Dự hội nghị còn có ông Nguyễn Ngọc Ân – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo một số cục/vụ của Bộ. Ông Hồ Đại Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cùng lãnh đạo các Sở GD&ĐT trong Cụm thi đua số 5 gồm: Phú Thọ, Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hòa Bình, Bắc Giang và Bắc Kạn.
Vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ Nguyễn Văn Mạnh - Cụm trưởng Cụm thi đua số 5 đã khái quát những thuận lợi và khó khăn trong triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022.
Theo đó, năm học 2021-2022, các Sở GD&ĐT Cụm thi đua số 5 nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Bộ GD&ĐT, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND các tỉnh; đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa các sở GD&ĐT trong Cụm thi đua và sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể trong tỉnh. Đội ngũ nhà giáo và cân bộ quản lý (CBQL) giáo dục các cấp được quan tâm tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Việc tổ chức hoạt động của Cụm thi đua theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT giúp các tỉnh có điều kiện trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, học tập kinh nghiệm, thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”.
Bên cạnh thuận lợi nêu trên, các tỉnh trong Cụm thi đua số 5 đều có chung những khó khăn như điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ dân trí của một số khu vực còn thấp. Nguồn lực đầu tư chưa theo kịp yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đội ngũ CBQL, giáo viên còn thiếu so với yêu cầu…
Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ Nguyễn Văn Mạnh phát biểu tại hội nghị. |
Báo cáo kết quả đã đạt được trong năm học 2021-2022 của Cụm thi đua số 5, bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ nêu rõ: Các Sở GD&ĐT đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch phát triển GD&ĐT trên địa bàn. Đồng thời, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tổ chức thực hiện kế hoạch, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.
Các Sở GD&ĐT trong cụm đã phối hợp đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch xây dựng trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025; chỉ đạo cơ sở giáo dục rà soát, tăng cường giải pháp hoàn thành mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Tiếp tục duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; Thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tổ chức dạy và học đồng thời chỉ đạo tổ chức thực hiện bảo đảm chương trình, kế hoạch giáo dục.
Trong năm học, các Sở GD&ĐT trong cụm đã tổ chức và tham gia các kỳ thi, cuộc thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc, hiệu quả; kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia nhiều tỉnh duy trì vị trí nằm trong tốp đầu của cả nước: Bắc Giang có 66 giải; Thái Nguyên 57 giải (tăng 9 giải so với năm 2021), có 1 học sinh được dự thi Olympic quốc tế môn Sinh học; Phú Thọ 50 giải, 1 học sinh Trường THPT Chuyên Hùng Vương được dự thi Olympic quốc tế môn Sinh học; Yên Bái 29 giải.... Chất lượng giáo dục tiếp tục được duy trì ổn định và tiến bộ.
Công tác cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thanh tra, kiểm tra, tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được duy trì và thực hiện đúng quy định.
Chất lượng và số lượng đội ngũ giáo viên và CBQL giáo dục các cấp ngày càng được nâng cao. Chương trình “Sóng và máy tính cho em” triển khai hiệu quả để kịp thời hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn thiếu thiết bị học trực tuyến.
Trong học năm học, các sở trong cụm đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước do các cấp, ngành phát động đến đơn vị giáo dục, tập thể, cá nhân trong toàn ngành với nhiều nội dung phong phú, thiết thực được đông đảo đội ngũ CBQL, GV, HS, sinh viên tích cực hưởng ứng.
Đẩy mạnh các phong trào thi đua
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đã ghi nhận những nỗ lực của các thành viên trong Cụm thi đua số 5 về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh ghi nhận kết quả đạt được của đơn vị thuộc Cụm thi đua số 5 trong năm học 2021-2022. |
Thứ trưởng nhấn mạnh, các Sở GD&ĐT trong Cụm thi đua số 5 đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành văn bản, nghị quyết, trong đó, đã có 6/7 tỉnh tham mưu để Hội đồng nhân dân ban hành nghị quyết về giáo dục. Điển hình là tỉnh Bắc Kạn đã tham mưu để HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về biên chế giáo viên, đến nay đạt hiệu quả thiết thực.
Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được các đơn vị bám sát và đạt kết quả tốt. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được duy trì và giữ vững. Một số tỉnh có tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia cao như Bắc Giang đạt 93,7%; Phú Thọ đạt 89,5%; Thái Nguyên đạt 86,11%.
Công tác cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thanh tra, kiểm tra được duy trì và thực hiện đúng quy định, nhiều tỉnh làm tốt: Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên (Sở GD&ĐT Phú Thọ đứng 2/20 sở, ngành thuộc UBND tỉnh về chỉ số cải cách hành chính và xếp loại chất lượng hoạt động của các cơ quan cấp tỉnh năm 2021; Sở GD&ĐT Bắc Giang xếp thứ 3 trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Sở GD&ĐT Thái nguyên được UBND tỉnh tặng Bằng khen về Chỉ số PAPI).
Về công tác Thi đua - Khen thưởng, các Sở GD&ĐT trong Cụm thi đua số 5 đã thực hiện tốt phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”; "Toàn ngành Giáo dục đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch" của Bộ GD&ĐT phù hợp với điều kiện thực tiễn của ngành, địa phương.
Lãnh đạo Công đoàn ngành giáo dục Việt Nam giải đáp những vấn đề được nêu trong tham luận của các đơn vị trong Cụm thi đua. |
Phát huy kết quả đã đạt được trong năm học vừa qua, Thứ trưởng Ngô Thị Minh lưu ý các đơn vị cần quan tâm đến một số nội dung trong thời gian tới, đó là: Triển khai tốt phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” và mô hình xây dựng trường học hạnh phúc; quan tâm đến vấn đề an toàn sức khỏe của học sinh.
Đối với sách giáo khoa của năm học mới, Thứ trưởng yêu cầu các nhà trường, giáo viên không ép phụ huynh mua sách tham khảo. Đối với sách giáo khoa mới lớp 3,7,10 cần tính toán, tham mưu với chính quyền địa phương thực hiện xã hội hóa hoặc mua cho học sinh thuộc diện được cấp và cho thuê với những học sinh có nhu cầu.
Ngoài 10 vấn đề đã nêu trong phương hướng nhiệm vụ của năm 2022-2023, Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị cần quan tâm đến công tác truyền thông để xã hội hiểu hơn trong chặng đường đổi mới của ngành Giáo dục. Đồng thời, qua công tác truyền thông nhằm lan tỏa, nhân rộng mô hình người tốt, việc tốt trong ngành và toàn xã hội.
Đối với những đề xuất, kiến nghị của các đơn vị trong Cụm thi đua số 5, Thứ trưởng giao các vụ/cục liên quan tiếp thu nghiên cứu, báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét, giải quyết.
Về phương hướng nhiệm vụ năm học 2022-2023, các đơn vị trong Cụm thi đua số 5 tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục hạn chế, yếu kém, tổ chức tốt các hoạt động giáo dục nhằm nâng cao chất lượng, thực chất và bền vững.
Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hoàn thành mục tiêu trong kế hoạch 5 năm 2021- 2025 về phát triển giáo dục đào tạo, đặc biệt là mục tiêu đề ra trong năm học 2022-2023. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, quan tâm chất lượng giáo dục mũi nhọn; chú trọng dạy chữ - dạy người - dạy nghề. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục và công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.