Đặc biệt, có những axit amin mà con người rất cần, nhưng cơ thể không tự tổng hợp được.
Những côn trùng được dùng làm thức ăn
Con người khai thác, sử dụng động vật làm thực phẩm cho mình và làm thức ăn chăn nuôi có phổ rất rộng, từ động vật không chân (rắn, cá sông, cá biển, cầu gai, hải sâm…), động vật 1 chân (trai, hến, ốc, sò…), động vật 2 chân (chim, gia cầm…), động vật 4 chân (lưỡng cư, bò sát như baba, rùa, cá sấu, gia súc và thú…), động vật 6 chân (côn trùng), động vật 8 chân (nhện, bò cạp, sứa…), động vật 10 chân (mực, bạch tuộc, tôm, cua…) và động vật nhiều chân (rươi...). Tuy có phổ thức ăn rộng, nhưng con người chưa quan tâm đến nhóm động vật 6 chân và 8 chân.
Côn trùng (Insecta) còn được gọi là động vật 6 chân (Hexapoda). Số lượng loài côn trùng đã được biết khoảng 2 - 3 triệu loài, được sắp xếp trong 31 bộ (order), nhưng chỉ có khoảng 2.100 loài được tiêu thụ ở 110 quốc gia; trong số này có 500 loài được tiệu thụ ở châu Phi, 324 loài làm thực phẩm ở Trung Quốc, 255 loài ăn được ở Ấn Độ và hơn 164 loài được tiêu thụ ở Thái Lan…
Những loài côn trùng thực phẩm tập trung chủ yếu ở các bộ Chuồn chuồn (Odonata), bộ Phù du (Ephemeroptera), bộ Bọ ngựa (Mantodea), bộ Hai cánh (Diptera), bộ Cánh vảy (Lepidoptera), bộ Cánh màng (Hymenoptera), bộ Cánh cứng (Coleoptera), bộ Cánh khác (Heteroptera) với 2 phân bộ: Phân bộ Cánh nửa (Hemiptera) và phân bộ Cánh giống (Homoptera), bộ Cánh đều hay Mối (Isoptera) và bộ Cánh thẳng (Orthoptera). Trong số này các loài thuộc bộ Cánh thẳng được khai thác nhiều nhất, riêng họ Dế (Gryllidae) đã có tới 66 loài được tiêu thụ.
Sản phẩm tiêu thụ từ côn trùng có thể là trứng (như trứng cà cuống, trứng tằm…), là ấu trùng (larva) của nhóm côn trùng biến thái hoàn toàn (Holometabola) như sâu bướm (Lepidoptera), ấu trùng cánh cứng (Coleoptera)…; là thiếu trùng (nymph) và trưởng thành của nhóm côn trùng biến thái không hoàn toàn (Hemimetabola), thậm chí còn sử dụng vỏ lột xác, xác phòng trứng (ootheca), phân, nọc độc… của một số loài để làm thuốc trị bệnh.
Giá trị dinh dưỡng của động vật 6 chân
Mặc dù không phải tất cả những côn trùng thực phẩm đều đã được phân tích thành phần sinh hóa học để xác định giá trị dinh dưỡng, nhưng nhìn chung cơ thể côn trùng chứa nhiều đạm (protein), chất béo (lipid), các khoáng chất và các loại vitamin.
Đặc biệt có những axit amin mà con người rất cần, nhưng cơ thể không tự tổng hợp được. Nhiều tác giả thừa nhận giá trị dinh dưỡng của côn trùng, ví dụ ở dế không thua kém gì so với thịt bò, thịt gà hay thịt lợn.
Thành phần các chất dinh dưỡng, tuy có dao động giữa các loài thuộc các bộ côn trùng khác nhau, nhưng đều có giá trị cung cấp dinh dưỡng tốt cho con người hay động vật chăn nuôi khác.
Ngoài việc côn trùng có thể làm thực phẩm cho người, sản phẩm từ động vật 6 chân còn là nguồn dược liệu quý, còn dùng làm thức ăn chăn nuôi được con người biết đến, đã và đang khai thác.
Ví dụ, con người đã sử dụng dế và các sản phẩm của chúng cho mục đích chữa bệnh từ thời cổ đại. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng dế có thể được sử dụng như một phương thuốc truyền thống chữa sốt và cao huyết áp.
Ở Nigeria, dịch đường ruột của dế trũi được dùng chữa bệnh cho bệnh nhân bị nấm bàn chân. Ở Trung Quốc, dế trũi được phơi nắng để tạo thành một loại thảo dược gọi là China Gryllotalpa, làm thuốc sắc hoặc làm rượu thuốc để tăng cường các chức năng cơ thể. Những phát hiện gần đây rất thú vị ở việc kết hợp bột dế trong khẩu phần ăn của trường học đã tối ưu hóa sự phát triển và học tập của trẻ em.
Hơn nữa, sự hiện diện của các axit amin thiết yếu, bao gồm valine, lysine, threonine và methionine trong dế giúp phá vỡ các axit béo bão hòa, có liên quan đến các tình trạng béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường loại 2 và ung thư ở người. Các nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng bột dế rất giàu các nguyên tố khoáng chất mà con người thiếu như canxi, kali, magie, sắt và đồng. Do đó, ăn dế sẽ chống lại các bệnh khác nhau, như loãng xương, trục trặc hệ thần kinh và thiếu máu.
Phòng ngừa độc tố
Việc thu bắt khối lượng lớn những loài côn trùng ăn được nhưng là đối tượng gây hại cho nông lâm nghiệp (cào cào, châu chấu, đuông dừa…) sẽ góp phần trong chiến lược phòng trừ sâu hại (insect pest), nhưng việc săn bắt ngoài tự nhiên những loài côn trùng có ích (usefulinsect), thụ phấn cho cây hay là kẻ thù tự nhiên như sâu hại như ong, kiến hoặc không gây hại như sâu chit, sâu tre sẽ ảnh hưởng tới đa dạng sinh học.
Do vậy, hiện nay người ta chỉ khuyến khích nhân nuôi một số loài côn trùng như Sâu bột (Tenebrio molitor L.) hay các loài dế trong các trang trại thành thương phẩm.
Nhìn chung việc tiêu thụ côn trùng là an toàn. Tuy nhiên, trong thực tế có thể gặp phải rủi ro khác nhau. Chẳng hạn việc khai thác quá mức côn trùng ngoài tự nhiện có thể làm mất cân bằng hệ sinh thái và tạo nguy cơ loài bị tuyệt chủng như việc thu bắt Sâu chít, Sâu tre hiện nay ở vùng Tây Bắc, Việt Nam hoặc việc thu bắt ong khoái, ong đất ở những nơi địa hình nguy hiểm (vách đá, cây cao…).
Côn trùng sống ngoài tự nhiên, có thể do ăn một số loại cây có chứa độc tố và các độc tố này tích tụ trong cơ thể chúng, nên khi người ăn vào sẽ bị ngộ độc. Zagrobelny et al. (2009) đã thông báo một số côn trùng cũng có thể chứa các chất độc hại một cách tự nhiên như glycoside cyanogen.
Glycoside cyanogen là chất độc có trong một số loài thực vật, hầu hết chúng được dế hay côn trùng ăn cỏ tiêu thụ. Người ăn dế có chứa cyanogen glycoside có thể gây ngộ độc cấp tính, dẫn đến chậm phát triển và các triệu chứng thần kinh do hệ thần kinh trung ương bị tổn thương.
Ở Việt Nam việc nhân nuôi côn trùng làm thương phẩm hình thành tự phát. Ở miền Bắc có một số cơ sở nhỏ đang hoạt động như ở Thường Tín, Hà Nội, ở Nam Định, Thanh Hóa; ở miền Nam có mấy cơ sở nuôi dế tại TPHCM và Đồng Tháp... Nhìn chung việc khai thác côn trùng thực phẩm phổ biến là thu bắt ngoài tự nhiên, đặc biệt với những loài quý hiếm như Sâu chít, Sâu tre, ong hoang dã…
Để lĩnh vực này được phát triển có hiệu quả cho xã hội rõ ràng cần sự vào cuộc của các cơ quan khoa học và quản lý Nhà nước. Việc đó là cần thiết để tạo ra sự phát triển có cơ sở khoa học, tiếp cận công nghệ tiến tiến, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bảo vệ môi trường bền vững.