Ám ảnh tương lai của nhóm khủng bố sống trong rừng sâu

Khi thỏa thuận hòa bình ở Colombia đang đến gần hơn bao giờ hết, nhóm du kích FARC bắt đầu nghĩ đến cuộc sống ngoài nơi ẩn náu trong rừng rậm sau nhiều năm.

Ám ảnh tương lai của nhóm khủng bố sống trong rừng sâu

"Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia" (FARC) được xem là tổ chức khủng bố ở Colombia với mục tiêu chống chính quyền. Là một trong những lực lượng du kích đáng sợ nhất trên thế giới, tổ chức này từng gây ra nhiều vụ bắt cóc, ám sát, đánh bom nhằm vào công dân Colombia nhân danh chống chủ nghĩa đế quốc. Đối thủ của họ còn là các nhóm bán quân sự.

Trong tiến trình đàm phán tại La Habana, Cuba, hồi tháng 9/2015, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos và thủ lĩnh tối cao của FARC Rodrigo Londono đã nhất trí thời hạn cuối cho việc ký kết thỏa thuận hòa bình là tháng 3 năm nay. Ngày 19/1, hai bên thông báo, họ sẽ đệ trình lên Liên Hiệp Quốc đề nghị giám sát việc tuân thủ lệnh ngừng bắn và giải trừ vũ khí trong 12 tháng.

Thỏa thuận giữa chính phủ Colombia và FARC được kỳ vọng mở ra nền hòa bình dài lâu tại quốc gia Nam Mỹ sau hơn 50 năm nội chiến. Xung đột kéo dài nửa thế kỷ qua đã khiến hơn 220.000 người chết, 40.000 mất tích và hơn 5 triệu người phải bỏ nhà cửa.

Các thành viên của Mặt trận 36 di chuyển đến một trại mới ở bang Antioquia, Colombia. Trước đây, các trại du kích lớn thường rất phổ biến, nhưng giờ họ di chuyển theo các nhóm nhỏ hơn. Ảnh: AP

Các thành viên của Mặt trận 36 di chuyển đến một trại mới ở bang Antioquia, Colombia. Trước đây, các trại du kích lớn thường rất phổ biến, nhưng giờ họ di chuyển theo các nhóm nhỏ hơn. Ảnh: AP

Căn cứ bí mật

Phóng viên AP có cơ hội đến một doanh trại của FARC trong khu rừng rậm ở bang Antioquia, nơi có nhiều loài rắn và ếch độc. Họ được dẫn đến một điểm gặp mặt, sau đó được hộ tống tới trại bí mật. Nơi đóng quân tạm thời là nhà của 22 chiến binh và 4 chỉ huy. Một ngày của các chiến binh thường bắt đầu lúc 4h30 sáng, khi mặt trăng vẫn còn treo lơ lửng ở đường chân trời.

Dù tuyên bố lệnh ngừng bắn đơn phương, du kích vẫn duy trì cảnh giác. Họ ngủ cùng súng, hạn chế trò chuyện vào ban đêm và sử dụng tên giả để bảo vệ thân phận. Họ liên lạc bằng mật mã qua sóng vô tuyến với các đơn vị khác mỗi ngày một lần, thông điệp dài hơn được lưu trữ trong ổ đĩa và nhờ người vận chuyển.

"Chúng tôi sẽ gác vũ khí sang một bên, theo thỏa thuận. Nhưng chúng tôi không bao giờ giao chúng cho họ", Juan Pablo, chỉ huy Mặt trận 36 thuộc FARC, nói.

Sự cảnh giác này là vấn đề hóc búa đối với các nhà đàm phán, rằng làm thế nào để FARC giải ngũ khi họ biết rằng các giải pháp chính trị cũng có thể nguy hiểm như chiến tranh. Sau thất bại đàm phán hòa bình những năm 1980, FARC thành lập đảng Liên minh Yêu nước. Chỉ trong một vài năm, hơn 3.000 nhà hoạt động cánh tả, cảm tình viên của FARC và hai ứng cử viên tổng thống bị lực lượng bán quân sự bắn chết.

Một chỉ huy khác, Leonidas, cho biết trong giai đoạn này, họ sẽ không giải ngũ, mà tổng động viên về mặt chính trị. Hoạt động chủ yếu nhằm đại diện cho người nghèo, tương tự vai trò lực lượng tự vệ của FARC những năm 1960.

"Cuộc chiến sẽ kết thúc bất phân thắng bại nhưng đều gây đau khổ cho hai bên. Thật sai lầm khi nói chúng tôi gây khó dễ cho đàm phán. Chúng tôi chịu nhiều thiệt hại nặng nề nhưng cuộc chiến kéo dài 51 năm không khiến chúng tôi thu mình lại, bởi vẫn còn những bất công khiến chúng tôi phải cầm súng", Juan Pablo cho hay.

Một khẩu súng được treo trên cành cây gần nơi tập trung của nhóm du kích. Ảnh: AP
Một khẩu súng được treo trên cành cây gần nơi tập trung của nhóm du kích. Ảnh: AP

Tương lai mới

Là thủ lĩnh của Mặt trận 36, Juan Pablo có 25 năm phục kích và tập hợp bom mìn và chưa bao giờ đi xem phim, lái xe hay ăn trong nhà hàng. Khi thỏa thuận hòa bình đang đến gần hơn bao giờ hết, người đàn ông 41 tuổi mới bắt đầu nghĩ về một tương lai mới, ngoài nơi ẩn náu trong rừng rậm suốt thời gian qua. Ước mơ của Pablo là trở về ngôi làng nghèo khó thuở thiếu thời.

Niềm tự hào và nỗi lo lắng cho tương lai cũng là tâm trạng chung của gần 7.000 thành viên khác. Nhiều người trong số họ xuất thân từ hoàn cảnh khó khăn và đều đang nghĩ đến việc bắt đầu cuộc sống mới bên ngoài những hàng rào du kích. Các thành viên của tổ chức cho biết nhờ FARC, họ đã thoát nghèo, biết đọc và có cảm giác gia đình.

Nhiều gia đình sống ở thung lũng, nơi đơn vị Front 36 kiểm soát, thừa nhận rằng họ phải trả thuế chiến tranh để bảo vệ cây coca. Nhưng FARC nói sẽ giúp họ phát triển các loại cây trồng thay thế nếu đạt được thỏa thuận với chính phủ.

Sau 25 năm, lần đầu tiên Juan Pablo (ngồi) phải suy nghĩ về cuộc sống mới sau thỏa thuận hòa bình. Ảnh: AP

Sau 25 năm, lần đầu tiên Juan Pablo (ngồi) phải suy nghĩ về cuộc sống mới sau thỏa thuận hòa bình. Ảnh: AP

Để xây dựng lòng tin, FARC từ bỏ các vụ bắt cóc đòi tiền chuộc vốn là nguồn thu chính của tổ chức. Trong khi việc tuyển mộ trẻ vị thành niên và các cuộc thảm sát sẽ bị tòa án hòa bình xét xử, tổ chức này nói rằng các nhóm nhân quyền quy trách nhiệm cho lực lượng bán quân sự trong xung đột.

Như nhiều người khác, con đường đến với tổ chức của Yira Castro bắt nguồn từ bi kịch cá nhân. Sau khi bị cha dượng cưỡng hiếp, cô gái 16 tuổi đã bỏ chạy khỏi nhà. Juliana nói rằng nếu không cầm súng, cô muốn theo học ngành máy tính. Nhưng giờ cô và bạn trai Alexis hy vọng được phục vụ cho FARC ngay cả trong thời bình.

"Ở đây, chúng tôi không bao giờ đụng đến tiền. Chúng tôi được cung cấp mọi thứ", Alexis nói về những điều mà anh coi là tầm thường trong các mối quan hệ ở thế giới bên ngoài. "Đó là lý do tại sao không có sự phụ thuộc ở đây, giữa chúng tôi chỉ có tình yêu".

Theo Zing

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ