1. Dạy con đầy đủ về giới tính
Theo báo cáo của một điều tra xã hội học năm 2018, tỉ lệ các cha mẹ cởi mở giáo dục con về giới tính ở Việt Nam vẫn rất hạn chế. Hầu hết các cha mẹ, đặc biệt là cha mẹ ở vùng nông thôn, hoặc vùng sâu vùng xa, bỏ qua nội dung quan trọng này. Đây chính là nguyên nhân số 1 của tình trạng xâm hại trẻ em nghiêm trọng trong suốt một thời gian dài.
2. Dạy kiến thức pháp luật cho con
Là người trực tiếp trang bị kiến thức giới tính, tiếp xúc với nhiều trẻ bị xâm hại, TS. Vũ Thu Hương cho biết: Phần lớn trẻ em Việt Nam thật sự rất lơ mơ về pháp luật. Các em khi bị xâm hại thường tâm sự là: con nghĩ con mới là xấu xa chứ không phải kẻ kia. Chính hiểu biết pháp luật không đến nơi khiến các em không dám phản kháng khi bị xâm hại và đôi khi trở nên tiếp tay cho chính kẻ xâm hại mình.
Hiểu pháp luật để biết phải luôn tuân thủ pháp luật là điều vô cùng cần thiết để hình thành lối sống theo quy tắc xã hội. Trẻ cần được thấy người lớn tuân thủ pháp luật và noi theo gương đó. Vì thế, nếu phát hiện ra vụ việc vi phạm pháp luật nào, trẻ sẽ không im lặng bỏ qua.
3. Sẵn sàng chịu phạt khi làm sai
Mỗi khi con phạm lỗi, các cha mẹ bắt con xin lỗi và chịu phạt rất ghê. Tuy nhiên, khi các cha mẹ phạm lỗi, đôi khi nụ cười, mà đôi khi là câu mắng át hoặc thái độ tức giận của cha mẹ là cách họ xí xóa mọi thứ.
TS. Vũ Thu Hương cho rằng, với cách làm này của người lớn, trẻ sẽ nhận ra rằng, chúng luôn phải chấp nhận người lớn dù họ sai, không bao giờ được trách phạt người lớn. Khi đó, nếu con bị xâm hại, con sẽ im lặng chịu đựng chứ không tố giác, thậm chí không kêu cứu.
Như vậy, thái độ vô lý của cha mẹ hàng ngày chính là hành động tiếp tay cho việc con trẻ thiếu đi khả năng tự vệ và tố giác tội phạm.
4. Không áp đặt con
Có rất nhiều cha mẹ luôn xếp mình và người lớn khác trong nhà ở vị trí ưu tiên trước con. Bố mẹ đôi khi vi phạm chính những điều quy định mà họ tạo ra cho con cái.
“Cha mẹ cần dạy con rằng, luật pháp và nguyên tắc là nghiêm minh và công bằng với tất cả mọi người, không có ngoại lệ và vùng cấm. Nếu cha mẹ luôn tự tuân thủ thật nghiêm theo luật gia đình, con sẽ có khả năng phản kháng tốt khi gặp bất công. Nếu tự cho mình quyền ưu tiên, các cha mẹ sẽ phải chứng kiến con im lặng trước sai phạm của người khác”, TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh.
6. Không để con quá gần gũi bất kể ai
TS. Vũ Thu Hương cho biết, khi các chuyên gia giáo dục giới tính đưa ra quy tắc “4 vòng tròn” hoặc “5 ngón tay”, để hướng dẫn trẻ phòng tránh xâm hại, nhiều phụ huynh đã phản đối và cho rằng nó không phù hợp với phong tục tập quán Việt Nam.
Như vậy, các phụ huynh đã bỏ qua con số gần 70% các vụ xâm hại trẻ em đến từ người thân thiết. Nếu trẻ em luôn dễ dàng tiếp cận với mọi người ở mọi cự ly khác nhau, các con sẽ dễ dàng rơi vào nguy cơ bị xâm hại.
6. Cần dạy con phản biện
Từ nhỏ đến lớn, các cha mẹ thường dạy con mình vâng lời người lớn nói chung và người lớn trong gia đình nói riêng. Khi đi học, cha mẹ dặn con vâng lời thầy cô giáo.
Đúng là với trẻ, hiệu lệnh của thày cô là quan trọng số 1. Nhưng trẻ phải có kĩ năng phân biệt điều gì cần nghe lời, điều gì không. Chứ không phải là bất kể điều gì cũng nghe lời.
Kỹ năng này sẽ được trang bị từ sự “dân chủ”, dám nêu chính kiến của trẻ ngay trong gia đình. Hãy giúp con phân biệt rõ thế nào là “cãi lại” và thế nào là “phản biện” để trẻ có ý thức và biết nói “không” khi cần.
7. Không gửi con ở một mình với bất kể người thân quen nào
Đã có không ít các vụ xâm hại khi cha mẹ gửi con ở nhà những người thân quen. Nhiều trường hợp đứa trẻ ở một mình với một người thân như bác, chú, cậu… họ hàng hoặc hàng xóm, những kẻ đó đã xâm hại đứa trẻ. Như vậy, chính cha mẹ đã tiếp tay cho những kẻ xâm hại làm hại chính con đẻ của mình.
Nơi có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ trẻ duy nhất là gia đình và nhà trường. Những nơi khác không có đủ khả năng cũng như quyền hạn để chăm sóc những đứa trẻ. Nếu các cha mẹ ghi nhớ việc này, số các vụ xâm hại trẻ em sẽ giảm đáng kể.
8. Luôn lắng nghe và tin tưởng con
TS. Vũ Thu Hương chia sẻ một thực tế đáng buồn, có rất nhiều em nhỏ nói với bố mẹ về chuyện mình bị xâm hại hay quấy rối nhưng bố mẹ mắng, bảo con bịa đặt. Có em mới bị sàm sỡ đã nói với cha mẹ nhưng cha mẹ không tin tưởng dẫn đến sau đó em bị xâm hại nhiều lần.
Cha mẹ cần học cách tôn trọng con mình, lắng nghe và chia sẻ để kịp thời hỗ trợ con trong trường hợp cần thiết, tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.