Năng lượng tái tạo: Cần có quy hoạch để phát triển

GD&TĐ - Đây là những ý kiến được các chuyên gia đưa ra tại Hội nghị về phát triển thủy điện vừa và nhỏ được Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội mới đây. 

Năng lượng tái tạo: Cần có quy hoạch để phát triển

Theo các chuyên gia, vướng mắc từ quy hoạch tới chi phí đầu tư, giá bán điện… đang là nguyên nhân khiến nhiều dự án điện mặt trời, điện gió và sinh khối chậm tiến độ dù đây được xem là những nguồn năng lượng thay thế nhiệt điện than, khí trong tương lai.

Tiềm năng chưa được khai thác

Mặc dù đã đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, tuy nhiên hiện nay các nguồn năng lượng hoá thạch như than, khí đốt ngày càng cạn kiệt. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho ngành năng lượng khi Chính phủ đề ra mục tiêu cho ngành năng lượng Việt Nam là phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam phải đạt sản lượng điện 265 tỷ kWh và tới năm 2030 đạt 570 tỷ kWh (hiện mới có trên 170 tỷ kWh điện thương phẩm).

Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), để cân đối mục tiêu nêu trên thì cần phải tính toán nhằm khai thác các tiềm năng các nguồn năng lượng trong nước còn có thể khai thác, đồng thời tìm các nguồn điện từ các nước trong khu vực, cung cấp thêm điện cho Việt Nam như: Lào, Campuchia, Trung Quốc… Tuy nhiên, điện mua từ nước ngoài hiện tại không đáng kể, do vậy, nguồn điện từ tài nguyên trong nước cần được đầu tư khai thác. Đó là nguồn thuỷ điện vừa và nhỏ, đặc biệt là năng lượng tái tạo từ gió, điện mặt trời, điện sinh khối.

Bởi hiện nguồn năng lượng mặt trời ở Việt Nam có quanh năm. Với công nghệ hiện đại như bây giờ ở cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 việc sản xuất, chế tạo tua bin gió không quá đắt đỏ như trước, với độ gió 5m/s trở lên, tua bin gió đã tạo ra điện có hiệu quả. Vì vậy, hàng năm có thể tận dụng từ 2.000 giờ - 3.000 giờ để khai thác nguồn điện gió điện mặt trời này. Hơn thế, giá điện mặt trời của Việt Nam vừa được Chính phủ phê duyệt là 2.086 đồng/kWh (tương đương 9,35 cent/kWh), đó là mức giá tốt nhất, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tương tự nguồn tài nguyên gió của Việt Nam cũng dồi dào, với lợi thế bờ biển dài, việc đầu tư các dự án điện gió hết sức thuận lợi. Với chiều dài bờ biển hơn 3.260km, gió biển thổi vào đất liền quanh năm, Việt Nam có thể tận dụng thế mạnh này để phát triển điện gió. Bằng công nghệ hiện đại như ngày nay thì chỉ cần tốc độ gió 5m/s trở lên, tua bin đã có thể phát ra điện. Nếu lắp đặt hệ thống tua bin dọc bờ biển có thể tạo ra hàng ngàn MW điện mỗi năm.

Cần có quy hoạch cụ thể

Cách đây hai năm (năm 2015), Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo nhưng cho đến nay mới có khoảng 100MW điện gió, 15MW điện mặt trời và 10MW điện sinh khối. Đây thực sự là một con số rất nhỏ so với tiềm năng vô tận của nước ta.

Nói về những khó khăn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, các quy hoạch năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng (trừ thuỷ điện nhỏ) mới có quy hoạch theo vùng, khu vực còn quy hoạch dự án chưa có. Trong khi, đây là “đầu vào” để các nhà đầu tư quan tâm khi đã xác định được địa điểm, vị trí tránh bất cập trong các quy hoạch trên cùng địa bàn.

Bên cạnh đó, công suất phát của năng lượng tái tạo không ổn định do bị phụ thuộc vào vận tốc gió, thời điểm nắng trong ngày ở các vùng khác nhau, phụ thuộc vào thời tiết... Chính vì thế, đây là sức ép lớn của EVN trong việc đảm bảo ổn định cho hệ thống điện. Ngoài ra, hệ thống các tiêu chuẩn chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng tái tạo còn thiếu, chưa đồng bộ.

Cùng với đó, quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo cấp tỉnh, cấp quốc gia cần sớm xác lập và đồng bộ với quy hoạch phát triển lưới điện. Bởi sau khi có chủ trương phát triển đã tạo làn sóng đầu tư mạnh nhưng cần quy hoạch, phát triển, xác lập phát triển ở vùng nào, tiềm năng, lợi thế ra sao... để ưu tiên quy hoạch và kêu gọi đầu tư cũng như đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng cho loại năng lượng này.

Các chuyên gia cho rằng, để khai thác tốt nguồn năng lượng tái tạo, Chính phủ cần sớm tổ chức lập quy hoạch cụ thể về phát triển năng lượng tái tạo. Trong việc lập quy hoạch này, cần phải quy tụ được các nhà tư vấn trong nước và các chuyên gia kỹ thuật hàng đầu có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm và lựa chọn tư vấn nước ngoài để hỗ trợ...

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, nhu cầu điện của Việt Nam đến năm 2020 phải đạt 265 tỷ kWh và năm 2030 là 570 tỷ kWh (cao gấp ba lần hiện nay). Trong khi đó, nguồn cung điện của Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào nhiệt điện than, khí nhưng hiện tại, các nguồn năng lượng hóa thạch như than, khí đang suy giảm, cạn kiệt cho nên cần ưu tiên phát triển hệ thống năng lượng tái tạo để bổ sung nguồn điện thiếu hụt này...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...