phương là một tỉnh nông nghiệp, có gần 100 km đường biên giới với Vương quốc Cam-pu-chia còn nhiều khó khăn, nhưng ngành giáo dục của An Giang đã đạt được một số kết quả đáng kể qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW (NQ29).

Tỉnh từng bước hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương và Chương trình GD phổ thông 2018; quan tâm đến công tác sắp xếp, điều chỉnh mạng lưới các trường gắn với đào tạo, từng bước hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập" - bà Diễm cho biết.

Để thúc đẩy ngành Giáo dục phát triển nguồn đầu tư nguồn lực, tỉnh đang tiếp tục tạo cơ chế chính sách, ưu đãi thu hút và kêu gọi đầu tư, phát triển trường ngoài công lập, đặc biệt là các trường mầm non tư thục, trường trong khu công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho con em công nhân, người lao động, cư dân ở các khu dân cư.

10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, An Giang đã đạt được thành tựu đáng kể trong phổ cập giáo dục theo hướng bình đẳng, mở rộng tiếp cận giáo dục nền tảng đến mọi cộng đồng dân cư trên khắp địa bàn tỉnh.

Ngành GD An Giang duy trì và nâng cao chất lượng huy động trẻ nhà trẻ, trẻ mầm non và đạt phổ cập mẫu giáo trẻ 5 tuổi (99% trẻ 5 tuổi đến trường); đạt được phổ cập giáo dục tiểu học (duy trì đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3) và giáo dục THCS (đạt PC THCS mức 2). Dự kiến năm 2024, tỉnh mời Bộ kiểm tra công nhận tỉnh đạt PCGD THCS (mức 2).

Ngoài ra việc xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh trong trường học luôn được quan tâm thường xuyên, kịp thời giải quyết các hiện tượng tiêu cực như bệnh thành tích trong giáo dục, hiện tượng quá tải trong giáo dục; tình trạng dạy thêm, học thêm và sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận học sinh, sinh viên… Hạn chế tối đa phát sinh các vụ việc gây bức xúc kéo dài trong dư luận xã hội.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện Nghị quyết 29 vẫn vướng một số khó khăn, Cơ sở vật chất của ngành Giáo dục dù đã được bổ sung nhưng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu dạy và học. Nhiều đơn vị chưa đủ phòng học để tổ chức dạy 2 buổi/ngày, đặc biệt là ngành học mầm non còn thiếu cơ sở để mở thêm lớp.

Một số điểm trường, vùng khó khăn thiếu nhà vệ sinh đạt chuẩn, trong khi nguồn ngân sách được cấp cho ngành còn hạn hẹp, thiếu kinh phí đầu tư thiết bị dạy học, xây dựng trường, lớp theo kế hoạch. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia còn thấp và tốc độ tăng khá chậm (50,86 %)

Giảm biên chế ảnh hưởng chất lượng

Theo bà Diễm, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành GD tỉnh An Giang đã có chuyển biến rõ nét. Trong đó, hình thành nền nếp cơ bản ổn định về phương pháp dạy học mới ở các bậc học, cấp học phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học.

Đa dạng các hình thức học tập phù hợp, chú trọng các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học.

Hoạt động đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá được thực hiện nghiêm túc, khách quan. Điển hình là Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia các năm (Tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2020) được tổ chức khá tốt, đồng thời kết quả thi và trúng tuyển đại học, cao đẳng của Tỉnh qua từng năm có chuyển biến khá tích cực tạo được sự đồng thuận của xã hội đối với Ngành.

Bên cạnh đó, Tỉnh cũng rất quan tâm đến việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tổ chức bồi dưỡng đội ngũ theo vị trí việc làm (trong đó có lực lượng ngành Giáo dục), bồi dưỡng phát triển nhân lực nguồn trong học sinh phổ thông theo quy định.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang kiến nghị việc tinh giản biên chế giáo viên.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang kiến nghị việc tinh giản biên chế giáo viên.

Tổ chức tốt việc triển khai văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách và công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo Luật Giáo dục năm 2019; quan tâm xây dựng các chính sách, cơ chế mang tính đặc thù phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Đội ngũ toàn ngành được kiện toàn, phát triển và bố trí sắp xếp lại cho đúng người đúng việc, phân cấp quản lý về thuyên chuyển, tuyển dụng viên chức cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập để nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của ngành.

Tuy nhiên, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết triệt để ở một số huyện, thị xã, thành phố. Việc cắt giảm biên chế của ngành GD theo qui định chung đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng giảng dạy học sinh.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang kiến nghị không nên giảm biên chế cơ học (cào bằng 10%). Với những ngành đặc thù như giáo dục, quy định ngành giáo dục rất rõ về tỷ lệ giáo viên trên lớp, nhà trường giảm biên chế cơ học thì lấy đâu ra giáo viên để dạy. Đổi mới căn bản, toàn diện thì đổi mới và ổn định về cơ chế chính sách là cực kỳ quan trọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh chụp từ trailer của Nhà hát Tuổi trẻ.

Cùng dự 'Bữa tiệc của Elsa'

GD&TĐ - Các tối cuối tuần: 11, 19, 25/5 và 1/6, khán giả yêu thích nhạc kịch có thể đến Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội) cùng dự 'Bữa tiệc của Elsa'.