Ông Vũ Oanh - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương: |
Năm 1945, tôi 21 tuổi và đang là Bí thư chi bộ thanh niên cứu quốc của Thành ủy Hà Nội. Tôi nhớ vào thời điểm Nhật hất cẳng Pháp, anh em Việt Minh từng nơi trong nội, ngoại thành đều tích cực lùng sục vũ khí, hễ thấy đâu có súng là tự động đi tìm hoặc thu mua bằng được bởi vũ khí là vốn quý nhất lúc này. Anh em thu thập được đủ loại, cả súng mới, súng cũ, rồi súng hỏng cũng được dùng để tập tháo lắp. Súng tốt được dùng vào việc hỗ trợ từ xa đề phòng địch, súng cũ thì dùng trong các cuộc mít tinh để quần chúng vững dạ. Trong việc tìm súng cũng có nhiều chuyện vui. Anh em ta thu được mấy viên đạn súng cối 81 ly của Nhật thì tưởng là “bom”, còn thấy súng liên thanh thì đánh giá uy lực của vũ khí này ghê gớm lắm, nghĩ rằng có thể chặn được “hàng nghìn quân”, thực ra đó là loại liên thanh cũ do Pháp sản xuất từ năm 1915.
Cuối tháng 7-1945, tôi được Xứ ủy chỉ định làm trưởng đoàn đại biểu Hà Nội đi dự Đại hội Quốc dân Tân Trào. Đoàn chúng tôi gồm 5 người, ngày đi, đêm nghỉ, cuốc bộ từ Hà Nội tới Tân Trào. Đang sống ở Hà Nội trong vòng vây o ép của phát xít Nhật, khi mà những tờ báo cáo gửi lên trên chúng tôi phải bí mật cuộn nhỏ như những con sâu kèn, nay được sống trong căn cứ địa cách mạng, được hít thở không khí tự do của vùng giải phóng và vinh dự thay mặt đoàn Hà Nội lên báo cáo với Đại hội Quốc dân không khí cách mạng của các tổ chức, các tầng lớp nhân dân Hà Nội tiến tới nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền, tôi thực sự cảm thấy vui sướng, hạnh phúc. Khi chúng tôi rời Tân Trào về Hà Nội, đi được nửa đường thì nhận tin nhân dân thủ đô đã nổi dậy cướp chính quyền. Về tới Hà Nội, nhìn cờ đỏ sao vàng tung bay khắp nơi, chúng tôi càng thấy hạnh phúc và tự hào. Khi ấy, nhớ lại những ngày hoạt động ở Hà Nội trong sào huyệt địch với biết bao suy tư, trăn trở, tìm cách hoạt động, xây dựng tổ chức, phát động phong trào, tôi thấy mình đã có được niềm vui trọn vẹn trong những ngày đầu tiên được sống trong môi trường thực sự tự do, độc lập… Mọi người trong đoàn vô cùng vui sướng, riêng với tôi, đó là những giây phút sung sướng nhất trong quãng đời hoạt động cách mạng của mình.
Ông Đoàn Duy Thành, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:
Ông Đoàn Duy Thành, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam |
Ký ức đọng lại trong tôi giờ đây vẫn là sự ám ảnh từ nạn đói khủng khiếp năm 1945. Hồi đó, tôi là một cậu bé 16 tuổi, nhưng do gia đình là cơ sở bí mật của Việt Minh nên hằng ngày tôi cũng được giao vài việc như liên lạc, bảo vệ, hơn nữa ông nội tôi làm nghề dạy học, lại rất ghét Tây (ông luôn dặn con cháu học xong thì hãy chọn nghề giáo hoặc nghề thuốc, chứ đừng ra làm quan).
Ngày 1-7-1945, tôi được các cán bộ Việt Minh trong xã chính thức giao nhiệm vụ phụ trách thanh niên cứu quốc làng Tường Vu (nay thuộc xã Cộng Hòa, Kim Thành, Hải Dương).
Tối 15-8, chúng tôi được các cán bộ Việt Minh trong xã tập trung họp phổ biến để sáng sớm hôm sau lên huyện cướp chính quyền. Cả đêm ấy, chúng tôi trằn trọc không ngủ.
Sáng sớm 16-8, chúng tôi tập trung ở miếu Quỳnh Khê, cách huyện lị 2km rồi sau đó chia thành hai ngả cùng tiến vào huyện.
Đi đầu đoàn vũ trang khởi nghĩa chỉ có vài khẩu súng thô sơ, còn lại toàn gậy gộc, dáo mác. Vào huyện đường, tri huyện Nguyễn Bích Liên mặt tái mét khi nghe cán bộ Việt Minh tuyên bố: “Chính quyền do Nhật lập ra đã tan rã, ông phải bàn giao dấu, ấn lại cho chúng tôi”. Lúc ấy, có một ông già mặc bộ quần áo lụa, hai tay chắp trước ngực, ông vừa vái lạy các cán bộ Việt Minh, vừa nói: “Tôi là cha ông huyện, cháu nó vừa về thực tập tri huyện được ít tháng, chưa dám làm việc gì trái với Việt Minh. Thôi cháu nó còn dại, xin các ông tha cho”. Cán bộ ta giải thích chính sách khoan hồng của Việt Minh cho cha con tri huyện, họ rối rít cảm ơn.
Trong những ngày Tổng khởi nghĩa, khí thế cách mạng luôn sục sôi khắp làng trên xóm dưới. Tối tối, từng tốp thanh niên trai tráng được tập trung huấn luyện quân sự. Vì trong làng đang lụt to nên nhân dân kéo lên đường 5 khá đông. Trong trục đường gần hai chục cây số quanh huyện tôi, những tiếng hô tập quân sự, đi đều: “Một, hai!”, rồi lời bài hát “Diệt phát xít”, “Tiến quân ca”... vang lên suốt đêm.
Thiếu tướng Đặng Văn Duy, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên truyền đặc biệt - Tổng cục Chính trị:
Thiếu tướng Đặng Văn Duy, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên truyền đặc biệt - Tổng cục Chính trị: |
Tôi rời quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh ra Hà Nội học tú tài 2 từ trước cách mạng tháng Tám. Bố tôi là thầy đồ ở đất học Tiên Điền nên nhà tuy nghèo vẫn quyết tâm cho con cái ăn học.
Ra Hà Nội, qua bạn bè giới thiệu, tôi nhận làm gia sư dạy kèm hai đứa trẻ trong một gia đình ở Thanh Xuân để có tiền ăn học.
Tháng 10-1944, tôi được người bạn thân tên là Lê Vinh rủ tham gia thanh niên cứu quốc. Trong thời gian hoạt động, tôi được gặp anh Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Thường vụ Trung ương, người sau này tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa. Một lần gặp tôi, anh hỏi mà như căn dặn: “Cậu học trường Pháp là để đánh Pháp đấy chứ ?”.
Hồi ấy, tôi cũng chưa hiểu nhiều về Việt Minh, nhưng từ bạn bè tác động, hơn nữa từ sự phát triển sâu rộng của phong trào thanh niên cứu quốc Hà Nội nên khi học được một năm, tôi quyết định bỏ học đi theo Việt Minh.
Công việc của chúng tôi lúc đó là bí mật vận động quần chúng, tham gia viết và rải truyền đơn, khi thì bí mật rải vào ban đêm, lúc thì tranh thủ trên tàu điện... Nói là vận động quần chúng nhưng thực ra chỉ là những hoạt động bí mật đơn tuyến, tôi chỉ được biết người giới thiệu mình và làm theo chỉ đạo của cấp trên. Năm đó tôi 16 tuổi, người lại nhỏ nên khi đi vận động quần chúng thường bị gọi là “Vẹm nhóc”, thấy mình gặp khó khăn do ít tuổi, tôi phải xin cấp trên chứng nhận cho tôi “tăng” thêm hai tuổi để hoạt động cách mạng được thuận lợi.
Khởi nghĩa tháng Tám nổ ra, tôi tham gia vào việc viết, vẽ khẩu hiệu, cùng quần chúng tham gia vào nhiều cuộc mít tinh, biểu dương lực lượng tại khu vực từ Ngã tư Sở tới Hà Đông. Tôi vẫn nhớ có những cuộc mít tinh do lực lượng Việt Quốc, Việt Cách tổ chức, nhưng sau đó lại biến thành những cuộc mít tinh của Việt Minh cả từ trên diễn đàn cho tới lực lượng quần chúng phía dưới.
Theo tôi, thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa là minh chứng khẳng định sự sáng suốt của Đảng ta trong việc tranh thủ thời cơ “nghìn năm có một” để lãnh đạo các tầng lớp nhân dân nổi dậy, tự giải phóng mình khỏi ách áp bức “một cổ hai tròng”.
Đại tá, Cựu chiến binh Phạm Xuân Phương (312C7, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội):
Đại tá, Cựu chiến binh Phạm Xuân Phương (312C7, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội): |
Khi Nhật đảo chính Pháp, do học trường Tây nên tôi phải nghỉ học. Tổ chức Thanh niên cứu quốc Hà Nội có chủ trương lựa chọn một số thanh niên có tinh thần hăng hái đi lên Chiến khu hoạt động, tôi nằm trong số hai chục thanh niên Hà Nội được chọn. Tôi đã bí mật bỏ nhà lên Chiến khu.
Trong số 4 học sinh Hà Nội được biên chế vào trung đội Giải phóng quân, tôi là người ít tuổi nhất. Với chủ trương xuống gây dựng cơ sở cách mạng ở phía nam Vĩnh Phúc, tôi đã thâm nhập vào các đồn điền ở Bỉnh Di, Cầu Giát vận động các chủ đồn điền gốc Hà Nội ủng hộ của cải, vật chất giúp Việt Minh.
Ấn tượng khó quên trong những ngày cách mạng tháng Tám đối với tôi chính là được trực tiếp tham gia vào các cuộc khởi nghĩa ở huyện lị Lập Thạch và thị trấn Liễn Sơn. Quần chúng chủ yếu gồm lực lượng thanh niên, một số đoàn thể và lực lượng tự vệ. Khi lệnh tổng khởi nghĩa nổ ra, hàng ngàn quần chúng Lập Thạch với cờ đỏ sao vàng và vũ khí trong tay đã ào ạt xông lên tước súng của binh lính và tịch thu dấu, triện của các lý dịch, lập ra Ủy ban dân tộc giải phóng ở các xã, thị trấn.
Đại đội của tôi hồi đó do anh Kim Ngọc làm Chính trị viên còn được điều động lên tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở thị xã Vĩnh Yên. Tình hình ở Vĩnh Yên khi đó khá phức tạp, lực lượng của Quốc dân Đảng do tên chủ đồn điền Đỗ Đình Đạo cầm đầu đã tổ chức cướp chính quyền trước Việt Minh. Lúc lực lượng khởi nghĩa đi đến gần Đầm Vạc thì lính Quốc dân đảng bắn xối xả. Khi đó lực lượng quần chúng phải lui về để tổ chức các trận đánh, song do hỏa lực của Quốc dân đảng khá mạnh nên việc đánh chiếm thị xã gặp rất nhiều khó khăn.
Lúc này, Chính trị viên Kim Ngọc giao nhiệm vụ dẫn đường đưa anh về Hà Nội vì anh biết tôi thạo đường phố thủ đô. Tôi và anh Kim Ngọc đi bộ mất hai ngày về Hà Nội, khi đó Hà Nội đã giành được chính quyền, anh Kim Ngọc đã đến Bắc Bộ Phủ xin Trung ương tăng cường lực lượng để giải phóng Vĩnh Yên. Ngay sau đó, Trung ương đã cử lực lượng giải phóng quân của Hà Nội ở Hương Canh lên và lấy lại thị xã Vĩnh Yên từ tay Quốc dân đảng…
Những ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 đã giúp tôi từ một cậu học trò trở thành một chiến sỹ Việt Minh, và khí thế sục sôi của cách mạng cũng đã giúp tôi thêm rắn rỏi khi vừa tròn 16 tuổi.
Bùi Vũ Minh (thực hiện)