Oanh tạc cơ Su-34 - Vũ khí thay đổi cuộc chơi hay chỉ là 'hổ giấy'?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thực tế cho thấy có vẻ oanh tạc cơ Su-34 chỉ thích hợp đối phó các nhóm phiến quân chứ không phải một quân đội chính quy được trang bị tốt.

Oanh tạc cơ Su-34 - Vũ khí thay đổi cuộc chơi hay chỉ là 'hổ giấy'?

Oanh tạc cơ Su-34 Fullback (còn có biệt danh Thú mỏ vịt) thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 4/1990, ít lâu trước khi Liên Xô tan ra và Chiến tranh Lạnh kết thúc. Tuy nhiên chiếc máy bay này không thực sự được đưa vào sản xuất cho đến năm 2006.

Su-34 cũng không chính thức được đưa vào phục vụ trong Không quân Nga thời hậu Xô Viết cho đến ngày 20/3/2014. Nhà sản xuất Fullback là công ty Sukhoi - đơn vị chế tạo tiêm kích Su-27 Flanker nổi tiếng.

Rõ ràng chiếc Fullback dựa trên Flanker - nguyên mẫu đầu tiên được định danh Su-27IB và dự định thay thế một sản phẩm khác của Sukhoi, đó là máy bay ném bom tiền tuyến Su-24M Fencer, thậm chí cả một phần nhiệm vụ của oanh tạc cơ chiến lược Tupolev Tu-22M Backfire.

Tuy nhiên không giống như Backfire là một máy bay ném bom thuần túy, Fullback được thiết kế với khả năng không chiến khá ấn tượng, bên cạnh chức năng tấn công mặt đất ưu việt.

Chiếc máy bay ném bom tiền tuyến thế hệ mới nhất của Nga có phi hành đoàn gồm hai người được cố định trong một buồng lái song song, đi kèm phần mũi dẹt "thú mỏ vịt" đầy khác biệt.

Chiều dài thân máy bay là 23,34 m, sải cánh 14,7 m, chiều cao 6,09 m, trọng lượng rỗng 22,5 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 45,1 tấn, với khả năng chứa nhiên liệu bên trong lên tới 12,1 tấn.

Tốc độ bay tối đa của Su-34 là Mach 1,8 (1.900 km/h) ở độ cao lớn, với tốc độ hành trình 1.300 km/h, bán kính chiến đấu 1.100 km (khi mang 12 tấn vũ khí), tầm bay tối đa 4.500 km và trần bay là 17 km.

Về vũ khí, Su-34 được tích hợp 1 pháo tự động 30 mm Gryazev-Shipunov GSh-30-1 với 180 viên đạn. Ngoài ra còn có 12 điểm treo trên cánh và thân, Fullback mang được các loại tên lửa không đối đất Kh-29, Kh-31, Kh-59... hay bom dẫn đường laser KAB-500/1500L.

Đối với nhiệm vụ không đối không, máy bay có thể mang 2 tên lửa Vympel R-27 (tên mã NATO: AA-10 Alamo), R-73 (AA-11 Archer) và Vympel R-77 (AA-12 Adder).

Máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 Fullback

Máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 Fullback

Giới phân tích cho rằng Su-34 đã nhận "lễ rửa tội bằng lửa", tức lần tham chiến đầu tiên trong Chiến tranh Nga - Georgia năm 2008, nhưng điều này vẫn chưa thực sự được xác nhận.

Trận chiến đầu tiên được biết đến của Fullback diễn ra ở Syria vào tháng 9/2015, khi Su-34 được sử dụng để tấn công tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và các nhóm phiến quân chống chính phủ khác.

Theo hầu hết các chuyên gia quân sự, chiếc máy bay ném bom tiền tuyến này đã hoạt động khá tốt trong chiến dịch quân sự ở Syria, phá hủy nhiều boongke, trung tâm chỉ huy... của kẻ thù.

Có thể cho rằng, thành tích chiến đấu đỉnh cao của chiếc máy bay này diễn ra vào ngày 4/10/2017, khi song song với Su-35 Flanker-E, Su-34 được sử dụng để tấn công một nhóm lãnh đạo của Mặt trận Al-Nusra - hay còn gọi là Al Qaeda ở Syria.

Trận oanh tạc nói trên đã dẫn đến cái chết của 12 chỉ huy chiến trường của Al-Nusra và 50 tay súng khác của nhóm khủng bố này, bao gồm cả chỉ huy an ninh của họ - Ahmad al-Ghizai.

Tuy nhiên, trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” đang diễn ra ở Ukraine, thành tích chiến trường của Su-34 Fullback tỏ ra kém khả quan hơn đáng kể.

Bản thân người Nga thừa nhận đã mất ít nhất 10 chiếc Su-34 quý giá của họ, trong khi nghiên cứu độc lập cho thấy con số thiệt hại có thể lên tới 16 chiếc, tương đương hơn 10% tổng số phi đội Fullback của Moskva.

Có lẽ điều đáng nói nhất trong số các tổn thất của oanh tạc cơ Su-34 ở Ukraine diễn ra vào tháng 7/2022, khi đó chiếc máy bay đã bị lực lượng phòng không của chính Nga bắn hạ.

Điều này cho thấy dấy lên tranh luận có lẽ Su-34 chỉ thích hợp đối đầu kẻ địch không có lực lượng phòng không đủ mạnh, còn ngược lại, tổn thất đối với Fullback sẽ là rất lớn?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đây là lần thứ hai NHNN hủy đấu thầu vàng miếng.

Tiếp tục huỷ phiên đấu thầu vàng

GD&TĐ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa gửi đi thông báo hủy bỏ cuộc đấu thầu vàng miếng ngày 25/4 đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.