Ngày 26/7, tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội) diễn ra Triển lãm "Rối nước: Sắc màu sau mành sáo". Triển lãm trưng bày nhiều tượng Rối đã từng biểu diễn trong các chương trình của Nhà hát múa rối Trung ương.
Đặc biệt, hai tác giả Nam Dương - Cựu học sinh chuyên Sử trường THPT Hà Nội - Amsterdam, Hà Phương - Du học sinh trường John Bapst và các cựu học sinh THPT Hà Nội - Amsterdam đã mang đến góc nhìn, cảm nhận về rối nước bằng hội họa; giới thiệu các công đoạn tạo hình, thổi hồn và biểu diễn rối nước qua các bức ảnh, câu chuyện của nghệ nhân làm rối nước.
Dùng hội họa để thể hiện rối nước, Hà Phương cho hay chủ yếu khai thác hình ảnh chú Tễu và cô Tiên. Đây là hai nhân vật gần gũi, điển hình trong nghệ thuật rối nước được mọi người ấn tượng nhất. Triển lãm có 9 tác phẩm vẽ trên đồ gốm sứ và một số tác phẩm vẽ trên chất liệu giấy dó, tranh sơn mài.
Còn Nam Dương và các thành viên trong nhóm đã tiếp cận với các nghệ nhân làm rối nước, các nghệ sĩ biểu diễn rối nước để ghi nhận những câu chuyện, hình ảnh việc làm rối nước.
Không chỉ giới thiệu về nghệ thuật rối nước – loại hình văn hóa dân gian đậm chất nhân văn của nền văn minh lúa nước Đồng bằng Bắc bộ Việt Nam, các bạn trẻ muốn gửi tới thông điệp sau bức mành sáo của sân khấu lộng lẫy thường là những giọt mồ hôi và sự đam mê của các nghệ sĩ và nghệ nhân.
Thêm nữa, hai tác giả chính còn mong muốn giới thiệu, quảng bá rộng hơn nữa rối nước tới bạn bè quốc tế. Được biết, Nam Dương và Hà Phương đã và sắp sang du học tại Mỹ.
Nam Dương chia sẻ: “Để các bạn trẻ nước ngoài hiểu hơn về nghệ thuật Rối nước, mình dự định sẽ trưng bày nhiều hình ảnh, thông tin về quá trình tạo rối nước từ khúc gỗ cho đến lúc biểu diễn sinh động trên sân khấu”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá cao thái độ tiếp cận và ý thức quảng bá di sản của các bạn trẻ. |
Tham dự Triển lãm, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng cách tiếp cận của các bạn trẻ làm triển lãm đang là tìm tòi và muốn giới thiệu nghệ thuật.
Tuy nhiên, không nên đòi hỏi hơn những người trẻ khi đề cập tới vấn đề đã lâu, có nhiều triển lãm và nhiều góc trưng bày tại các bảo tàng. "Cách đề cập tuy rất tài tử, nhưng tính chuyên nghiệp cao khi có ý thức trang bị kiến thức, kỹ năng để quảng bá di sản".
Triển lãm giống như cuộc sinh hoạt gia đình, xã hội. Bố mẹ ông bà hưởng ứng hỗ trợ điều kiện làm việc, bạn bè hỗ trợ các phương diện, Bảo tàng.. trần trọng để trưng bày. Đó là đặc sắc của triển lãm này.
Một góc trưng bày tại triển lãm với các hình ảnh, thông tin giới thiệu chế tạo tượng Rối |
Các tác phẩm hội họa thể hiện nhân vật trong nghệ thuật Rối nước trên gốm Bát Tràng |
Tượng chú Tễu giới thiệu trong triển lãm |
Nhân vật Cô Tiên được thể hiện bằng tranh sơn mài và tượng rối bằng gỗ |
Tác giả giới thiệu cho khách tham quan triển lãm |