Đụng độ ở bán kết?
Bóng đá Singapore từng là thế lực đáng gờm của khu vực Đông Nam Á. Đội bóng Quốc đảo sư tử đã đi đầu trong phong trào sử dụng cầu thủ nhập tịch. Bước đột phá ấy đã giúp Singapore giành 4 chức vô địch khu vực (Tiger Cup, hiện gọi là AFF Cup), trong khi Việt Nam mới 2 lần, Malaysia 1 hay Indonesia chưa được bước lên đỉnh cao dù nhiều lần lọt vào trận chung kết.
Thái Lan chính là đội tuyển thành công nhất tại sân chơi này với năm lần lên ngôi. Nhưng gần 10 năm qua, xu thế sử dụng cầu thủ nhập tịch của Singapore có lẽ đã lỗi thời. Sau chức vô địch AFF Cup 2012, đội bóng quốc đảo Sư tử đều phải dừng bước ngay từ vòng bảng tại ba giải năm 2014, 2016 và 2018.
Sau thời gian dài chìm trong khó khăn, và cả sự “hỗn loạn” về chiến lược phát triển, Liên đoàn Bóng đá Singapore đã bổ nhiệm chiến lược gia người Nhật Bản Tatsuma Yoshida dẫn dắt đội tuyển quốc gia. Trước khi trở thành huấn luyện viên, ông Tatsuma Yoshida từng chơi nhiều năm cho Kashiwa Reysol, Kyoto Sanga và Montedio Yamagata (đều của Nhật Bản).
Ngoài ra, thời gian còn thi đấu, ông cũng có một mùa giải chơi tại Singapore với vai trò tiền vệ của Jurong FC. Tatsuma Yoshida được đánh giá là người hiểu lối chơi của các cầu thủ Singapore, có mối quan hệ tốt với các câu lạc bộ bóng đá nước này.
Tuy không còn chú trọng đến nguồn cầu thủ nhập tịch như 10 năm trước, song đội bóng quốc đảo Sư tử vẫn coi đây là một trong những nguồn cung cấp chất lượng. Mới đây, Singapore đã tiến hành nhập tịch tiền vệ Song Ui-yong, cầu thủ đang chơi cho câu lạc bộ Lion City Sailors của giải nhà nghề Singapore.
Thành tích của Song Ui-yong gần đây rất ấn tượng khi ghi 20 bàn sau 27 trận ở mùa giải 2018 và 11 bàn sau 25 trận ở mùa giải 2019, nên cầu thủ này hứa hẹn sẽ là một nhân tố quan trọng giúp củng cố đội tuyển Singapore.
Ở mùa này, tiền vệ gốc Hàn Quốc cũng đã ghi 9 bàn sau 11 trận, và chắc chắn sẽ có tên trong đội hình tham dự AFF Cup 2020 và vòng loại ASIAN Cup 2023 vào đầu năm 2022.
Đội tuyển Singapore dưới thời huấn luyện viên Tatsuma Yoshida đang dựa nhiều vào 3 anh em ruột Irfan, Ikhsan và Ilhan Fandi Ahmad, đều là con trai của huyền thoại bóng đá Singapore Fandi Ahmad.
Trong đó, đội trưởng Irfan từng đá tiền đạo nhưng giờ đây trở thành thủ lĩnh hàng phòng ngự. Cậu út Ilhan Fandi Ahmad 18 tuổi mới lần đầu tham gia đội tuyển tại vòng loại World Cup 2022. Thầy trò huấn luyện viên Tatsuma Yoshida thua 4, hòa 1 trong 5 trận gần đây.
Và theo lịch thi đấu, đội tuyển Singapore sẽ gặp Thái Lan vào lượt trận cuối của vòng bảng AFF Cup, trận đấu này nhiều khả năng sẽ định đoạt đối thủ của đội tuyển Việt Nam ở bán kết. Khả năng cao đối thủ của ông Park và các học trò sẽ là đội bóng quốc đảo Sư tử.
Sự trỗi dậy của thế lực cũ
Cơn “khủng hoảng” kéo dài hơn 3 năm qua của bóng đá Thái Lan có lẽ là bước dừng tất yếu trong hành trình của bất cứ nền bóng đá, câu lạc bộ nào trên thế giới. Người Thái đã phải trả nhiều cái giá quá đắt cho sự ảo tưởng, coi nhẹ tinh thần quốc gia bằng những thất bại đau đớn ngay tại những sân chơi họ thống trị trong nhiều năm như AFF Cup, hay SEA Games.
Ngay cả tại giải trẻ, các đội tuyển Thái Lan giờ đây cũng dễ dàng thất bại, thậm chí thua đậm ngay từ vòng bảng, trước những đội bóng hạng trung khu vực. Điều đó cho thấy bài toán lực lượng kế cận, sự chuyển giao luôn đóng vai trò sống còn cho bất cứ đội bóng nào.
Nhưng, việc có tới 5 chức vô địch, 3 ngôi Á quân sau 12 lần tổ chức AFF Cup thì Thái Lan vẫn cứ là tượng đài của bóng đá Đông Nam Á. Giải vô địch quốc gia chuyên nghiệp Thái Lan, nền móng của đội tuyển quốc gia đã đứng vững trong đại dịch, thậm chí giá trị hợp đồng thương mại còn lên đến hàng tỷ baht (cả nghìn tỷ đồng/mùa giải).
Trong thành phần đội tuyển Thái Lan có nhiều cầu thủ đang thi đấu cho các câu lạc bộ Nhật Bản và hạng trung của sân cỏ châu Âu. Thế nên, những thất bại vừa qua của đội tuyển mang danh “Voi chiến” có lẽ chỉ mang tính tạm thời.
Sau khi sa thải ông người Nhật Nishino, Liên đoàn Bóng đá Thái Lan đã lập tức mời ông Alexandre Polking - huấn luyện viên của câu lạc bộ TPHCM ngồi ghế nóng. Nhà cầm quân mang hai dòng máu Brazil và Đức được đánh giá là am hiểu cả bóng đá Thái Lan lẫn Việt Nam, là đối thủ xứng tầm huấn luyện viên Park Hang Seo.
Huấn luyện viên Alexandre Polking theo đuổi trường phái bóng đá hiện đại, ưu tiên cho việc tạo hệ thống phòng ngự chắc chắn rồi dồn ép đối thủ, ghi bàn. Vô địch AFF Cup 2020 là 1 trong những mục tiêu quan trọng của Alexandre Polking. Sau thất bại ở vòng loại World Cup 2022, bóng đá xứ chùa Vàng rất khát khao đòi lại ngôi vương bóng đá Đông Nam Á.
Đáng chú ý, đến AFF Cup 2020, “Voi chiến” sẽ có đội hình rất mạnh, trong đó có sự góp mặt của 6 nhân tố nổi bật đang thi đấu ở nước ngoài bao gồm tiền đạo Chanathip Songkrasin (Consadole Sapporo), hậu vệ Theerathon Bunmathan (Yokohama F. Marinos), hậu vệ Sasalak Haiprakhon (Jeonbuk Hyundai Motors), thủ môn Kawin Thamsatchanan (OH Leuven), tiền vệ Thanawat Suengchitthawon (Leicester City) và hậu vệ Jonathan Khemdee (Odense Boldklub).
Hai tài năng trẻ Benjamin James Davis (Oxford United) và Nicholas Mickelson (Odense Boldklub) không thể có mặt, song ông Polking vẫn có đầy đủ những gương mặt sáng giá nhất đang thi đấu ở giải quốc nội.
Gánh nặng của ông Park
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam lựa chọn TP Vũng Tàu làm địa điểm tập huấn cho đội tuyển Việt Nam trước thềm AFF Cup bởi thời tiết nơi đây khá tương đồng với Singapore.
Đội tuyển Việt Nam chỉ có 2 tuần chuẩn bị cho AFF Cup 2020. Đây là giải đấu mà thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo ở vị thế là đương kim vô địch và mục tiêu bảo vệ thành công danh hiệu này.
Nhưng lúc này, không dễ cho những “chiến binh sao vàng” có thể tái hiện thành tích như giải đấu năm 2018. 6 trận thua liên tiếp ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022, 7 trận kể cả thất bại trước UAE ở lượt cuối vòng 2 đã khiến các cầu thủ Việt Nam mất đi sự tự tin vốn có, trạng thái tâm lý dễ hiểu của một đội bóng đối diện với quá nhiều thất bại và sức ép có điểm.
6 trận đấu ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022, đội tuyển Việt Nam đã bung tất cả những gì tốt nhất, thậm chí về tinh thần nhiều thời điểm các tuyển thủ chơi với hơn 100% tinh thần để giành điểm.
Nhưng thất bại vẫn cứ “cuồn cuộn” đổ về huấn luyện viên Park Hang Seo và các học trò, bởi các đối thủ đều trên cơ so với đội tuyển Việt Nam. Sự tiến bộ trong lối chơi, hay những thất bại tối thiểu trước những đối thủ hàng đầu châu lục như Nhật Bản, Saudi Arabia đều không khỏa lấp được sự kỳ vọng và sức ép, bao giờ đội tuyển có điểm như Thái Lan ở vòng loại thứ 3 World Cup 2018.
Vấn đề còn ở chỗ, những thông tin về lực lượng, “đòn trong tay áo” của đội tuyển Việt Nam đã được các đối thủ ở Đông Nam Á nắm rất rõ. Điều đó đặt ra đòi hỏi ông Park phải làm mới đội tuyển.
Nhưng làm mới về mặt con người, đưa nhiều tuyển thủ U23 lên đội tuyển không thu được nhiều kết quả như mong đợi. Một vài thử nghiệm gần như thất bại. Nhân tài lứa U23 như “lá mùa thu”.
Đội hình này đá SEA Games vào năm 2022 còn rất đáng lo. Những thay đổi về chiến thuật liệu có kịp khi quỹ thời gian của huấn luyện Park Hang Seo không có nhiều. Đấy là chưa kể hàng loạt trụ cột vẫn đang chấn thương ở những mức độ khác nhau.
“Chúng tôi đang phải gánh chịu những sức ép nhất định nhưng nếu cứ để sức ép đó hành hạ thì sao bước tiếp được. Dù có thế nào đi chăng nữa, cũng không nên để chữ thất vọng, tuyệt vọng làm ảnh hưởng đến tương lai.
Đúng, chúng tôi sẽ phải tự giải tỏa tâm lý cho chính mình. Trước mắt, toàn đội sẽ quên đi những trận thua này, lấy lại tinh thần và cố gắng thi đấu thật tốt để giành được kết quả tốt nhất tại AFF Cup”, tiền đạo Nguyễn Công Phượng từng chia sẻ.
Tại vòng loại World Cup thứ 2, đội tuyển Việt Nam đã chạm trán với 3 đối thủ cùng khu vực Đông Nam Á là: Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Trong số này, thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo thắng dễ Indonesia cả hai trận, thế nhưng chúng ta gặp rất nhiều khó khăn trong 2 trận thắng Malaysia ở cả hai lượt trận.
Đây đều là hai đối thủ nằm cùng bảng đấu với đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2020. Ngoài ra, nếu đi tiếp vào bán kết, hoặc chung kết, chúng ta nhiều khả năng sẽ đối đầu với Thái Lan. Đội bóng xứ chùa Vàng là đối thủ mà đội tuyển Việt Nam đã hòa trong thế… suýt thua ở cả hai lượt trận vòng loại thứ 2 World Cup 2022.
Đội tuyển Việt Nam đang chinh chiến tại vòng loại tranh vé trực tiếp đi Qatar. Nhưng AFF Cup 2020, giải đấu không có tên trong hệ thống thi đấu chính thức của Liên đoàn Bóng đá thế giới và châu Á chắc chắn sẽ là một thử thách cam go cho ông Park và các học trò.
Bóng đá Việt Nam đang đứng đầu khu vực, sau chức vô địch AFF Cup 2018 và HCV SEA Games 2019, chúng ta cũng có những bước tiến lớn về mặt chuyên môn khi giành được nhiều thành tích ấn tượng ở các giải đấu châu lục. Tuy nhiên, ở từng trận đấu của giải đấu cụ thể, kết quả phụ thuộc vào điểm rơi phong độ, toan tính chiến lược và cả may mắn.
“Bước vào AFF Cup 2020, đội tuyển Việt Nam có thể trưởng thành về chuyên môn, nhưng thái độ thi đấu cũng là điều rất quan trọng. Nếu chúng ta coi các đối thủ đều là những đội bóng mạnh, thi đấu mang tính tập trung cao thì mới phát huy được khả năng của mình.
Nhưng nếu thái độ thi đấu coi thường đối thủ, thi đấu chậm chạp thì khả năng phát huy sẽ bị giảm đi, lãng phí khoảng thời gian rèn luyện trước đó” - chuyên gia Phan Anh Tú phân tích.