“A Phủ” về với ngàn mây

GD&TĐ - NSND Trần Phương – người đóng vai A Phủ trong phim “Vợ chồng A Phủ” cùng nhiều vai diễn nổi tiếng khác đã in những dấu ấn không thể mờ phai trong tâm trí khán giả điện ảnh.

A Phủ qua thể hiện của nghệ sĩ Trần Phương được đánh giá là vai diễn kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Ảnh: ITN
A Phủ qua thể hiện của nghệ sĩ Trần Phương được đánh giá là vai diễn kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Ảnh: ITN

Tin NSND Trần Phương – “chàng A Phủ” qua đời, mà theo cách nói của ông lúc sinh thời là “về với ngàn mây” đã khiến bạn bè, văn nghệ sĩ và đông đảo khán giả thương nhớ.

Vai diễn kinh điển

Nghệ sĩ Trần Phương sinh năm 1930 tại Thái Nguyên. Ông từng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, học viết văn, chèo, tham gia đóng kịch trong quân đội. Năm 1955, ông trở thành một trong những diễn viên chính của Xưởng Phim truyện Việt Nam khi tròn 25 tuổi. Bộ phim đầu tiên ông tham gia, đóng vai A Phủ trong bộ phim Vợ chồng A Phủ được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Tô Hoài.

A Phủ vai diễn được giới điện ảnh đánh giá là kinh điển của Trần Phương. Tuy nhiên, ít ai biết để có được thành công trong một vai diễn cá tính và mang nét đặc trưng đại diện cho tinh thần núi rừng Tây Bắc, nghệ sĩ Trần Phương đã phải vất vả cực nhọc, thậm chí phải đánh đổi bằng máu và nước mắt.

Vào năm 2012, khi đó nghệ sĩ Trần Phương tròn 80 tuổi có gặp gỡ đông đảo bạn bè văn nghệ sĩ và kể những câu chuyện xoay quanh vai diễn để đời này. Ông kể rằng, trước khi bộ phim được khởi quay vì muốn thực tế cuộc sống Tây Bắc để có thêm kinh nghiệm diễn xuất, Trần Phương cùng một số đồng nghiệp đã sống cùng bà con dân bản.

Khi đó, nhà văn Nguyễn Tuân đang đi thâm nhập viết tùy bút về Đà Giang. Biết Trần Phương sẽ đóng vai A Phủ, Nguyễn Tuân hỏi: “Cậu biết thế nào về thằng A Phủ?”. Trần Phương trả lời rằng, A Phủ là thanh niên người Mông bị áp bức rồi vùng lên đấu tranh, theo đúng mô tả trong truyện và kịch bản. Nguyễn Tuân phì cười, nói: “Cậu đếch hiểu gì về A Phủ. Thằng A Phủ nó cưỡi ngựa rất giỏi. Cậu làm được như thế mới có thể đóng được vai này”.

“Xem phim “Vợ chồng A Phủ”, công chúng thấy một A Phủ đặc trưng của tinh thần Tây Bắc. Thật khó có diễn viên nào có thể nhập vai diễn xuất và thể hiện thành công được bằng Trần Phương. Chỉ có một tình yêu mãnh liệt, đam mê đến tột cùng mới làm được điều đó – và NSND Trần Phương là một tấm gương sống, tấm gương lao động hết mình”. - NSƯT Ca Lê Hồng.

Vậy là nghệ sĩ Trần Phương đã phải học cách chăn bò, cưỡi ngựa của người Tà Sùa. Vết sẹo to và dài ở đầu ông là do bị thương khi học cưỡi ngựa. Đó là lần trước khi quay, đoàn phim mua một con ngựa đực, lông xám để Trần Phương tập cưỡi. Ngựa của người Mông không có yên cương, mỗi lần trèo lên, ông thường bị ngựa hẩy xuống. Bị thương nặng ở đầu, máu chảy ướt tóc nhưng ông không bỏ cuộc. Sau cả tháng trời, ông có thể cưỡi ngựa như trai bản.

“Họ cưỡi ngựa quanh năm mà không cần cương. Mình không quen với cách đó nên cơ thể cứ thương tích suốt, mấy lần suýt bị què chân. Nhưng khi bộ phim hoàn thành thì mình cũng kịp trở thành một tay “cao bồi” cừ khôi không kém người Mông”, NSND Trần Phương chia sẻ.

Ba tháng ròng rã sống chung cùng gia đình anh hùng quân đội Sùng Phai Sình trên núi cao, cả Trần Phương và Đức Hoàn (người vào vai Mị lúc bấy giờ) gần như đã trở thành người Mông thực thụ.

Theo lời kể của Trần Phương, bộ phim Vợ chồng A Phủ thực hiện trong hơn một năm trời ròng rã. Ngày đóng máy, đoàn làm phim đã có cuộc chia tay rất xúc động với bản làng. Ai nấy đều lưu luyến như thể người trong một nhà phải rời xa lâu năm.

Sau sáu thập kỷ kể từ ngày phim lên sóng, cho đến bây giờ nhắc đến Trần Phương là người yêu điện ảnh nhắc tới A Phủ. Thậm chí, bạn bè ít khi gọi tên ông mà chỉ gọi là A Phủ. Điều đó chứng tỏ, con người ông với chỉ một vai diễn đã đủ để đời, đủ “đóng đinh” tên tuổi vào nền điện ảnh cách mạng, đủ để công chúng nhớ mãi một tâm hồn và tinh thần Tây Bắc.

NSND Trần Phương – người đóng vai A Phủ. Ảnh: ITN
NSND Trần Phương – người đóng vai A Phủ. Ảnh: ITN

Dành trọn đời cho điện ảnh

Sau bộ phim Vợ chồng A Phủ, nghệ sĩ Trần Phương tiếp tục tham gia những bộ phim nổi tiếng khác, như: Chị Tư Hậu (1962), Tiền tuyến gọi (1969), Biển gọi (1967), Ngày lễ Thánh, Vợ chồng anh Lực.

Sau nhiều vai diễn thành công, trở thành diễn viên gạo cội, nghệ sĩ Trần Phương quyết định chuyển sang làm đạo diễn phim. Ông đã từng đạo diễn các bộ phim gây được tiếng vang, như: Mưa rơi trên thành phố, Dưới chân núi trắng.

Riêng bộ phim “Tội lỗi cuối cùng” đã gây nên một cơn sốt vé chưa từng có trong các rạp chiếu ở Việt Nam vào năm 1980. Thành công của bộ phim đem về cho Trần Phương giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V.

Sau bộ phim nổi tiếng đó, Trần Phương tiếp tục cho ra mắt những bộ phim khác như: Hi vọng cuối cùng (1981), Đứng trước biển (1985), Hoàng Hoa Thám (1987), Dòng sông hoa trắng (1989)...

Thập niên 1990, Trần Phương từng làm nhiều bộ phim đem về doanh thu cao như: Vụ án Hồ Con Rùa, Dòng thác, SBC (Săn bắt cướp), Thủ môn từ trên trời rơi xuống, Tình ngỡ đã phôi phai, Vệt sáng ngược, Hai năm nữa anh về...

Năm 2001, đạo diễn Trần Phương được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Năm 2007, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các phim: Hi vọng cuối cùng, Tội lỗi cuối cùng, Dòng sông hoa trắng.

“Rồi đây tất cả chúng ta sẽ “về với ngàn mây”, về với tiên tổ. Nhưng những gì chúng ta làm được, chưa làm được thì lớp hậu sinh sẽ nhớ và nhớ mãi”, nghệ sĩ Trần Phương nói nhân tuổi 80. Vậy là hôm nay, ở tuổi 90, NSND Trần Phương đã ra đi “về với ngàn mây” Tây Bắc, ngàn mây miền cực lạc. Ê - kíp “Vợ chồng A Phủ” dần hội tụ nhau, ở bên kia thế giới Trần Phương cùng đạo diễn Mai Lộc, Đức Hoàn, Trịnh Thịnh…thoải bước trên những ngọn đồi, trên những ngọn núi đá tai mèo và cưỡi ngựa như một thời khoẻ khoắn với chàng A Phủ.

Bà Trần Phương Thủy, con gái nghệ sĩ Trần Phương cho biết, Công ty Cổ phần Phim truyện 1 cùng gia đình sẽ tổ chức lễ viếng NSND Trần Phương từ 14 giờ 30 phút đến 15 giờ 30  phút ngày 30/8 tại Nhà tang lễ thành phố (số 125 Phùng Hưng - Hà Nội).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.