(GD&TĐ) - Trong ánh nắng thu vàng dịu, hòa với tiếng trống tựu trường của ngày khai giảng năm học mới, hương xưa gợi lại ký ức hình ảnh về một người thầy, một chiến sỹ cách mạng của Hà Nội từ những năm 1936 đến tháng 8/1945. Đó là cố nhà giáo Phạm Đình Tiến, nguyên giáo viên lịch sử của trường P.T.C III Công nghiệp Hà Nội (nay là trường THPT Trần Phú).
Ông sinh ngày 2/4/1914 tại thành phố dệt Nam Định trong một gia đình nho học, giàu lòng nhân ái,yêu nước tha thiết. Thời trẻ, ông học ở Nam Định và sớm thoát ly gia đình lên Hà Nội. Thân lập thân, anh Phạm Đình Tiến vừa làm gia sư vừa tham gia hoạt động xã hội, do đó anh đã thâm nhập vào đời sống của người dân thành thị và công nhân nên càng hiểu nỗi thống khổ của họ.
Vào những năm từ 1936- 1939 người trí thức Phạm Đình Tiến đã làm trị sự và tuyên truyền ở các tòa báo En Avant, Notre Voix, Rassemblement, là những tờ báo in bằng tiếng Pháp của Đảng Cộng sản Đông Dương. Cũng thời kỳ này, Đảng ta coi trọng việc nâng cao trình độ văn hóa (nhất là Pháp Văn) cho những người đồng chí cốt cán trong ngành in. Anh Phạm Đình Tiến đá được mời dạy tiếng Pháp cho một lớp học tiếng Pháp của công nhân ngành in, tổ chức tại hội quán Trí Tri (Phố hàng Quạt). Lớp này do đồng chí Trần Ngọc Phương (sau này là tổng Giám đốc ngành in Việt Nam) làm lớp trưởng.
Lớp học vào buổi tối, có lúc đông tới 50-60 học viên. Hội quán Trí Tri lúc đó do cụ Nguyễn Văn Tố làm hội trưởng . Thời gian này, đồng chí Phạm Đình Tiến đã may mắn được sự dìu dắt, uốn nắn của đồng chí Trường Chinh, đồng chí Hoàng Quốc Việt và một số đồng chí hoạt động cách mạng khác nên tích lũy được nhiều kinh nghiệm để tổ chức tốt các hoạt động sau này.
Cuối năm 1939, đế Quốc Pháp lại khủng bố, Đảng ta rút vào bí mật.
Thầy Phạm Đình Tiến đã “Vô sản hóa” đi làm thợ gò trong phân xưởng ô tô Boillot (nay là cửa hàng gạo phố Ngô Thời Nhiệm) và chủ động tìm mối liên lạc với cấp trên để hoạt động.
Cố nhà giáo Phạm Đình Tiến |
Từ năm 1940 đến năm tháng 8/1945, đồng chí Phạm Đình Tiến cùng kề vai sát cánh với đồng chí Nguyễn Trí Bàn (sinh năm 1912, là công nhân gò xưởng Boillot, người làng Khương Trung (nay là phường Khương Trung- Quận Thanh Xuân- Hà Nội) trong các hoạt động bí mật của mặt trận Việt Minh. Anh thợ gò Phạm Đình Tiến đã dựa vào quê của đồng chí Bàn để tổ chức các tổ công nhân Cứu quốc rồi phát triển dần thành Liên tổ Công nhân Cứu quốc (CNCQ) thợ gò do đồng chí Bàn làm Liên tổ trưởng, những hoạt động bí mật của Liên tổ CNCQ Khương Trung là rải truyền đơn, dán cáo thị, bãi công đòi tăng lương…
Cùng khoảng thời gian này, đồng chí Tiến tổ chức được một Liên tổ CNCQ thợ may ở Rẽ Hạ, Cống Thần, Phú Xuyên, Hà Đông (Nay là Hà Nội) do đồng chí Giá (tức đồng chí Tám) làm Liên tổ trưởng. Trong nội thành Hà Nội, Đồng chí Tiến còn tổ chức, chỉ đạo cho đồng chí Trần Nghi (tức Sang) thành lập Liên tổ Thanh niên Cứu quốc (TNCQ) học sinh ở phố Hàng Lọng (nay là đường Lê Duẩn).
Cả ba liên tổ trên đều do đồng chí Tiến phụ trách trực tiếp để đảm bảo bí mật chứ không hoạt động theo ngành dọc của Hà Nội và Phú Xuyên. Thời gian tiền khởi nghĩa (Từ 01/01 đến 18/8/1945), đồng chí Tiến đã trao đổi kỹ lưỡng với từng đồng chí Liên tổ trưởng của ba liên tổ để khi có lệnh của trên thì phát động khởi nghĩa giành chính quyền. Vì thế khi nhận được lệnh Tổng khởi nghĩa thì hai đồng chí Giá và Trần Nghi đã lãnh đạo quần chúng giành chính quyền, còn ở Khương Trung, trực tiếp đồng chí Tiến ra lệnh khởi nghĩa vào sáng 18/8/1945. Nhân dân Khương Trung nồng nhiệt hưởng ứng.
Lần đầu tiên ở sân đình, dân làng Khương Trưng được trang nghiêm chào lá cờ đỏ sao vàng và phấn khởi đón nhận các thành viên của UBND Cách mạng lâm thời. Một UBND Cách mạng Khởi nghĩa được thành lập. Những nén hương trầm thắp lên trong đình, chùa Khương Trung tỏa khói linh thiêng. Đội Tự vệ vũ trang (TVVT) làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Sáng tinh sương 19/9/1945, đồng chí Tiến đã lãnh đạo anh em CNCQ Khương Trung (có vũ trang thô sơ) và dân làng tiến vào quảng trường nhà hát Lớn (Nay là quảng trường CM tháng Tám) cùng hàng vạn nhân dân thủ đô tham gia cuộc mít tinh khổng lồ giành chính quyền ở Hà Nội. Sau đó đoàn biểu tình Khương Trung tiến đến Phủ Khâm sai (Bắc Bộ Phủ- nay là nhà khách Chính Phủ 12 Phố Ngô Quyền).
Trước sức mạnh như nước vỡ bờ của lực lượng quần chúng, bọn lính gác hoàn toàn tê liệt, hạ vũ khí, mở cổng sắt Bắc Bộ Phủ làm ta làm chủ hoàn toàn Phủ Khâm sai. Đồng chí Tiến cùng một tiểu đội tự vệ vũ trang Khương Trung được lệnh canh gác Bắc Bộ Phủ trong một tuần lễ, sau đó được điều động đi công tác khác…
Khương Trung đất thép anh hùng,
Người thầy, người thợ ta cùng đấu tranh.
Thời cơ cách mạng chớp nhanh
Phất cờ khởi nghĩa, dân giành về tay.
Hương thu ngan ngát, gió thu nhè nhẹ trên đất trời thủ đô. Giờ đây hàng triệu thầy và trò thủ đô ta đang lắng nghe tiếng trống của ngày khai giảng. Trong tiếng trống đó có âm thanh trầm hùng của trống đồng Đông Sơn mấy nghìn năm lịch sử vọng về. Còn vang dội tiếng trống quật cường của cao trào Xô Viết- Nghệ Tĩnh (1930- 1931). Trong bầu không khí hồ hởi này, hẳn có âm hưởng dạt dào của tiếng trống khởi nghĩa Khương Trung ngày 18/8/1945. Chắc các em học sinh Hà Nội rất đỗi tự hào những ngày tháng Tám lịch sử ấy, có một phần công sức nhỏ bé của cố nhà giáo- người chiến sĩ cách mạng năm xưa- thầy Phạm Đình Tiến. Năm học này vừa tròn 22 năm thầy đã đi vào cõi vĩnh hằng. Song trong giờ dạy lịch sử, vẫn văng vẳng đâu đây lời giảng sang sảng, tâm huyết của thầy về bài học lịch sử.
Nắng vàng sắc thu tràn gió mới
Trống trường thúc giục bước đàn em
Tháng 9 mùng 5 tới tựu trường
Khai giảng bước vào năm học mới.
Phạm Đan Bình