An Giang: Cách ly tập trung học sinh từ Campuchia về

GD&TĐ - Trước thềm năm học 2020 - 2021, tỉnh An Giang lên kế hoạch đón hơn 1.200 học sinh là con em người Việt sinh sống ở Campuchia trở về học tập. Do tình hình dịch bệnh, tất cả học sinh phải được cách ly tập trung trước khi trở lại lớp.

Học sinh Việt kiều từ Campuchia về học tập tại huyện An Phú (An Giang).
Học sinh Việt kiều từ Campuchia về học tập tại huyện An Phú (An Giang).

Đón hơn 1.200 học sinh và người thân về nước

Từ tháng 8, tỉnh An Giang lên kế hoạch huy động học sinh bên kia biên giới Campuchia về nước chuẩn bị năm học 2020 - 2021. Trong đó, chú trọng việc tiếp nhận các đối tượng học sinh về từ Campuchia và người giám hộ, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19 và việc học tập.

Thống kê của tỉnh An Giang, dự kiến có khoảng 1.227 học sinh Việt kiều từ Campuchia về nước để học. Trong đó, chỉ riêng huyện An Phú có trên 1.160 học sinh (cấp tiểu học có trên 800 học sinh). Ngoài học sinh, còn có người giám hộ là cha mẹ, người thân theo các em trong quá trình cách ly.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh An Giang, địa điểm bố trí cách ly tập trung tại huyện An Phú. Thời gian cách ly (cách ly y tế) tối thiểu 28 ngày, tính từ ngày học sinh qua biên giới (14 ngày cách ly tập trung và 14 ngày theo dõi sức khỏe tại nhà). Sau thời gian cách ly y tế, đơn vị có học sinh cách ly phối hợp với gia đình đón học sinh trở về tiếp tục học, báo cáo địa phương nơi ở và có theo dõi của cơ quan y tế. Tổ chức cho phụ huynh (hoặc người đại diện) của các em hoàn thành cách ly ký cam kết ở Việt Nam tiếp tục học tập trong thời gian phòng, chống dịch bệnh hiện nay.

Theo ông Võ Hoàng Lâm, Trưởng phòng GD&ĐT huyện An Phú, nếu học sinh muốn trở về huyện học tập, các em và phụ huynh trước hết phải tuân thủ quy định về cách ly trước khi nhập học. Chấp nhận ở lại Việt Nam cho đến khi có thông báo hết dịch. Khi học sinh, phụ huynh đồng ý, sẽ liên lạc để nhà trường lập danh sách báo cáo cấp thẩm quyền bố trí tiếp nhận, đưa vào điểm cách ly tập trung. Sau khi hoàn thành cách ly, nhà trường sẽ bố trí lớp cho các em vào học...

Lớp học trong khu cách ly tập trung cho HS Việt kiều Campuchia tại Trường THPT Lương Thế Vinh, thị trấn An Phú (An Giang).
Lớp học trong khu cách ly tập trung cho HS Việt kiều Campuchia tại Trường THPT Lương Thế Vinh, thị trấn An Phú (An Giang).

Dạy học trong thời gian cách ly

Theo ông Bạch Việt Anh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT An Giang, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT, UBND huyện An Phú và phòng GD&ĐT đang tập trung cho kế hoạch đón học sinh. Khi được phép của các cơ quan chức năng tiến hành đón học sinh.

“Khi các em về Việt Nam, được cách ly y tế theo quy định. Ngành Giáo dục và chính quyền địa phương tiến hành bố trí nơi cách ly thuận tiện cho các em và người thân. Đồng thời tổ chức dạy học trong khu cách ly (14 ngày). Thời gian cách ly 14 ngày tại gia đình sẽ tiến hành dạy học trực tuyến, bảo đảm cho các em có đủ kiến thức, theo kịp chương trình khi trở lại trường lớp cùng bạn bè”, ông Việt Anh cho biết.

Theo kế hoạch, đợt I, 427 học sinh có hộ khẩu và chỗ ở tại Việt Nam đăng ký trở về thực hiện cách ly y tế trước khi nhập học, bao gồm: Tiểu học: 262 em, THCS: 133 em, THPT: 32 em.

Đợt II, thời gian sau khi học sinh đợt I hoàn thành cách ly tập trung. Số lượng dự kiến khoảng 200 học sinh có hộ khẩu ở Việt Nam (không có chỗ ở). UBND huyện An Phú phối hợp với gia đình và địa phương thực hiện công tác giám hộ và tính phương án bố trí nơi ở (hoặc đề xuất phương án) cho học sinh sau khi hoàn thành cách ly.

Đợt III, tất cả học sinh còn lại (những học sinh không đăng ký và không đủ điều kiện nhập học đợt 1 và đợt 2). Số lượng dự kiến khoảng trên 600 học sinh qua lại học hàng ngày (không có hộ khẩu và nhà ở Việt Nam). Thời gian cụ thể phải chờ có chủ trương mở cửa biên giới, lúc đó ngành Giáo dục sẽ hướng dẫn chuyên môn các trường tổ chức phụ đạo, bồi dưỡng để các em theo kịp chương trình...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.