Không thể đánh chặn
Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) cho biết, vào ngày 26/12 tới đây, nước này sẽ tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo Agni-V tại khu thử nghiệm đảo Abdul Kalam.
Nguồn tin DRDO lcho biết thêm, khác với những lần thử nghiệm vào năm 2012, 2013 và 2015 khi Agni-V đều khai hỏa từ bệ phóng trần, tuy nhiên trong lần phóng tới đây, Ấn Độ sẽ đưa Agni-V vào ống phóng.
Ấn Độ sẽ thử nghiệm tên lửa Agni-V bay hết tầm bắn trước khi chuyển nó tới cho Bộ Chỉ huy lực lượng chiến lược (SFC). SFC sẽ tiếp tục phóng Agni-V ít nhất 2 lần trước khi đưa nó vào sản xuất loạt.
Ấn Độ đã phát triển thế hệ tên lửa đạn đạo mang tên vị thần lửa của họ là Agni, với 5 phiên bản có tầm bắn và mục tiêu khác nhau. Toàn bộ các đạn tên lửa trong gia đình Agni đều được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân. Trong đó, Agni-V là tên lửa đạn đạo tầm xa, tiệm cận với tên lửa xuyên lục địa, với tầm bắn 5.000-5.500km.
Ấn Độ phóng tên lửa Agni-V hồi đầu năm 2015.
Theo thông tin được DRDO công bố, Agni-V là tên lửa đạn đạo ba tầng, sử dụng nhiên liệu rắn, nặng khoảng 50 tấn, dài 17,5 m, đường kính thân 2m và có thể mang theo đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân nặng 1 tấn. Sự ra đời của nó là tiền đề để Ấn Độ phát triển các loại tên lửa có tầm bắn xa hơn, nhiều đầu đạn hơn.
Agni-V không chỉ giúp người Ấn làm chủ được công nghệ phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa cực khó, mà còn giúp họ sở hữu loại vũ khí có uy lực răn đe cực mạnh đối với Trung Quốc. Nó có thể vươn tới hầu hết các thành phố lớn trên lãnh thổ Trung Quốc.
Nói về sức mạnh của tên lửa này, Cố vấn khoa học của Bộ trưởng Quốc phòng đồng thời là Tổng giám đốc DRDO, ông Avinash Chander, nói rằng, tên lửa Agni-V một khi đã được phóng đi, sẽ không có loại tên lửa nào có thể thể đánh chặn được nó.
Một trong những đặc điểm quan trọng của tên lửa Agni-V đó là nó có thể sử dụng các hệ thống dẫn đường vệ tinh, gồm GPS, Glonass và Hệ thống vệ tinh định hướng khu vực của Ấn Độ (IRNSS), vì vậy "Sẽ rất khó khăn để phát hiện, theo dõi và đánh chặn nó. Đó là điểm mạnh của tên lửa Agni-V", ông Chander nói.
Agni-V bị đánh chặn bằng vũ khí Nga
Tuy nhiên người đứng đầu DRDO có tự tin thái quá khi Trung Quốc vừa ký hợp đồng với Nga mua 6 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-400 của Nga - loại vũ khí đánh chặn được cho rằng hiệu quả nhất thế giới hiện nay?
Theo những thông tin được Nga giới thiệu, S-400 là hệ thống thế hệ mới tầm xa và tầm trung, được thiết kế để tiêu diệt tất cả các phương tiện tấn công phòng không vũ trụ hiện tại và tương lai, máy bay trinh sát, máy bay chiến lược và chiến thuật, tên lửa chiến thuật và tên lửa đạn đạo tầm trung, mục tiêu siêu thanh và máy bay giám sát radar và máy bay điều khiển.
S-400 là hệ thống tên lửa phòng không có đặc điểm cấu tạo tương tự như người em S-300, bao gồm: Radar tầm xa 64N6, 76N6 và các radar mới có cự ly phát hiện lên đến 600 km; radar kiểm soát đa nhiệm 30N6, tên lửa phòng không 48N6E, 48N6E2, các tên lửa mới 9M96E, 9M96E2 và tên lửa tầm siêu xa 40N6E.
Hệ thống S-400 có thể tiêu diệt các tên lửa đạn đạo có tốc độ lên đến 5000 m/s với độ chính xác cực kỳ cao. Vì vậy, Tham mưu trưởng Không quân Nga Vadim Volkovitsky cho rằng, hiện trên thế giới không có hệ thống tên lửa phòng không nào có tính năng kỹ thuật tốt hơn S-400.
Trước đây S-400 được biết đến với cái tên S-300PMU-3 tích hợp nhiều tính năng kỹ chiến thuật vượt trội, hơn hẳn so với các phiên bản S-300 trước đó như S-300PMU1, S-300PMU2. S-300V… với tầm bắn hiệu quả lớn gấp 2 lần hệ thống tên lửa Patriot MIM-104 của quân đội Mỹ.
Từ những thông tin về khả năng đánh chặn của S-400 cho thấy, rõ ràng việc Ấn Độ dùng tên lửa Agni-V tấn công Trung Quốc (nếu xảy ra xung đột) không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Tuy nhiên, S-400 cũng chưa 1 lần thử sức với những mục tiêu kiểu như tên lửa Agni-V.
Vì vậy, mọi động thái 2 bên đưa ra mới chỉ dừng lại ở những tuyên bố và chuyện thắng thua còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố quyết định khác trên chiến trường.