Tại sao những chiếc khuy trên phần thân áo thì nằm dọc, còn chiếc khuy duy nhất trên cổ áo lại nằm ngang?
Đây hoàn toàn không phải nhầm lẫn của nhà sản xuất, mà ngược lại, nó là một sự tính toán thể hiện sự tinh tế sâu sắc của những nhà may mặc. Chi tiết này cũng chính là điểm mấu chốt giúp chúng ta phân biệt những chiếc áo sơ mi đạt tiêu chuẩn và những chiếc kém chất lượng.
Những chiếc khuy ngang thường được trang trí bằng cách nhấn nhá thêm chỉ dày, dai hoặc chỉ màu khác. Thực tế, những khuy ngang này sẽ giúp cúc áo có thể chịu được nhiều lực từ các hoạt động, thậm chí lực giằng và kéo tốt hơn những khuy dọc, mà không làm biến dạng chiếc lỗ cài.
Ngoài chiếc khuy ngang ở cổ áo thì chiếc khuy cuối cùng ở phần thân áo cũng là khuy ngang. Điều này hết sức hợp lý, vì sau mỗi bữa ăn no, phần áo ngang bụng sẽ chịu rất nhiều áp lực. Nếu ở vị trí này là một chiếc khuy dọc, chiếc khuy áo khi đó rất dễ bị giãn, bị rách, vì thế đặt một chiếc khuy ngang ở nơi đây không chỉ giúp giữ được hình dáng ban đầu của khuy áo, mà nó còn giúp giữ chiếc cúc chặt hơn dù phải chịu áp lực lớn. Bạn cũng có thể nhận thấy những chiếc áo vest, quần dài hay áo khoác cũng thiết kế khuy ngang vì những vật dụng này thường phải chịu căng kéo nhiều hơn áo sơ mi.
Không chỉ vậy, các nhà sản xuất còn có một dụng ý khác khi thiết kế các khuy ngang. Phần khuy ngang ở cổ sẽ giữ cổ áo được đứng dáng, không dễ đổ trong khi phần khuy ngang dưới cùng giúp cúc áo không bị xê dịch nhiều, giúp vạt áo thẳng hơn.
Tuy chiếc khuy áo và cúc áo luôn đi đôi với nhau, nhưng thời điểm phát minh ra chúng lại cách nhau tới cả nghìn năm. Thời xưa, người Hy Lạp và La Mã cổ đại đã phải sử dụng cúc áo cùng những chiếc dây thòng lọng nhỏ ở trên vai để giữ áo không bị rơi, xộc xệch. Đến thế kỷ 13, chiếc khuy áo mới được ra đời bởi những người châu Âu và đã tạo nên sự phấn khích trong toàn xã hội. Nhiều người coi đó là một phát minh tuyệt vời, và thậm chí đã có quy định về số lượng cúc áo – khuy áo mỗi người được dùng, để những người giàu không dùng quá nhiều.
Ngày nay, khuy áo còn được coi là một tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng của áo. Vì đây là một chi tiết nhỏ, dễ bị che khuất nên với những chiếc áo kém chất lượng, khuyết áo thường được làm cẩu thả, không gọn gàng và dễ bung chỉ. Ngược lại, khuy áo của những chiếc áo đạt tiêu chuẩn được thêu thùa cẩn thận, đẹp mắt và không dễ bị bung chỉ.
Là một chi tiết đơn giản và rất nhỏ, nhưng chiếc khuy áo lại thể hiện rất nhiều dụng ý của nhà sản xuất. Hi vọng các bạn đã có được những thông tin bổ ích cho mình qua bài viết này!