Ưu tiên đầu tư nguồn lực
Là trung tâm vùng ĐBSCL, hằng năm TP Cần Thơ đón làn sóng nhập cư cao nhất vùng. Để đáp ứng nhu cầu học tập, nhiều năm qua thành phố ưu tiên đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là trường lớp, đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT mới.
Theo ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ, thành phố hiện có 4.650 cán bộ, GV cấp tiểu học đạt chuẩn về trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Năm học 2020 - 2021, dự kiến có 660 GV chủ nhiệm và 745 GV bộ môn sẵn sàng dạy học lớp 1. Về công tác chuẩn bị và cung ứng SGK lớp 1, thành phố triển khai sâu rộng đến nhà trường, đội ngũ cán bộ, GV và phụ huynh. Sở cung cấp thông tin nhà xuất bản đến các trường để tổ chức tập huấn 100% GV sử dụng SGK; cung cấp SGK các môn học đầy đủ đáp ứng nhu cầu HS trước ngày 15/8. Thành phố cũng ưu tiên các điều kiện cơ sở vật chất cho khối lớp 1, bảo đảm tỷ lệ 1 phòng học/lớp…
TP Cần Thơ hiện có 327/455 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 141/176 trường tiểu học đạt chuẩn, đạt trên 80%. Tỷ lệ HS tiểu học được học 2 buổi/ngày trên 85%. Quận trung tâm Ninh Kiều trước nhu cầu tăng cao do di dân cơ học nên việc đầu tư xây dựng trường lớp hết sức cấp thiết. Trên cơ sở kết quả rà soát, xác định nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học giai đoạn 2021 - 2025 phục vụ triển khai Chương trình GDPT mới, sở GD&ĐT chủ động phối hợp Sở Tài chính lên kế hoạch đầu tư xây dựng kiên cố hóa trường học, bổ sung phòng học, phòng chức năng và mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình. Về dự toán, tổng kinh phí thực hiện khoảng 2.000 tỷ đồng (trong đó chi phí kiên cố hóa trường, lớp trên 216 tỷ đồng).
Tại tỉnh ĐồngTháp, công tác chuẩn bị cho Chương trình GDPT mới cũng được triển khai rất khẩn trương. Đến nay, có hơn 3.000 GV, cán bộ quản lý được tập huấn về Chương trình GDPT 2018. Trong tháng 7 và 8, sở triển khai tập huấn đại trà cho GV, cán bộ quản lý (kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến), bảo đảm 100% GV dạy lớp 1 được tập huấn. Về đầu tư nguồn lực, ông Trần Thanh Liêm, Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp cho biết: Triển khai chương trình, SGK, tổng kinh phí được tỉnh bố trí gần 2.000 tỷ đồng (xây dựng cơ bản: 1.900 tỷ đồng; SGK, thiết bị dạy học: Hơn 235 tỷ đồng; đào tạo, bồi dưỡng GV: Hơn 23 tỷ đồng).
Khó nhất là phòng học 2 buổi/ngày
Bên cạnh những thuận lợi, công tác triển khai Chương trình GDPT mới ở một số địa phương hiện còn gặp khó khăn. Khó nhất là điều kiện cơ sở vật chất, phòng học phục vụ dạy học 2 buổi/ ngày. Kế đến là trình độ GV và thiếu thốn về thiết bị dạy học…
Như TP Cần Thơ, tuy cố gắng đầu tư cơ sở vật chất nhưng tại quận trung tâm vẫn thiếu phòng học. Nguyên nhân do áp lực dân số và tình trạng di dân cơ học. Theo bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, với nhịp độ phát triển nhanh của thành phố, sự đầu tư được nâng lên, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện Chương trình GDPT mới. Nhưng khó khăn hiện nay là một số quận trung tâm có số HS tăng cao, cơ sở vật chất không kịp đáp ứng. Mặt khác, do quỹ đất xây trường không còn, nên không kịp đáp ứng hết học 2 buổi/ngày, mỗi lớp 1 phòng khi triển khai
Chương trình GDPT mới.
Theo Sở GD&ĐT Cần Thơ, hiện TP còn thiếu 165 phòng phục vụ lớp học 2 buổi/ngày. Thiết bị dạy học hư hỏng chiếm tỷ lệ khá cao. Về đội ngũ GV, bên cạnh tình trạng thừa thiếu cục bộ; GV có trình độ cao đẳng còn khoảng 15%; tỷ lệ GV/lớp mới đạt 1,39 (theo quy định phải đạt 1,5 GV/lớp). Ngoài ra, thành phố còn thiếu trên 300 GV giai đoạn 2021 - 2025, nhất là GV môn Tin học… “Quận vẫn còn 8 trường tiểu học với 12 điểm lẻ. Phần lớn điểm lẻ đối diện khó khăn về cơ sở vật chất và đầu tư, khó đáp ứng các môn đặc thù như Tin học, Ngoại ngữ... và một số đơn vị còn thiếu phòng học. Tới đây quận sẽ tiến hành lộ trình xóa điểm lẻ; ưu tiên cho HS lớp 1 học 2 buổi/ngày”, ông Võ Công Tuấn, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Ô Môn cho biết.
Còn theo thầy Võ Hữu Tâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Việt Hồng (quận Ô Môn), trường thiếu 2 GV nên chưa bảo đảm tỷ lệ 1,5 GV/lớp 2 buổi. Một số GV chưa đủ trình độ so với yêu cầu (trường đang cho 7 GV đi học nâng cao trình độ)…
Tại tỉnh Đồng Tháp, việc đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới Chương trình, SGK. Năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh cần thêm 177 GV, số phòng học phải xây mới để bảo đảm dạy học 2 buổi/ngày (200 phòng). Theo ông Trần Thanh Liêm, Giám đốc Sở GD&ĐT, Sở xây dựng các giải pháp nhằm giải quyết một số khó khăn về GV. Mặc dù vậy vẫn chưa thể đáp ứng tốt nhu cầu theo quy định của Chương trình GDPT mới…