Thậm chí AI có khả năng thay thế một số công việc của con người. Ngành dịch thuật không phải ngoại lệ, nhất là khi AI bắt đầu được áp dụng vào quá trình biên dịch và tạo ra những tác động đáng kể đối với những người làm nghề dịch thuật.
Nỗi lo bị thay thế
Ông Trương Quốc Hùng (48 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ về câu chuyện chọn ngành nghề cho con thi đại học: “Con trai tôi có năng khiếu về ngôn ngữ, học ngoại ngữ rất giỏi. Cháu bày tỏ mong muốn học chuyên sâu về ngôn ngữ Pháp và định hướng làm nghề phiên dịch để được đi nhiều nơi, tiếp xúc các nền văn hóa. Tuy nhiên tôi cho rằng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ và trí tuệ nhân tạo, nếu không thật sự xuất sắc, nghề phiên dịch rất dễ “lỗi thời”, bị máy móc thay thế”, ông Hùng bày tỏ lo lắng.
Thực tế nỗi lo của ông Hùng không phải vô căn cứ. Chị Nguyễn Như Quỳnh (25 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) - phiên dịch viên tự do cũng từng rơi vào tình cảnh thất nghiệp vì AI. Chị Quỳnh kể lại, chị từng làm thêm công việc dịch và thu âm giọng đọc (voice) cho các video quảng cáo, đọc lời thoại cho các đoạn giới thiệu của doanh nghiệp.
Công việc đang trôi chảy thì bất ngờ, phía doanh nghiệp quyết định ngừng hợp tác với Như Quỳnh. Lý do, doanh nghiệp có thể sử dụng giọng đọc của AI thay thế cho con người. Độ chính xác cao, chi phí rẻ hơn so với thuê phiên dịch là lý do AI được nhiều doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn “chiêu mộ” trong bối cảnh hiện tại.
“Tôi đã lên mạng để tìm hiểu về trí tuệ nhân tạo và phải thừa nhận rằng khả năng dịch thuật của trí tuệ nhân tạo đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Các đoạn thoại trong các clip quảng cáo thường ngắn gọn, không quá phức tạp, vì vậy AI cho ra những bản dịch khá chỉn chu, giọng đọc cũng không khác gì con người”, chị Quỳnh ngậm ngùi chia sẻ câu chuyện của bản thân.
Cần thay đổi góc nhìn
Chị Nguyễn Thanh Thuý (28 tuổi, quê Phú Thọ) hiện đang là trợ giảng kiêm biên dịch tại một chuỗi trung tâm dạy tiếng Trung Quốc tại Hà Nội. Chia sẻ sự nhìn nhận về AI, chị Thanh Thuý thừa nhận, trí tuệ nhân tạo tác động sâu rộng đến ngành dịch thuật. Thế nhưng, việc sử dụng phần mềm dịch thuật cũng đem lại nhiều lợi ích đáng kể cho con người trong việc chuyển đổi giữa các ngôn ngữ.
Trước hết, nhờ có khả năng xử lý lượng dữ liệu lớn một cách nhanh chóng và hiệu quả, AI giúp giảm thời gian trong quá trình dịch thuật. Lấy ví dụ, trước đây khi sử dụng các công cụ tra cứu như từ điển, Google Translate hay Microsoft Translator, chị Thuý và các đồng nghiệp phải mất vài ngày để hoàn thiện việc dịch một tài liệu tham khảo từ tiếng Trung sang tiếng Việt. Còn hiện nay, với sự hỗ trợ từ AI, thời gian làm việc giảm xuống chỉ còn một nửa.
“Trong quá trình dịch, người biên dịch thường phải đối mặt với rất nhiều từ vựng khó hiểu, từ mang tính chuyên ngành hoặc không quen thuộc. Tuy nhiên, biên dịch lành nghề thường hạn chế sử dụng Google Translate hay Microsoft Translator. Những công cụ này vốn được thiết kế chủ yếu để xử lý các từ ngữ, câu hoặc đoạn văn ngắn. Tuy nhiên bản dịch khá đơn giản, có phần lủng củng và ngô nghê. Thay vào đó, chúng tôi sẽ lên trang web của nước ngoài để tìm hiểu về cụm từ đó, tìm hiểu cả điển tích, điển cố liên quan để có bản dịch sát nghĩa, phù hợp nhất.
Song trong một lần thử trải nghiệm AI, tôi đã khá bất ngờ khi thấy chất lượng bản dịch của AI tương đối “mượt”, thậm chí còn đưa ra các đề xuất từ vựng thay thế phù hợp. Điều này giúp chúng tôi rút ngắn thời gian làm việc, cho ra bản dịch chính xác và dễ hiểu hơn”, biên dịch viên này cho biết.
Ưu điểm thứ hai của trí tuệ nhân tạo được chị Thanh Thuý đề cập đến là giúp phân tích sự tương đồng và khác biệt giữa hai bản văn bằng cách so sánh các câu, từ và ý nghĩa để đảm bảo tính chính xác cho bản dịch. Chị Thuý giải thích: “Một trong những yếu tố quan trọng trong dịch thuật là đảm bảo tính chính xác và ngữ nghĩa của bản dịch so với bản gốc.
Thay vì chỉ dựa vào trực giác và kinh nghiệm của bản thân, người biên dịch có thể sử dụng các công cụ AI để đưa ra đánh giá chính xác hơn về độ tương đồng và khác biệt giữa bản dịch và bản gốc. Điều này giúp người dịch có một cái nhìn tổng quát về bản dịch và có thể sửa chữa các lỗi hoặc phát hiện ra những sai sót mà họ có thể do nhiều lý do chủ quan đã bỏ qua”.
Nhìn chung, chị Thuý cho rằng khối lượng công việc của các biên dịch viên đã bớt căng thẳng hơn nhờ sự hỗ trợ của công nghệ trong bối cảnh toàn cầu hoá. Nếu được sử dụng hợp lý, công nghệ có thể giúp họ trong tất cả các khâu từ liên hệ với khách hàng, chuyển ngữ văn bản cho đến việc tạo lập cơ sở dữ liệu phục vụ tham khảo hay các công việc hành chính như thanh toán, quản lý dự án dịch thuật. Trong đó, hai công việc quan trọng nhất là tra từ điển và tìm hiểu thông tin nền liên quan đến bản dịch đều được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả hơn nhờ sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ AI.
Công nghệ, máy móc giúp các dịch thuật viên tiết kiệm thời gian, đáp ứng nhu cầu về số lượng nhưng đó chỉ là công cụ hỗ trợ và không có khả năng thay thế hoàn toàn hoạt động của con người. Các bản dịch vẫn cần khâu chỉnh sửa, biên tập để đảm bảo chất lượng, giữ được những nét đẹp ngôn ngữ, hàm ý và văn phong của văn bản gốc.
Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, những người theo nghề biên dịch, phiên dịch rất cần học cách khai thác tiềm năng và kiểm soát công nghệ mới để giúp cho công việc của họ đạt hiệu suất cao hơn, thay vì lo sợ bị thay thế bởi máy móc.