Để đảm bảo an toàn cho người dân cũng như xử lý ô nhiễm môi trường, Trung tâm Y tế các huyện đã triển khai các phương án đối phó với thiên tai và thảm họa theo phương châm “4 tại chỗ” gồm chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Bên cạnh đó, tiến hành di dời cơ sở y tế và người bệnh để cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân. Lập trạm y tế dã chiến thường trực cấp cứu 24/24 giờ, tổ chức cấp phát thuốc cho người dân bị cô lập.
Theo đó, người dân được phát thuốc ngoài da, thuốc phòng chống đau mắt đỏ, hóa chất CloraminB, phèn chua; Tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em, phụ nữ có thai và người cao tuổi có nguy cơ mắc các dịch bệnh mùa mưa lũ. Cử cán bộ y tế đến từng nhà dân tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân chủ động phòng chống dịch bệnh trước, trong và sau ngập úng, không để dịch bệnh xảy ra... Các đội cơ động phòng chống dịch cũng sẵn sàng xuất quân thực hiện vệ sinh môi trường với phương châm nước rút tới đâu, vệ sinh tới đó.
Trước thực trạng các xã có địa bàn thấp bị ngập lụt nghiêm trọng, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống một số bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ (bệnh về da, mắt, tiêu hóa) và các trường hợp tai nạn thương tích như điện giật, đuối nước…
Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và bệnh viện đa khoa 2 huyện khẩn trương rà soát lại cơ số thuốc, trang thiết bị và đội cấp cứu cơ động sẵn sàng ứng trực khi có yêu cầu. Tổ chức tốt công tác trực cấp cứu 24/24 giờ, khám chữa bệnh, sẵn sàng đáp ứng, hỗ trợ kịp thời với mọi tình huống có thể xảy ra, đảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe cho người dân và nhân viên.