Kể về hành trình cố gắng có thai và suốt thời gian mang thai dù đã trải qua cách đây hơn 1 năm nhưng chị N. Loan (thành phố Hồ Chí Minh) vẫn không khỏi “nổi da gà” vì những ngày ấy quá vất vả, đau đớn và mệt mỏi.
Chị bảo suốt 6 năm mong chờ có thai, đến lúc nhìn que thử thai hiện lên 2 vạch mà không còn sức để vui sướng. Những tưởng mọi việc chỉ dừng lại ở đấy nhưng cũng chính từ ngày có thai đến lúc chính thức được ẵm con yêu trên tay mới thật sự gian nan đến nhường nào.
Chị Loan nói: “Lúc sinh xong, cứ nghĩ là sẽ khóc cơ đấy, ai dè mệt quá ngủ luôn. Mình chỉ kịp hỏi bác sĩ xem bé có ổn không rồi nhắm mắt ngủ ngay, yên bình và mãn nguyện”.
Hành trình 6 năm để được nhìn thấy “hai vạch”
Chị Loan kể anh chị cưới nhau khi chị 25 tuổi. Ngay sau khi cưới anh chị không hề kế hoạch vì cũng muốn có con ngay. Thế như sau 5 năm liền không hề áp dụng các biện pháp tránh thai mà chị vẫn không thể có thai tự nhiên.
Đến lúc đó, vợ chồng chị Loan mới đến bệnh viện để khám thì được kết luận nguyên nhân khiến chị không thể mang thai là do chị bị polyp lòng tử cung, buồng trứng đa nang, và bệnh nặng nhất là tắc vòi trứng.
Ngay sau đó, chị đã được điều trị mổ nội soi để lấy polyp ra và thông vòi trứng, đốt nang buồng trứng. Sau thời gian đó anh chị hy vọng nhiều lắm rằng sẽ có thể thụ thai tự nhiên nhưng 1 năm sau tình hình vẫn không khả quan.
Tiếp đó, chị Loan lại làm thụ tinh nhân tạo 2 lần nhưng kết quả vẫn là con số không khi một lần thì không có trứng đáp ứng đủ điều kiện, một lần thì chỉ được một trứng mà vẫn không như ý nguyện.
Chị kể: “Cái cảm giác chầu chực để được khám, được chích thuốc, rồi ngồi đợi siêu âm, hồi hộp không biết hôm nay trứng có to lên không, giờ nhớ lại mình vẫn còn thấy nản.”
Sau đó anh chị quyết định làm thụ tinh trong ống nghiệm. Thật may mắn là mọi việc thuận lợi, chỉ một lần thụ tinh ống nghiệm là chị có bầu ngay.
Những tưởng mọi khó khăn đến đây là chấm dứt nhưng dường như thử thách chưa dừng lại ở đấy. Mọi việc thuận lợi cho đến sau ngày chị cấy phôi vào tử cung.
Chị Loan nói: “Sau khi phôi được cấy vào tử cung, bụng mình bắt đầu chướng lên, căng cứng và khó thở vô cùng. Sau bao ngày trông chờ để được một lần thấy que thử thai hiện lên hai vạch nhưng khi được tận mắt thấy rồi thì chẳng còn sức mà vui sướng.”
Kể tiếp về chuyện sau khi cấy phôi vào tử cung, chị Loan cho biết ban đầu chị tưởng các triệu chứng chướng bụng, bụng căng cứng và khó thở là do ốm nghén.
Chị cứ cố gắng chịu đựng mặc dù tình trạng khó thở nhiều khi khiến chị kiệt sức. Thế nhưng càng ngày, tình trạng bệnh càng nặng nề, cuối cùng khi đi khám thì bác sĩ nói chị bị quá kích buồng trứng.
“Lúc vào bệnh viện khám, bác sĩ đã mắng mình bảo vào trễ tí nữa là sẽ bị vỡ buồng trứng, có thể mất mạng. Rồi ngay sau đó bác sĩ cho xuống cấp cứu truyền nước.
Nằm tới hơn 12 giờ đêm mới xong. Khi đó mình không có một người thân nào bên cạnh vì phòng cấp cứu không cho người nhà vào, người thì thở không nổi, nằm chen chúc với các sản phụ sắp đẻ khác. Nhớ lại mà mình vẫn sợ kinh hồn, muốn đi vệ sinh mà ngồi dậy không nổi, tủi thân vô cùng.”, chị kể lại.
“Chết đi sống lại” để giữ con
Vì phòng bệnh quá đông đúc, ngột ngạt, không thể chịu đựng được nên sau đó chị đã xin về nhà, sáng hôm sau lại vào viện. Chị kể thời gian đó ngày nào chị cũng được đọc tên phát cho 6 chai nước truyền từ sáng đến đêm khuya, rồi thử máu, rồi phải cố gắng uống thật nhiều nước, đi tiểu liên tục trong khi ngồi dậy còn không nổi.
Hơn chục ngày điều trị trong tình trạng nặng nề như thế, nhìn giường bệnh bên cạnh hết người này đến người khác sinh con rồi ra viện, nhìn em bé mà khao khát…
Chị bảo khi đó chị tủi thân lắm nhưng cũng nhờ đó chị có thêm động lực để tự động viên mình cố gắng. Còn một niềm hy vọng nữa đúng như là “trong cái rủi có cái may” ý, mọi người bảo người bị quá kích thường đậu nhiều thai.
Có những lúc đau thở không nổi, ăn không vô mà khóc vùi nức nở. Ngày mình sinh con mà đau còn không bằng, bụng còn to không bằng lúc đẻ đủ để biết kinh khủng thế nào. Sau hơn chục ngày điều trị, cuối cùng mình cũng được xuất viện, mong chờ ngày siêu âm xem mấy thai.”, chị Loan xúc động kể lại.
Đến ngày đi khám thai, vợ chồng chị đã vỡ òa trong niềm hạnh phúc vì có tới 3 thai đậu. Thế nhưng chưa kịp vui thì bác sĩ lại thông báo phải bỏ một thai.
Anh chị thẫn thờ: “Bác sĩ bảo đậu ba, phải bỏ một. Trông mong con bao nhiêu ngày giờ lại phải bỏ con. Bỏ đứa nào? Con có tim thai rồi, con có biết gì không? Mình sao lỡ? Nhưng bệnh viện bảo không thể để 3 được, sẽ dễ sinh non.”
Ngày nhập viện giảm thai, chị Loan ở cùng phòng với hai sản phụ nữa, cũng tương tự vậy. Ngày nằm lên giường mổ, tự dưng chị hoảng hốt, nghĩa đến con mà đau, làm bác sĩ mắng, về đến nơi thì bật khóc nức nở. Sau đó, chị bị xuất huyết ồ ạt.
Chị bảo khi đó đã nghĩ chắc chắn là mất cả rồi. Thế nhưng may mắn sau khi siêu âm thì bác sĩ bảo vẫn còn 1 phôi có tim thai. Vậy là chị bị mất 2 đứa. “Giờ mình còn thương hai đứa đó lắm, chỉ mong lần sau trời thương cho mình lại 2 con, mình sẽ bù đắp cho 2 con thật nhiều.”, chị Loan nói trong nước mắt.
Đánh đổi nhiều để có được con
Sau thời gian đó, chị được cho về nhà nằm nghỉ ngơi, dưỡng thai, chính thuốc hàng ngày và chị mong đợi từng ngày để qua 3 tháng cho an toàn. Thế mà đêm cuối cùng trong 3 tháng đầu, một biến cố nữa lại thử thách anh chị.
“Đêm cuối cùng tháng thứ 3 mình bị động thai. 3 giờ sáng mình nhập viện nghĩ là không còn hy vọng gì. Thế nhưng hy vọng không biến mất, thật may là con vẫn bình an.
Sau đó mình không ở nhà nữa, xin đi làm ít cho khuây khỏa. Suốt thời gian mang thai, thỉnh thoảng mình vẫn bị ra máu, sợ lắm, cứ đi siêu âm mãi.”, bà mẹ 32 tuổi kể tiếp.
Đến ngày sinh nở, vì là thụ tinh ống nghiệm nên chị được chỉ định đẻ mổ ở tuần 38 thai kỳ. “Khi bác sĩ đưa con ra khỏi cơ thể mình, cứ nghĩ lúc đó mình sẽ khóc đấy, ai dè mệt quá ngủ luôn. Mình chỉ kịp hỏi bác sĩ xem bé có ổn không rồi nhắm mắt ngủ ngay, yên bình và mãn nguyện”.
Khi được hỏi, chị có phải đánh đổi nhiều thứ để có được bé Bảo Ngọc không?, chị Loan nói: “Thụ tinh ống nghiệm rất tốn kém, nhất là khi mình lại bị tai biến nhiều nên cũng tốn gần trăm triệu.
Còn nói là đánh đổi thì không hẳn vậy nhưng nói thật là mình phải lựa chọn rất nhiều. Công việc khi đó thì đang tiến triển rất tốt nhưng phải dừng lại hết, thời cơ thăng tiến cũng qua đi, giờ phải làm lại từ đầu.
Sức khỏe thì quá tệ, chính thuốc mê nhiều nên giờ đầu óc mình có lúc lẫn lộn, thuốc chích vào người toàn loại mạnh, đặc biệt là phen quá kích buồng trứng suýt nữa làm mình mất mạng, ra vào viện như cơm bữa.
Nhưng nói thật mình còn may vì còn thấy con, có chị điều trị cùng giữ được 2 thai nhưng đến tháng thứ 5 thì bị rỉ ối 1 thai, sinh non cả 2. Chị ấy đau đớn lắm, làm lại mấy lần vẫn chưa được. Giờ nhìn thấy con khỏe mạnh, mình thấy bao nhiêu công sức đều xứng đáng hết cả.”
Sau 9 tháng phập phồng lo âu, cuối cùng chị Loan đã chính thức được ẵm con trên tay. Chị bảo, hồi quyết định thụ tinh trong ống nghiệm, bác sĩ đã nói: "Thụ tinh ống nghiệm thì khi nào ẵm con trên tay mới biết là mình có con vì quá nhiều nguy cơ và rủi ro. Mình cảm ơn Trời Phật đã thương mình".
Hiện tại bé Bảo Ngọc đã được hơn 1 tuổi, trộm vía bé rất cứng cáp và khỏe mạnh, đó là món quà vô cùng quý giá mà anh chị đã có được sau nhiều năm cố gắng.