AI và sự mất mát

GD&TĐ - Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, các nhà văn lớn đã dự báo về sự hủy diệt mà máy móc dành cho con người.

Minh họa/INT.
Minh họa/INT.

Vài ngày trước, trong bối cảnh mưa lớn kéo dài và lũ lụt ở miền Bắc, mạng xã hội chia sẻ tấm hình một thanh niên mặc áo rằn ri ngắn tay, bên ngoài khoác áo phao, bế trên tay em bé chừng vài tháng tuổi. Cả hai cùng cười rất tươi, sau lưng họ là khung cảnh lũ lụt, đổ nát. Nhiều bình luận đầy cảm xúc: Hậu duệ mặt trời chính là đây, Hai chú cháu đẹp quá, Tuyệt vời quá…

Song sau đó nhiều người phát hiện ra bức ảnh là sản phẩm của AI (trí tuệ nhân tạo). Chỉ cần nhập nội dung yêu cầu với ChatGPT sẽ có câu trả lời mà độ chân thực, sắc nét về hình ảnh đã khiến không ít người lầm tưởng về một khoảnh khắc đẹp giữa thiên tai đang vây bủa.

Từ đầu năm 2023, với màn ra mắt đầy ấn tượng của ChatGPT và sự tham gia vào cuộc đua nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI của hàng loạt ông lớn công nghệ trên phạm vi toàn cầu đã tác động không nhỏ đến đời sống thực.

Với người làm văn hóa - nghệ thuật, họ có thêm công cụ hỗ trợ đắc lực cho công việc, nhưng mặt khác là không ít nỗi lo, trong đó có nỗi lo về bản quyền tác phẩm, về sự can thiệp sâu của công nghệ đối với công việc có tính sáng tạo cá nhân, độc bản. Ở góc nhìn hẹp, nỗi lo ấy đã trở thành hiện thực.

Hôm nay, AI “lừa” chúng ta bằng một tấm hình. Ngày mai, ngày kia, AI còn “lừa” chúng ta những gì? Những cú lừa sẽ ngày một lớn hơn, tinh vi hơn, đến độ chúng ta không nhận ra?

20 năm trước, điện ảnh Hollywood đã mang tới những siêu phẩm về sự trỗi dậy, sự thống trị của người máy. Đề tài này đến nay vẫn tiếp tục được khai thác với những thông điệp đầy tính cảnh báo.

Đặt giả thiết khi AI đã hoàn tất cú lừa ngoạn mục, thế giới bị thống trị bởi trí tuệ nhân tạo. Khi ấy điều gì còn lại? Điều gì mất đi? Số phận con người sẽ ra sao?

Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, các nhà văn lớn đã dự báo về sự hủy diệt mà máy móc dành cho con người. Tác phẩm “Hóa thân” của Franz Kafka là một minh chứng kinh điển. Và nay, qua một thế kỷ, đọc lại tác phẩm này, ta sẽ thấy những dự cảm của Franz Kafka vô cùng chính xác.

Sự biến đổi sâu sắc của khí hậu trong những năm gần đây với các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều cho chúng ta hiểu rằng con người luôn bé nhỏ trước thiên nhiên vĩ đại và đầy bí mật.

Trong khi đó, chúng ta phụ thuộc vào các phương tiện vật chất, mải miết theo đuổi những giá trị bên ngoài, những dự án, những cơ hội chinh phục và mở rộng về tài sản, lãnh địa, tầm ảnh hưởng.

Trong khi đó, khoa học và công nghệ ngày càng can thiệp sâu vào đời sống tự nhiên có tính nguyên thủy. Một đứa trẻ sinh ra trong ống nghiệm. Cha mẹ có quyền lựa chọn phôi tốt, phôi xấu, lựa chọn giới tính khi sinh. Chỉ vài năm đô thị hóa nông thôn đã khiến ta không nhận ra ngôi làng hàng trăm năm tuổi.

Tất cả ào qua, như một cơn lũ.

Cơn lũ của thiên nhiên vô cùng đáng sợ. Nhưng hậu quả từ cơn lũ do con người gây ra còn lớn hơn gấp nhiều lần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.