9 kết quả Giáo dục - Đào tạo nổi bật năm học 2021-2022

GD&TĐ -  Năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp. Trước những những thách thức, ngành Giáo dục đã linh hoạt ứng phó, chuyển trạng thái hoạt động, hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ của năm học.

Cô trò Trường Tiểu học Ái Mộ, Long Biên, Hà Nội.
Cô trò Trường Tiểu học Ái Mộ, Long Biên, Hà Nội.

Hoàn thành mục tiêu kép

Năm học 2021-2022, ngành Giáo dục đã hoàn thành mục tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch Covid-19; vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ các địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức triển khai dạy học; hướng dẫn tinh giản chương trình, chuẩn bị các điều kiện dạy học trực tuyến nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng.

Cùng với đó, cung cấp nguồn học liệu điện tử hỗ trợ dạy học trực tuyến nhằm kịp thời giúp giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh được tiếp cận nguồn học liệu chính thống, chất lượng, đa dạng, phong phú phục vụ hiệu quả quá trình dạy và học trực tuyến.

Các địa phương đã chủ động, linh hoạt xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch năm học để ứng phó với diễn biến khó lường của dịch Covid-19 tại địa phương.

Khi tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của Bộ GD&ĐT và chính quyền các địa phương, hầu hết các tỉnh, thành phố đã cho trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên các cấp đi học trở lại trong tháng 2/2022.

Khi học sinh trở lại trường học, các cơ sở giáo dục đã tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh chuyển trạng thái từ học trực tuyến, học qua truyền hình sang học tập trực tiếp tại trường; tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh; sử dụng hiệu quả thời gian còn lại của năm học để tiếp tục tổ chức dạy học; đồng thời, xây dựng phương án kiểm tra, đánh giá trực tiếp, bảo đảm nghiêm túc, đúng quy chế.

Ngành Giáo dục phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tổ chức thành công chiến dịch tiêm vắc-xin phòng dịch cho người học theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm hỗ trợ thiết bị học trực tuyến, dịch vụ viễn thông cho các cơ sở giáo dục, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Xây dựng Kho bài giảng điện tử phục vụ dạy học trực tuyến và chuyển đổi số trong giáo dục. Phối hợp với các Đài truyền hình tổ chức sản xuất bài giảng và phát sóng trên truyền hình.

Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và Quyết định tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến.

Với việc triển khai kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác phòng, chống dịch và thực hiện kế hoạch năm học, toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực hoàn thành kế hoạch năm học vừa đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19; vừa bảo đảm chất lượng giáo dục.

Dạy học trực tuyến giúp duy trì việc học trong điều kiện dịch bệnh.

Dạy học trực tuyến giúp duy trì việc học trong điều kiện dịch bệnh.

Củng cố, duy trì chất lượng giáo dục các cấp học

Năm học 2021-2022, chất lượng giáo dục được củng cố, duy trì. Theo đó, đối với Giáo dục mầm non: 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,78%; tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành Chương trình Giáo dục mầm non đạt 99,7%. Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi được học 2 buổi/ngày đạt 99,9%.

Đối với Giáo dục phổ thông: 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở, trong đó có 25/63 tỉnh, thành phố được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt tỷ lệ 40% (tăng 5% so với năm học trước).

Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức thành công, bảo đảm nghiêm túc, công bằng và an toàn, với tổng số thí sinh dự thi là 989.863, đạt tỷ lệ 98,75% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi. Đây cũng là năm đầu tiên thí sinh đang học lớp 12 thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT theo hình thức trực tuyến trên hệ thống quản lý thi.

Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020.

Kết thúc đợt thi Olympic khu vực, quốc tế năm 2022, các đội tuyển đều đạt thành tích vượt trội và dư luận xã hội đánh giá cao, với: 12 Huy chương Vàng, 11 Huy chương Bạc, 9 Huy chương Đồng; 5 Bằng khen.

Đặc biệt, đội tuyển Olympic Toán học quốc tế, có một học sinh đạt điểm tuyệt đối 42/42 điểm. Thành tích xuất sắc của các đội tuyển đã khẳng định nỗ lực vượt bậc trong học tập, rèn luyện của học sinh, giáo viên và các nhà trường trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; đồng thời, khẳng định chất lượng và hướng đi đúng trong công tác dạy học, phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi của ngành Giáo dục.

Đối với giáo dục thường xuyên: 63/63 tỉnh,thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1, có 44/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đạt 69,84% (tăng 15,88% so với năm học 2020 - 2021). Cả nước có 8.685 học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS; gần 350.000 học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT (tăng gần 30.000 người so với năm học 2020 - 2021).

Kết quả đỗ tốt nghiệp THPT của học viên Chương trình giáo dục thường xuyên trên toàn quốc là 93,32% (tăng 3% so với năm học 2020 - 2021). Có hơn 16.360.000 lượt người tham gia học tập các chuyên đề tại các Trung tâm học tập cộng đồng và các trung tâm giáo dục thường xuyên (tăng 12% so với năm học trước).

Học sinh Trường THPT Ban Mai (Hà Nội) trong một buổi làm việc nhóm.

Học sinh Trường THPT Ban Mai (Hà Nội) trong một buổi làm việc nhóm.

Triển khai đồng bộ các giải pháp duy trì chất lượng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng

Bộ GD&ĐT tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. 154/170 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động (đạt tỷ lệ 90,6%).

Tự chủ đại học đã từng bước đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước; đầu tư điều kiện thực hiện chương trình đào tạo, liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học…

Chất lượng giáo dục đại học có những cải thiện rõ rệt, năm 2021 có 5 cơ sở giáo dục đại học lọt vào tốp đại học tốt nhất thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín, vượt mục tiêu năm 2025 của Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025.

Số lượng các sản phẩm công bố quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học gia tăng nhanh chóng. Văn hóa kiểm định gắn với chất lượng đào tạo đã bước đầu hình thành ở các cơ sở giáo dục và đào tạo.

4 thành viên trong đội tuyển quốc gia Việt Nam tham gia thi Olympic Hóa học quốc tế đều đoạt huy chương Vàng.

4 thành viên trong đội tuyển quốc gia Việt Nam tham gia thi Olympic Hóa học quốc tế đều đoạt huy chương Vàng.

Quan tâm giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; nâng cao hiệu quả giáo dục thể chất, y tế trường học và giáo dục quốc phòng, an ninh

Trong năm học 2021-2022, Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030; Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022-2030” và Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương, các cơ sở GD&ĐT triển khai thực hiện Chỉ thị tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường.

Năm học này, toàn ngành cũng triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất và y tế trường học, bảo đảm an toàn trường học, phòng chống dịch bệnh và tai nạn thương tích. Tăng cường tổ chức bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và an toàn thực phẩm, kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh.

Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương cả giai đoạn 2022 - 2026.

Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương cả giai đoạn 2022 - 2026.

Tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ, từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên

Năm học 2021-2022, Bộ GD&ĐT đã chủ động xây dựng cẩm nang hướng dẫn kỹ năng dạy học trực tuyến cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và tổ chức tập huấn cho gần 9.000 giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý tại 63 tỉnh, thành phố.

Đồng thời, tiếp tục triển khai công tác bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; đặc biệt là thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo các đề án về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đã được phê duyệt.

Đến nay, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo cấp mầm non đạt 91,7%; tiểu học đạt 74,8%; trung học cơ sở đạt 86,1%; trung học phổ thông đạt 99,9%.

Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương cả giai đoạn 2022 - 2026.

Bộ GD&ĐT đồng thời đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết thực hiện một số chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nhằm nâng cao đời sống đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập nhằm khắc phục hậu quả do dịch Covid-19.

Cô trò Trường Tiểu học Ái Mộ, Long Biên, Hà Nội.

Cô trò Trường Tiểu học Ái Mộ, Long Biên, Hà Nội.

Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục

Bộ GD&ĐT đã ban hành các danh mục thiết bị dạy học tối thiểu các cấp học phổ thông, làm căn cứ để các cơ sở giáo dục khi lập kế hoạch mua sắm thiết bị dạy học bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, hiệu quả, tránh lãng phí, ưu tiên các thiết bị phục vụ cho các lớp học đã thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bộ GD&ĐT cũng đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện huy động các nguồn lực của xã hội để hỗ trợ việc dạy và học trực tuyến cho học sinh vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Hiện nay, cả nước có khoảng 459.100 phòng học các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập, trong đó số phòng học kiên cố khoảng 390.834 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố là 85,1%.

Tỷ lệ phòng học/lớp ở cấp tiểu học là 0,96; cấp THCS là 0,87; cấp THPT là 0,93. Tỷ lệ trung bình phòng học kiên cố/lớp là 0,79.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về GD&ĐT, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra

Ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những “nút thắt”, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT như chính sách phát triển giáo dục mầm non; đổi mới chương trình, sách giáo khoa; phát triển đội ngũ nhà giáo; tự chủ đại học...

Bộ GD&ĐT đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị định, đề án, kế hoạch, trong đó đã phân công và tăng cường vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương trong quản lý và phát triển GD&ĐT.

Công tác thanh tra, kiểm tra được quan tâm thực hiện, trong đó tập trung vào những vấn đề nóng dư luận phản ánh; từng bước chấn chỉnh, duy trì kỷ cương, nề nếp trong các hoạt động giáo dục và đào tạo.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn ngành

Toàn ngành đã tăng cường chuyển đổi số và đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng hạ tầng học tập quốc gia; xây dựng kho học liệu số; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học trực tuyến, trên truyền hình và kiểm tra, đánh giá trong bối cảnh dịch Covid-19.

Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030", với mục tiêu đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học.

Cùng với đó, thực hiện tích hợp, công khai Dịch vụ công trực tuyến “Đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông” và “Đăng ký xét tuyển trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành giáo dục Mầm non năm 2022” trên cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”

Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, toàn ngành đã tích cực tham gia thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, lồng ghép với Phong trào thi đua đặc biệt “Toàn ngành Giáo dục đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học”.

Nhiều nhà giáo có những sáng tạo, đổi mới trong công tác giảng dạy để vừa nỗ lực phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ năm học, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo.

Qua phong trào thi đua đã khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong giảng dạy, giáo dục, quản lý và nghiên cứu khoa học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ