Ai đang “làm khó” điện năng lượng mặt trời?

GD&TĐ - Hưởng ứng chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25.11.2015, hàng trăm doanh nhân đã “hăm hở” lao vào đầu tư các dự án nhà máy điện mặt trời với niềm tin sẽ cung cấp nguồn năng lượng sạch cho lưới điện quốc gia. Niềm vui chưa tới thì hàng loạt "rào cản" đang làm khó việc phát triển các dự án nhà máy điện mặt trời.

Nhà máy Điện mặt trời
Nhà máy Điện mặt trời

Bùng nổ dự án điện mặt trời

Hưởng ứng chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ, các doanh nhân đã ồ ạt đầu tư phát triển hàng loạt dự án điện mặt trời với quy mô lớn.

Thống kê cho đến ngày 15.5.2018, Bộ Công thương đã nhận được 272 dự án nhà máy điện mặt trời với tổng công suất lên tới khoảng 17.500 Mw bổ sung vào Quy hoạch điện VII, (tương đương công suất của 9 nhà máy thủy điện Hòa Bình, hoặc 7 nhà máy thủy điện Sơn La), trong đó có 6.210 Mw đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương phê duyệt vào quy hoạch.

Có thể khẳng định, các dự án điện năng lượng mặt trời nếu được triển khai sẽ là nguồn năng lượng bổ sung kịp thời cho Quy hoạch phát triển ngành điện, khi mà hàng loạt dự án nguồn nhiệt điện hiện đang chậm tiến độ, đồng thời việc phát triển nguồn nhiệt điện than, khí đốt đang ngày càng khó khăn do yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường đang dẫn tới khả năng thiếu điện cho hệ thống điện miền Nam.

Nguồn cung từ các dự án điện mặt trời với công suất khổng lồ nêu trên sẽ là giải pháp phù hợp, khi mà ngành điện đang phải tìm mọi cách bổ sung các nguồn điện mới để đảm bảo cung ứng đủ điện năng cho toàn quốc.

Được biết, nguồn cung điện dồi dào từ các dự án điện mặt trời đang còn được các chuyên gia xem xét đề xuất phát triển để thay thế cho các dự án nhà máy điện hạt nhân, khi mà Việt Nam đã dừng đầu tư các dự án điện hạt nhân tới giai đoạn năm 2030.

Về hiệu quả của điện mặt trời, ngoài việc không gây ô nhiễm môi trường, không hủy hoạt thiên nhiên như các dự án nhiệt điện, thủy điện… các chủ đầu tư đã cho PV Báo GD&ĐT biết rằng: Điện mặt trời rất phù hợp ở những khu vực đất đai cằn cỗi, khô hạn và có bức xạ cao.

Nếu tính về hiệu quả sử dụng tài nguyên đất thì mỗi Mwp điện mặt trời sẽ bao chiếm tối đa 1,2 ha đất ở những nơi ít có khả năng trồng trọt và phát triển nông nghiệp do bức xạ mặt trời cao, khô hạn. Nếu đầu tư cho dự án điện mặt trời trên diện tích này, sẽ tạo được doanh thu trên 3 tỷ đồng/năm và đóng góp ngân sách riêng thuế VAT đã trên 300 triệu đồng. Đây chính là nguồn lợi lớn nên đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, và lý giải vì sao các dự án điện mặt trời “bùng nổ” với một tốc độ khẩn trương.

Nhà máy điện mặt trời thường được đặt trên những vùng khô cằn, nắng gắt, nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao
 Nhà máy điện mặt trời thường được đặt trên những vùng khô cằn, nắng gắt, nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao

Hàng loạt “rào cản” đang ngăn điện mặt trời  

Trong lúc các nhà đầu tư và các địa phương đang ồ ạt chọn hướng phát triển năng lượng sạch thông qua các dự án đầu tư nhà máy điện mặt trời, thì cũng chính là lúc họ vướng phải hàng loạt “rào cản” không dễ vượt qua.

Làn sóng đầu tư phát triển nhà máy điện mặt trời chính thức “bùng nổ” từ sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11.4.2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

Sức hấp dẫn của quyết định này đã nhanh chóng lan toả, thu hút sự quan tâm nhạy bén của giới doanh nhân. Do đó, mới chỉ hơn 1 năm mà đã có 272 dự án với hơn 17.000 Mw được đề nghị bổ sung vào quy hoạch, vượt xa mọi dự đoán của các nhà hoạch định chính sách phát triển năng lượng.

Tuy nhiên, việc các cơ quan quản lý đặt ra quy định thời hạn hoàn thành nhà máy trước 30.6.2019 để được hưởng cơ chế ưu đãi đang làm khó các nhà đầu tư.  

Được biết, Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 01.6.2017, nhưng phải đến tháng 9/2017 mới có Thông tư hướng dẫn, làm cho nhà đầu tư chỉ còn có 21 tháng để thực hiện vô số thủ tục thực hiện dự án: bổ sung quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất, thủ tục đầu tư, thủ tục xây dựng, thủ tục đấu nối vào lưới điện, thoả thuận mua bán điện (vốn vô cùng phức tạp), chưa kể thủ tục giải phóng mặt bằng, lắp đặt máy móc thiết bị… đang là “hàng rào” ngăn mọi nỗ lực của các nhà đầu tư vào các dự án điện mặt trời.

Chưa hết, khi nhà đầu tư đã lo đủ thủ tục, tiến hành xây dựng thì thủ tục hoà điện lên lưới điện quốc gia, cấp giấy phép hoạt động điện lực lại đang là nỗi lo lắng của các chủ dự án.

Theo thông báo của Bộ Công thương, từ nay cho đến năm 2025 các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận lưới điện khu vực không còn khả năng truyền tải thêm công suất. Còn các tỉnh Đắk Lắk, Phú Yên do lưới điện yếu nên khả năng tiếp nhận nguồn điện từ các nhà máy điện mặt trời là rất khó khăn. Điều đó cũng có nghĩa là tại khu vực này, các nhà máy sản xuất ra điện nhưng không thể đưa được sản phẩm lên lưới điện quốc gia. Do đó, sản xuất ra điện nhưng các dự án điện mặt trời không tiêu thụ được sản phẩm nếu ngành điện không đầu tư, nâng cấp hệ thống truyền tải điện. Trao đổi với PV Báo GD&TĐ, không ít nhà đầu tư “ngao ngán” thốt lên: “sản xuất ra sản phẩm mà không bán được thì việc đầu tư là… vô ích”.

Điều đang làm cho các chủ dự án hết sức lo lắng là mới đây, ngày 10.5.2018 Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc dừng thẩm định các dự án điện mặt trời ngoài Quy hoạch điện VII.

Cụ thể, trong tổng số 272 dự án điện mặt trời mà Bộ Công thương đã tiếp nhận, mới chỉ có hơn 70 dự án đã được Bộ Công thương phê duyệt, bổ sung sẽ đưa vào vận hành trước tháng 6.2019 đã có tổng công suất lên tới trên 3000Mw. Với lý do tổng quy mô công suất được phê duyệt bổ sung nói trên đã vượt hơn nhiều so với quy mô phát triển điện mặt trời dự kiến đến năm 2020 trong quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, do đó việc xem xét bổ sung các dự án điện mặt trời cần được xem xét tổng thể, bảo đảm sự phù hợp về yêu cầu cung cầu điện, khả năng đấu nối… Điều này cũng có nghĩa rằng, sẽ có khoảng 200 dự án nhà máy điện mặt trời chưa được xem xét, cho thực hiện

Thông báo số 174/TB-VPCP thực sự là một cú sốc lớn đối với các doanh nhân, bởi họ đầu tư vào dự án điện mặt trời theo sự kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ. Nay, với thông báo số 174/TB-VPCP, hoạt động đầu tư của cả 200 chủ dự án bị dừng lại đột ngột, điều này có thể làm cho những doanh nhân này sẽ mất tất cả những gì mà họ đã làm cho những dự án điện mặt trời.

Sẽ có rất nhiều lý do từ phía cơ quan quản lý nhà nước cũng như của Tập đoàn Điện lực Việt Nam để “bao biện” cho việc phải dừng thẩm định hàng trăm dự án điện mặt trời nêu trên. Chỉ có giới doanh nhân sẽ phải chịu khốn khổ khi lãnh nhận hậu quả của việc hưởng ứng cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11.4.2017, và lưới điện quốc gia sẽ vẫn chưa tăng được nguồn điện sạch dồi dào từ hệ thông nhà máy điện mặt trời để bảo vệ môi trường. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sắc xanh xe buýt điện VinBus không ngừng nỗ lực “phủ xanh” thành phố (Ảnh: VinBus)

80 tuần Vingroup 'phủ xanh' Việt Nam

GD&TĐ -Quỹ Vì tương lai xanh và các công ty thành viên thuộc hệ sinh thái Vingroup đã triển khai những hành động “phủ xanh” trên khắp dải đất hình chữ S.