Đặc biệt, thời gian gần đây, việc các đối tượng buôn người sử dụng các chiêu thức mới khiến công tác phòng chống càng thêm khó khăn, phức tạp.
Đại tá Nguyễn Văn Hiện - Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra (PC45), Công an tỉnh Lai Châu - cho biết: Trước đây, ở Lai Châu, các đối tượng buôn người thường dùng thủ đoạn tán tỉnh các cô gái trẻ, chưa chồng, hứa hẹn sẽ lấy làm vợ rồi lừa qua biên giới, hoặc lừa các đối tượng sang Trung Quốc với lời dụ dỗ có công ăn việc làm ổn định, lương cao.
Tuy nhiên, đầu năm 2015, lần đầu tiên, công an tỉnh ghi nhận trường hợp kẻ buôn người tìm cách móc ngoặc với người “bị hại” sang lừa người mua để lấy tiền trốn về nước.
Tiêu biểu là vụ buôn bán người mà kẻ chủ mưu là Hoàng Tuấn Cường (trú tại xã Ma Li Pho, Phong Thổ, Lai Châu). Theo biên bản của vụ án, vào khoảng tháng 4/2015, Hoàng Tuấn Anh (SN 1986, hiện trú tại Long Hẻo, Sìn Hồ, Lai Châu) về nhà chơi, nói với anh trai Hoàng Tuấn Cường là có quen một người phụ nữ tên Duyên ở thành phố Lào Cai chuyên làm mối đưa phụ nữ sang Trung Quốc bán.
Qua sự giới thiệu của Tuấn Anh, Cường đã điện thoại trao đổi với Duyên về chuyện buôn bán người. Trong cuộc trao đổi, Duyên có nói là làm mối buôn bán người với 2 hình thức là buôn hàng “quay” (bán xong, nạn nhân lại quay về) và hàng “chết” (bán xong, nạn nhân không quay về được). Được sự hướng dẫn của Duyên, Cường đã đồng ý tìm phụ nữ để bán sang Trung Quốc với hình thức “hàng quay”.
Ngày 17.5, Hoàng Thị Hoa (trú tại Hoang Thèn, Phong Thổ, Lai Châu) sang nhà Cường chơi, Cường có gợi ý Hoa giả vờ làm nạn nhân bị bán sang Trung Quốc sau đó trốn về nước.
Các đối tượng cũng thống nhất số tiền lấy được từ người mua sẽ tiến hành chia nhau. Đến ngày 20/5, Cường rủ vợ là Phàn Thị Nẻo đưa Hoa và bạn Hoa (tên là Mẩy) lên thành phố Lào Cai gặp Duyên. Sau khi gặp được Duyên, họ đã thống nhất về việc Hoa và Mẩy sẽ giả vờ làm nạn nhân sau đó bỏ trốn về.
Đến ngày 26.5, Cường cùng Duyên đưa Hoa và Mẩy từ TP.Lào Cai đến huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai để cùng vượt biên trái phép sang Trung Quốc.
Khi đến Trung Quốc, Duyên đưa Hoa và Mẩy đi bán, bán xong Cường và Duyên trở về, một thời gian sau, Hoa và Mẩy cũng trốn về nước. Nhưng sau đó, do giữa các đối tượng xảy ra tranh cãi về tiền nong nên đã bị các cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Hiện, hình thức mới của bọn buôn bán người thực sự đã gây khó khăn cho các lực lượng chức năng. Bởi hành vi của vụ án là buôn bán người, nhưng bản chất là lừa đảo, mà người bị lừa lại ở bên kia biên giới, khó đứng ra tố cáo. Vì thế, vụ án này rất khó để xác định, đâu mới là nạn nhân thực sự.
Để giải quyết tình thế, trước mắt, Công an tỉnh Lai Châu đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu cùng Bộ đôịbiên phòng Trung Quốc tiến hành xác minh các đối tượng mua bán người để xử lý vụ việc.
Tuy nhiên, nhằm giải quyết triệt để, công an tỉnh đã trình bày sự việc lên các cơ quan cấp trên để nắm bắt, nhận định tình hình mới và đưa ra các biện pháp đối phó cần thiết.
Điện thoại di động đôi khi là con dao hai lưỡi đối với các cô gái trẻ dân tộc thiểu số. |
Buôn người thời mobile
Nếu như trước đây, những kẻ buôn người thường lợi dụng sự quen biết với người địa phương để lừa gạt phụ nữ thì giờ đây chúng đã biết dùng các phương tiện công nghệ cao như điện thoại di động để tán tỉnh, dụ dỗ nạn nhân, đặc biệt là các cô gái trẻ. Xã Nậm Xe (Phong Thổ, Lai Châu) được xem là một trong những điểm nóng về tình trạng buôn bán người.
Anh Lò Văn Thăng - Trưởng công an xã Nậm Xe - cho biết: Từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn xã đã xảy ra 6 vụ buôn bán người. Điều đáng lưu ý là trong hầu hết các vụ việc này, đối tượng sử dụng điện thoại di động để làm quen, tiếp cận với nạn nhân. Đáng thương nhất là trường hợp 2 chị em ruột Chẻo San Mẩy (SN 1997) và Chẻo Ú Mẩy (SN 2000) ở bản Hoàng Liên Sơn 2.
Sau khi nghe về trường hợp này, chúng tôi đã đề nghị trưởng công an xã cho về bản thăm 2 cháu Mẩy. Trưởng công an xã đã đưa ra cảnh báo là đường đi rất khó khăn và tỏ ra lo ngại: “Mấy cán bộ Hà Nội không đi được đâu”.
Nhưng với lòng quyết tâm, 5h sáng hôm sau, 4 người trong đoàn chúng tôi đã đến trụ sở xã và được 4 đồng chí công an viên chở đi bằng xe máy.
Quả thật, bản thân chúng tôi đã không ít lần đi bộ vào các bản vùng sâu, vùng xa nhưng đây là một trong những quãng đường khó khăn nhất.
Đường vào bản là những đoạn hun hút, “ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”, nhiều đoạn chúng tôi phải tự mở đường do cơn mưa đêm trước làm sạt những tảng đất, hộc đá xuống.
Sau gần nửa ngày đường, đánh vật với “con đường đau khổ”, có những lúc xe máy gầm gào đến bốc đầu, rồi nhiều đoạn phải đi bộ sà sã vài cây số, cuối cùng chúng tôi cũng đến với Hoàng Liên Sơn 2.
Nói về những khó khăn trên đường đi nhiều đến thế là vì chúng tôi muốn nhấn mạnh sự thiếu thốn và cách trở đến biệt lập như một ốc đảo của bản người Dao này.
Thế nhưng, ở cái nơi thâm sơn cùng cốc ấy, những kẻ buôn người vẫn không buông tha và chúng còn sử dụng cả điện thoại di động để lừa đảo các nạn nhân trẻ.
Chẻo San Mẩy mới 18 tuổi nhưng đã rất già dặn, vì em phải đi một quãng đường rất xa trong cuộc đời, một quãng đường buồn mà em không bao giờ muốn lặp lại.
Mẩy nhớ lại, vào đầu năm 2013, Mẩy có nhận được một cuộc điện thoại từ số lạ xưng tên là Phàn Lao Tả, ngỏ ý muốn làm quen. Lợi dụng cô gái trẻ ở độ tuổi mới lớn, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nên Tả đã dụ dỗ Mẩy đi theo hắn, hắn sẽ lo cho một cuộc sống sung sướng, giàu có mà nhàn hạ.
Qua nhiều lần điện thoại với những lời như “rót mật vào tai”, Mẩy đã tin và bỏ nhà theo Phàn Lao Tả. Khi đi, Mẩy rủ cả em gái là Chẻo Ú Mấy mới 13 tuổi đi theo.
Đến ngày 9.5.2013, Phàn Lao Tả đã đưa 2 chị em Mẩy bán sang Trung Quốc với giá 5.000 nhân dân tệ/người (15 triệu đồng). Cũng may sau đó, ngày 28.5.2013, 2 chị em Mẩy được giải cứu và trao trả về Việt Nam.
Các nạn nhân trong vụ buôn bán người ở Nậm Xe đang trao đổi với phóng viên. |
Giờ đây, 2 chị em Mẩy đã về nhà cùng bố mẹ. Mẩy tâm sự, những ngày ở Trung Quốc với em như ở địa ngục trần gian. Ngày ngày, người chủ ép các em phải tiếp khách nếu không thì bị đánh đập rất dã man.
Giờ đây, được giải cứu, em cảm thấy hạnh phúc lắm, em cũng mong các bạn trẻ như em phải hết sức cảnh giác với những số điện thoại lạ và không được nghe theo lời dụ dỗ của chúng.
Có thể nói, tình trạng buôn bán người với quy mô ngày càng lớn, hình thức ngày càng phức tạp đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề an ninh, trật tự của các địa phương, nhất là các địa phương vùng biên giới.
Thiết nghĩ, trong thời gian tới, không chỉ tỉnh Lai Châu mà các tỉnh có đường biên giới - nơi thường xuyên xảy ra tình trạng buôn bán người - phải nâng cao cảnh giác với các hình thức buôn bán này.