An cư cho người dân vùng lũ

GD&TĐ - Năm nào cũng vậy, khi mùa mưa bão về, ở nơi rốn lũ, Dự án Nhà Chống lũ lại chung tay cùng cộng đồng dựng lại những ngôi nhà mới. Trong đợt mưa lũ gây thiệt hại tại các tỉnh miền núi phía Bắc tháng 6/2018, Dự án Nhà Chống lũ lập kế hoạch khảo sát và phối hợp cùng Trung ương Đoàn để triển khai các hoạt động hỗ trợ dựng nhà mới ngay sau khi kết thúc mùa mưa bão năm 2018 cho nhiều hộ dân các dân tộc thiểu số. Dự án dự kiến hỗ trợ xây dựng nhà mỗi tỉnh bị thiệt hại từ 20 - 25 căn (tương đương với hai điểm tái định cư nhỏ ở mỗi tỉnh).

Một lễ bàn giao nhà cho người dân vùng lũ, do Dự án triển khai tại miền Trung
Một lễ bàn giao nhà cho người dân vùng lũ, do Dự án triển khai tại miền Trung

“Triệu thùng mì gói không bằng nhà ngói trên cao”

Anh Lương Hùng, Trưởng ban Xây dựng và Cộng đồng của Dự án Nhà Chống lũ cho biết, để bảo đảm an toàn, ổn định và xây dựng cuộc sống bền vững cho bà con nơi đây thì điều đặc biệt quan trọng là có đất tái định cư ở nơi an toàn, có đất sản suất để làm sinh kế bền vững.

Năm 2018, Dự án Nhà Chống lũ lấy chủ đề: “Xây nhà mới - Dựng đời mới trong nụ cười” đã triển khai xây dựng nhà cho bà con vùng lũ, bão tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Khánh Hoà, Hậu Giang và Quảng Ninh, với tổng số nhà đã xây dựng, bàn giao, đưa vào sử dụng và đang xây dựng, hoàn thiện là 70 căn. Ngoài ra, dự án đã khảo sát chuẩn bị hỗ trợ và xây dựng nhà cho hai hộ là cựu chiến binh Gạc Ma/Trường Sa ở Quảng Bình.

Theo anh Lương Hùng, Dự án Nhà Chống lũ được nhen nhóm từ năm 2009, bởi những tấm lòng thiện nguyện sau chuyến thiện nguyện trĩu lòng và ám ảnh về mất mát của người dân nơi rốn lũ Quảng Nam. Chị Phạm Thị Hương Giang - người điều hành và sáng lập dự án này, có suy nghĩ là phải làm gì đó thiết thực hơn để người nghèo vùng lũ có cuộc sống an toàn hơn, an tâm chống chọi với bão lũ cứ đeo bám.

Cho tới mùa lũ lịch sử năm 2013, bằng một cơ duyên, chị tình cờ nhìn thấy bức hình chụp ngôi nhà gỗ trăm tuổi được đặt trên sáu cọc bê tông, kiên cường giữa biển nước. Đó là công trình mà GS.TS Tống Trần Tùng - chuyên gia về vật liệu nhẹ - dành tặng người hàng xóm ở quê Hương Sơn (Hà Tĩnh) của mình. May mắn, chỉ bằng lòng tin, GS.TS Tống Trần Tùng đã trao toàn bộ thiết kế của mình cho cô gái không quen biết này.

Thế rồi, những người bạn, trong đó có anh Lương Hùng - lúc đó là phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển - đã xắn tay cùng chị biến ý tưởng Nhà Chống lũ thành hiện thực. Và ngay trong chiến dịch đầu tiên mùa lũ 2013 ấy, họ đã quyên góp đủ số tiền để xây 5 căn nhà chống lũ.

Anh Lương Hùng (bên phải) trong chuyến đi khảo sát, hỗ trợ làm nhà sau lũ cho người dân vùng lũ
Anh Lương Hùng (bên phải) trong chuyến đi khảo sát, hỗ trợ làm nhà sau lũ cho người dân vùng lũ

Nhóm thiện nguyện Nhà Chống lũ tâm niệm, không dùng nước mắt để làm các dự án cộng đồng, mà hãy dùng những thông điệp tích cực, cho người ta thấy một con đường đi tươi sáng và đáng tin cậy. Vì thế slogan của Dự án Nhà Chống lũ lúc nào cũng vui, thậm chí rất trẻ trung: “Triệu thùng mì gói không bằng nhà ngói trên cao”, “Sợ lũ là chuyện xưa cũ”…

Đi đến tận cùng nơi người dân cần

Là dự án cộng đồng, ngay từ đầu Nhà Chống lũ đã nhận được sự chung tay của xã hội rộng lớn. Nhà Chống lũ hiện cũng có khá nhiều văn nghệ sĩ cùng chung tay tham gia, trong đó có những người tham gia một cách âm thầm, lặng lẽ. “Có rất nhiều cách để làm từ thiện, nhưng làm thế nào để hiệu quả. Tôi nghĩ từ thiện không phải là việc đem của cho đi, mà phải thật sự đồng hành với hành trình đó”, ca sĩ Mỹ Linh bộc bạch.

Điều đặc biệt ở mô hình Nhà Chống lũ, đó là sự tham gia của chính người dân từ khâu lập kế hoạch, chuẩn bị ngân sách tới thiết kế và xây dựng. Với Nhà Chống lũ, một ngôi nhà an toàn không chỉ có cơ sở vật chất hạ tầng, mà còn ở ý thức sẵn sàng và khả năng thích ứng trước sự thất thường của thời tiết.

Chị Phạm Thị Hương Giang từng chia sẻ, trong Tiếng Anh có thành ngữ “Put your feet into my shoes”, tức là “Hãy để chân vào giày tôi”. Đây là tâm niệm làm từ thiện, mà như chị nói, chúng ta thử đặt mình vào vị trí của người dân thì mới có thể hiểu được suy nghĩ, hoàn cảnh và mong muốn của họ. Không thể đem ý chí chủ quan của mình áp đặt, cho dù là làm từ thiện.

Nhà Chống lũ đến thời điểm này đã xây dựng được trên 600 căn nhà, hỗ trợ cho hàng ngàn người có được đời sống an toàn trước thiên tai khắp các vùng miền và dự án vẫn tiếp tục hành trình. Chỉ trong năm 2017, dự án cùng người dân đã hoàn thành 200 căn nhà tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, một số địa phương ở miền Tây. 120 hộ gia đình và cơ sở trường học, y tế tại Tam Hiệp, Bến Tre được hỗ trợ bồn nước, số hộ được hỗ trợ sinh kế nuôi dê và vịt là 50 hộ.

Cùng với xây nhà để người dân miền Tây có thể sống cùng ở đó, để đương đầu với thiên tai, dự án giúp bà con phát triển nuôi vịt biển, lươn, dê, tôm càng xanh… “Từ nay đến hết năm 2018, nhất là đang bước vào đầu mùa mưa bão, dự án đang đôn đốc khẩn trương xây dựng và hoàn thành các nhà đang xây dựng dở dang, đồng thời thông qua hệ thống cộng tác viên ở cơ sở để thông tin cảnh báo mưa lũ, bão kịp thời đến bà con, khi kết thúc mùa mưa bão, từ tháng 11/2018 - 1/2019 dự án sẽ tiếp tục triển khai xây dựng khoảng 70 - 80 căn nhà cho vùng bão lũ và triển khai các dự án nhà ở tại các điểm tái định cư ở vùng Tây Bắc” - anh Lương Hùng cho biết.

Những nụ cười hạnh phúc sẽ tiếp tục xuất hiện trên các địa bàn Nhà Chống lũ đi qua như mục tiêu, giá trị mà dự án đã đặt ra, không chỉ cùng bà con xây nhà mà còn cùng bà con xây dựng một đời sống tích cực cho mình: Xây một ngôi nhà là dựng một đời mới. Điều quan trọng hơn, những giá trị bền vững này cần được lan tỏa, nhân rộng hơn nữa trong cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ