Ăn côn trùng để cứu hành tinh

GD&TĐ - Nhiều quốc gia, nền văn hóa coi việc ăn côn trùng là lẽ tự nhiên và ngày càng ủng hộ điều này nhằm bảo vệ môi trường.

Côn trùng là món ăn phổ biến tại nhiều quốc gia châu Á.
Côn trùng là món ăn phổ biến tại nhiều quốc gia châu Á.

Tuy nhiên, số khác chưa thể chấp nhận món ăn được cho là “thấp kém” này.

Phương án thay thế khả thi

Với khoảng 2 tỷ người trên thế giới, việc ăn côn trùng là một điều tự nhiên. Singapore là một trong số các quốc gia đang dần chấp nhận nguồn thức ăn này và đưa nó vào văn hóa xã hội. Hồi tháng 7, Cơ quan Thực phẩm Singapore phê duyệt 16 loài côn trùng đủ tiêu chuẩn cho con người tiêu thụ như bọ cánh cứng, châu chấu, nhộng.

Những loài côn trùng này có thể được bán dưới dạng thực phẩm nhưng không thể thu hoạch từ tự nhiên mà phải được “nuôi trong các cơ sở do cơ quan có thẩm quyền quản lý”, theo Cơ quan Thực phẩm Singapore.

Ở Thái Lan, những người bán hàng rong đẩy những xe hàng châu chấu chiên giòn và nhiều loại côn trùng tẩm gia vị bắt mắt. Ở Mexico, các đầu bếp trộn trứng kiến với trứng ốp la, chiên giòn châu chấu ăn với sốt trái bơ.

Ở Zambia, Congo và các quốc gia châu Phi khác, người dân ăn côn trùng săn bắt từ tự nhiên. Một phân tích năm 2017 ước tính con người tiêu thụ hơn 2 nghìn loài côn trùng.

Những thói quen ăn uống này có nguồn gốc rất lâu đời. Khoảng 2 thập kỷ trước, các nhà cổ nhân chủng học đã phân tích công cụ sinh hoạt của người cổ đại Nam Phi cách đây hơn một triệu năm.

Khi kiểm tra dưới kính hiển vi, đường gờ và kiểu mòn trên công cụ làm lụng của họ cho thấy con người cổ đại đã đào các gò mối. Đây là bằng chứng cho thấy côn trùng là một phần trong chế độ ăn uống của con người cổ đại.

Hiện nay, ngày càng nhiều người ủng hộ việc ăn côn trùng. Thứ nhất, chúng là sản phẩm có tính bền vững đối với môi trường và rẻ hơn khi sản xuất nếu so với các loại gia súc, gia cầm khác. Thứ hai, chúng chứa nhiều protein và các chất dinh dưỡng khác nếu so với thịt con người hay ăn.

Thứ ba, chúng có thể nuôi với nguồn kinh phí thấp hơn. Cuối cùng, chúng có thể là giải pháp cho một thế giới có nguy cơ mất an ninh lương thực, khai thác và đánh bắt quá mức. Đơn cử, theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), 60% trữ lượng cá trên thế giới đang bị đánh bắt quá mức.

Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi mối quan hệ của con người với thực phẩm và nhiều người tin rằng côn trùng là nguồn protein thay thế khả thi, bền vững với môi trường nếu so với thịt. Chưa kể, xét đến lượng khí thải carbon từ chăn nuôi đang ngày một cao, chiếm từ 14,5 - 19,6% tổng lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu.

Từ năm 2013, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã đề xuất ăn côn trùng như một giải pháp giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực. Năm 2022, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã công bố báo cáo khuyến khích người dân ăn côn trùng, nêu lý do là biến đổi khí hậu và hàm lượng protein trong côn trùng cao.

an-con-trung-de-cuu-hanh-tinh-2.jpg
Ăn côn trùng giúp giải quyết mất an ninh lương thực.

Nguồn dinh dưỡng dồi dào

Hơn nữa, ăn côn trùng tốt cho sức khỏe. Các loại côn trùng khác nhau chứa lượng chất dinh dưỡng khác nhau nhưng chúng thường chứa nhiều protein, sắt và canxi.

MightyCricket, trang web có trụ sở tại Mỹ kinh doanh bột dế, quảng cáo dế chứa lượng vitamin B12 cao gấp 10 lần so với thịt bò. Còn công ty dinh dưỡng thể thao Naak, Canada, cho biết 100g thịt bò bít tết băm nhỏ chứa khoảng 20g protein nhưng 100g thịt dế chứa đến 60g protein.

Một lý do khác khiến xu hướng ăn côn trùng ngày càng phổ biến là tác động của chúng đến môi trường rất thấp. Theo báo cáo của FAO, sản xuất thịt và sản phẩm từ sữa chiếm tới 14,5% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Trong khi nuôi dế sử dụng ít hơn 50 - 90% diện tích đất cho mỗi kg protein so với vật nuôi thông thường.

Còn theo báo cáo của FAO năm 2013, sản xuất 100g thịt bò bít tết tạo ra 750g khí thải nhà kính. Để sản xuất 100g dế, lượng khí thải ước tính thấp hơn 100 lần.

Bất chấp thói quen từ tổ tiên lẫn lợi ích mà việc ăn côn trùng mang lại, đây vẫn là thực phẩm không được ưa chuộng ở các quốc gia phương Tây. Theo các nhà khoa học, cuộc cách mạng nông nghiệp đã loại côn trùng ra khỏi chế độ ăn uống của phương Tây. Chúng từ món ăn trở thành loài gây hại khi con người bắt đầu canh tác. Nhưng giả thuyết này không được chấp thuận bởi nhiều quốc gia tiêu thụ côn trùng hiện nay là quốc gia nông nghiệp như Thái Lan.

Giả thuyết phù hợp hơn có liên quan đến địa lý. Người dân Trung Quốc và Mexico ăn côn trùng nhiều nhất trong khi hầu hết người Nga hay các nước Scandinavia gần Bắc Cực thì không. Côn trùng phát triển mạnh ở những vùng ấm hơn nên ở vùng nhiệt đới, côn trùng nhiều, to và hấp dẫn hơn so với vùng ôn đới, nơi nhiều loài chết vì mùa Đông khắc nghiệt.

Dần dần, quan điểm “lấy châu Âu làm trung tâm” đã liên hệ việc ăn côn trùng với sự thấp kém mặc dù với nhiều nền văn hóa, côn trùng là thực phẩm truyền thống. Sự kỳ thị của người dân châu Âu đối với côn trùng khiến việc tiêu thụ nguồn thức ăn này trở thành hành động kì quái, thấp kém, thậm chí là ghê tởm. Do đó, để có thể phổ biến món ăn này trên toàn cầu vẫn còn là thách thức.

Lấy ví dụ, Hà Lan là quốc gia dẫn đầu nỗ lực phát triển côn trùng thành nguồn thực phẩm mới bền vững tại châu Âu. Họ đã thực hiện nhiều nghiên cứu khoa học, quảng bá các sản phẩm làm từ côn trùng nhưng lượng tiêu thụ các loại thực phẩm này trong nước vẫn còn thấp. Nhiều người chỉ ăn côn trùng “cho biết” và không có ý định đưa nó trở thành nguồn thức ăn lâu dài, nhất là khi họ đã quen tiêu thụ gia súc, gia cầm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ