Ấn Độ lo cho phi đội Su-30MKI khi chứng kiến thiệt hại của Su-30SM tại Ukraine

GD&TĐ - Không quân Ấn Độ sẽ phải nâng cấp phi đội Su-30MKI của mình sau khi chứng kiến tổn thất của tiêm kích Su-30SM Nga tại Ukraine.

Ấn Độ lo cho phi đội Su-30MKI khi chứng kiến thiệt hại của Su-30SM tại Ukraine

Theo thống kê cho tới thời điểm hiện tại, Nga đã mất ít nhất 11 tiêm kích Su-30SM Flanker-C tại chiến trường Ukraine, chúng có những số phận rất khác nhau với 6 chiếc bị bắn hạ khi đang làm nhiệm vụ, 5 chiếc khác bị phá hủy dưới mặt đất.

Lực lượng hàng không vũ trụ Nga có một giai đoạn hoạt động đầy biến động. Ví dụ, Moskva đã mất 5 trong số 6 chiếc Su-30SM khi chúng bị bắn rơi trong khoảng thời gian từ tháng 3/2022 đến tháng 4/2022, trong khi chiếc thứ 6 bị rơi vào tháng 9/2022.

Điều này có nghĩa là trong các tháng 5, 6, 7 và 8 của năm 2022, tiêm kích Su-30SM Nga đã có thể tránh được tên lửa không đối không cơ động bắn đi từ máy bay chiến đấu hoặc hệ thống phòng không của Ukraine.

Trong số 5 chiếc Su-30SM bị phá hủy trên mặt đất, 1 phi cơ bị đốt cháy trên đường băng, 4 máy bay chiến đấu còn lại cũng hư hỏng trong cuộc tấn công của Ukraine vào căn cứ không quân Saki ở bán đảo Crimea vào ngày 9/8/2022.

Một tiêm kích Su-30SM của Nga bị cháy sau vụ tập kích của tên lửa Ukraine

Một tiêm kích Su-30SM của Nga bị cháy sau vụ tập kích của tên lửa Ukraine

Tất cả những dữ liệu khô khan này là một tín hiệu báo động cho Ấn Độ và Trung Quốc. Cả hai quốc gia đều có máy bay chiến đấu Su-30 của Nga, nhưng theo các nhà quan sát tình hình của New Delhi đáng lo ngại hơn một chút.

Ấn Độ sản xuất chiến đấu cơ Su-30MKI theo giấy phép và nó là xương sống của Không quân nước này, tổng cộng 262 tiêm kích Su-30 MKI đã tung bay dưới cờ Ấn Độ.

Trong cuộc xung đột có thể xảy ra, tiêm kích Su-30 của Nga cùng với Rafale mua từ Pháp sẽ chống lại các phi cơ đối phương. Và bởi Su-30 MKI sẽ là xương sống của Không quân Ấn Độ trong ít nhất một thập kỷ nữa nên chúng cần được nâng cấp.

Ấn Độ đang thực hiện nhiều bước tiếp theo của hướng đi trên, để không lặp lại những gì đã xảy ra với máy bay chiến đấu tối tân Su-30SM của Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga.

Vào tháng 10, một chương trình đã được khởi động để hiện đại hóa lô tiêm kích Su-30 MKI đầu tiên, tổng cộng 84 chiếc sẽ được đổi mới trong 5 năm tới. Ít nhất đó là khoảng thời gian cần thiết để hiện đại hóa đợt đầu.

Ấn Độ dự định nâng cấp hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại. Một công cụ tìm kiếm hồng ngoại băng tần kép mới dự kiến ​​sẽ được tích hợp trong phiên bản Mk II. Tức là nâng cấp cục bộ theo chương trình Make in India.

Radar N011M Bars sẽ được thay thế bằng radar loại AESA do nước này tự phát triển. Theo các nguồn tin từ Ấn Độ, radar mới sẽ sẵn sàng vào năm 2024.

Sau đó, các chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của Su-30MKI với radar AESA do Ấn Độ tự chế tạo đã được lên kế hoạch. Năm 2026 là hạn chót do Bộ Quốc phòng Ấn Độ đặt ra để radar mới hoạt động đầy đủ.

Hệ thống động lực của Su-30MKI Ấn Độ cũng đang được hiện đại hóa. Động cơ AL-41F-1S của Nga sẽ được trang bị cho máy bay chiến đấu của Ấn Độ. Mạnh mẽ hơn, cung cấp nhiều lực đẩy hơn sẽ cho phép các phi công linh hoạt hơn trên không.

Tiêm kích Su-30MKI của Không quân Ấn Độ

Tiêm kích Su-30MKI của Không quân Ấn Độ

Nhìn chung, Ấn Độ sẽ cố gắng hiện đại hóa phi đội máy bay chiến đấu Su-30 MKI của mình bằng các công nghệ sản xuất trong nước. Quá trình hiện đại hóa là điều bắt buộc, và quan điểm đó rất phổ biến, cả trong giới lãnh đạo Lực lượng Không quân hiện tại và các tướng lĩnh đã nghỉ hưu.

Ông Vijainder K Thakur - cựu chỉ huy phi đội từ lực lượng Không quân Ấn Độ nói rằng New Delhi nên tiếp bước Nga và nâng cấp Su-30MKI từ cấp độ SM lên tiêu chuẩn SM2.

Vị cựu chỉ huy đã nghĩ rằng sẽ thật tuyệt nếu New Delhi có thể đồng bộ hóa với quá trình nâng cấp của Nga. Tức là Nga đã bắt đầu hiện đại hóa máy bay chiến đấu của mình lên cấp độ SM2 và ông Thakur gợi ý rằng Ấn Độ nên làm điều đó cùng với Nga

"Điều này không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn cả tiền bạc", ông Thakur nói. "Có phân tích và suy đoán rằng chương trình hiện đại hóa Su-30SM2 của Nga đang cố gắng hợp nhất Su-30 với Su-35 ở mức tối đa để có thể giảm thiểu công tác hậu cần và bảo dưỡng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ