Ai là cyborg đầu tiên?

GD&TĐ - Cyborg (sinh vật cơ khí hóa hay còn gọi là nửa người nửa máy) đã xuất hiện phổ biến trên màn bạc, truyện tranh và tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Nhưng ai là cyborg đầu tiên ngoài đời thực?

Ai là cyborg đầu tiên?

Đó chính là Kevin Warwick, người có vết sẹo trên cẳng tay trái nơi các bác sĩ đã bắn 100 gai silicon gắn điện cực bạch kim trực tiếp vào hệ thần kinh của anh. Những chiếc gai này cho phép cơ thể Kevin Warwick nhận được các tín hiệu điện tử bên ngoài - chẳng hạn như từ máy tính - và truyền chúng ra ngoài một lần nữa.

Cuộc phẫu thuật này được cho là đã biến Kevin Warwick trở thành cyborg đầu tiên vào năm 2002 thông qua việc kết hợp cơ thể anh với công nghệ để mở rộng khả năng tiến tới lĩnh vực khoa học viễn tưởng của con người. Với thiết bị cấy ghép, anh có thể được kết nối với máy tính, điều khiển robot ở các lục địa khác thông qua Internet và cảm nhận sóng siêu âm như loài dơi.

Warwick, Giáo sư danh dự về điều khiển học tại Đại học Reading và Đại học Coventry ở Anh, nói với Live Science: “Nó giống như một siêu năng lực đột nhiên bạn có thể điều khiển bằng não bộ”.

Khái niệm “cyborg” được đặt ra vào năm 1960 bởi nhà sinh lý học thần kinh và kỹ sư Manfred Clynes, mặc dù những sinh vật nửa người nửa máy như cyborg đã xuất hiện trong khoa học viễn tưởng từ thập niên 20, theo Oxford Reference. Ý nghĩa của từ cyborg rất rộng và có thể thay đổi tùy thuộc vào nguồn.

Kevin Warwick được cấy ghép lần đầu tiên vào năm 1998 - một con chip nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) đơn giản được đặt dưới da ở cánh tay. Máy tính trong phòng thí nghiệm của anh ở Trường Đại học Reading được kết nối với ăng-ten phát hiện sóng vô tuyến do chip truyền đi để máy tính có thể theo dõi và thực hiện các nhiệm vụ cho Warwick khi anh đến gần, chẳng hạn như tự động mở cửa điện tử.

Nhưng anh cho rằng, chính bộ phận cấy ghép năm 2002 đã mang lại cho anh biệt danh “cyborg”, bởi vì bộ phận cấy ghép được tích hợp vào hệ thống thần kinh của cơ thể anh và mở rộng khả năng sinh học của con người. Mô sợi phát triển xung quanh mô cấy, cố định nó vào vị trí bên trong cánh tay của anh. Điều này có nghĩa là mô đã chấp nhận thiết bị cấy vào cơ thể.

Điều khiển bàn tay robot chỉ là một trong số những thí nghiệm mà Warwick đã thực hiện khi sống với thiết bị cấy ghép trong khoảng ba tháng. Anh có thể cảm nhận sóng âm như loài dơi bằng cách kết nối thiết bị cấy ghép của mình với một chiếc mũ bóng chày gắn các cảm biến siêu âm. Các cảm biến gửi tín hiệu vào hệ thống thần kinh của anh dưới dạng xung, tần số này thường xuyên hơn khi các vật thể khác nhau di chuyển đến gần anh ấy.

“Khoảnh khắc Eureka” lớn nhất của Warwick là khi anh kết nối hệ thống thần kinh của mình với hệ thống thần kinh của vợ mình, Irena Warwick, sau khi cô được cấy ghép tương tự. Anh không thể nhìn thấy cô đang làm gì, nhưng khi cô mở và đóng bàn tay của mình, anh có thể cảm nhận được điều đó. Giống như cánh tay robot, Warwick nhận được xung trong hệ thống thần kinh của mình để nhận biết Irena đang làm gì.

Vợ chồng Warwick không phải là những người duy nhất có vị trí nổi bật trong lịch sử cyborg. Neil Harbisson trở thành cyborg đầu tiên trên thế giới, được chính phủ công nhận vào năm 2004 sau khi chính phủ Anh cho phép anh đeo ăng-ten, thứ cho phép anh “nghe thấy” màu sắc trong bức ảnh hộ chiếu. Harbisson là một nghệ sĩ và nhà hoạt động cyborg bị mù màu bẩm sinh.

Kevin Warwick không có khuyết tật cơ thể nào để nâng cấp cơ thể mình bằng công nghệ. Anh không khẳng định sẽ ngừng cấy ghép nhưng tỏ ra thất vọng với tiến bộ khoa học chậm chạp của con người về cyborg kể từ thời điểm anh thực hiện thí nghiệm.

Theo Kevin Warwick, các thí nghiệm về cyborg của anh không bắt mắt về mặt học thuật, và công trình này chưa bao giờ được các đồng nghiệp của anh chấp nhận hoàn toàn. Anh từng mong đợi có nhiều người được cấy ghép vào não có thể giao tiếp chỉ bằng cách suy nghĩ với nhau.

Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ