Cách dạy kiến thức giới tính hiệu quả nhất cho con: Hãy nói thẳng!

GD&TĐ - Bố mẹ không chỉ là người bảo vệ mà còn là người thầy đầu tiên và quan trọng nhất để dạy con cách tự bảo vệ và phòng chống xâm hại từ khi con còn nhỏ.

Các phụ huynh chia sẻ tại buổi nói chuyện “Con an toàn, cha mẹ ở ngay đây”
Các phụ huynh chia sẻ tại buổi nói chuyện “Con an toàn, cha mẹ ở ngay đây”

Cần biết cách dạy kiến thức giới tính cho con

Trên thực tế, không phải bố mẹ nào cũng biết cách nói chuyện và tương tác với con trước các tình huống con nói về giới tính và làm cách nào để tránh xâm hại tình dục trẻ em.

Nhiều phụ huynh tâm sự không biết bắt đầu từ đâu và thế nào để nói với con về những vấn đề “nhạy cảm”, chứ chưa nói đến việc thực hành, giả định tình huống để hướng dẫn con cách xử lý”.

Tại buổi trò chuyện “Con an toàn, bố mẹ ngay ở đây” do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) và NGO Fontana (Đan Mạch) tổ chức, hầu hết bố mẹ tham gia trò chuyện cảm thấy bối rối và thường bỏ qua các câu hỏi của con hoặc trả lời giữa chừng các câu hỏi: "Con được sinh ra từ đường nào?", "Sao con trai và con gái lại khác nhau ở chỗ đó?", "Sao ngực mẹ to hơn bố?", "Sao con không nên ngồi lên đùi khách đến chơi nhà?"…

Thậm chí, có bố mẹ còn mắng khi con đề cập đến vấn đề nhạy cảm này bởi vì… con còn bé.

Chị Nguyễn Thị Thảo (Đống Đa, HN) chia sẻ, con gái chị năm nay 4 tuổi. Chị chưa có ý định nói với con về chủ đề giới tính vì luôn nghĩ con còn bé. Cho đến khi chị nhìn thấy con và các bạn trai bằng tuổi có những hành động như người lớn như nhìn bộ phận sinh dục của nhau, hoặc thơm má nhau…, chị mới giật mình.

“Có thể các con học theo những hành động của người lớn, hoặc trong các câu chuyện của người lớn cũng thường khuyến khích các con thơm má nhau… nên các con coi đó là hành vi bình thường” – chị Thảo nói.

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD cho rằng, dù đã ý thức được việc phòng chống xâm hại trẻ em bằng cách dạy con về giới tính, nhưng thực hành của bố mẹ về vấn đề này, đặc biệt là vấn đề giáo dục và đồng hành cùng con là chuyện “tưởng dễ mà không dễ chút nào”.

“Bố mẹ cần học cũng để lấp đầy những “lỗ hổng” kiến thức về giáo dục giới tính và phòng tránh xâm hại tình dục. Và đây là một quá trình dài, liên tục và cần nỗ lực của bố mẹ. Bên cạnh tài liệu, sách liên quan đến chủ đề, việc học trực tiếp từ kinh nghiệm của nhau ở các buổi nói chuyện, câu lạc bộ cha mẹ hay từ chuyên gia cũng sẽ hỗ trợ các bố mẹ trong việc tìm kiếm phương pháp dạy con để phòng tránh xâm hại tình dục” – bà Linh nói.

Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"

Một vấn đề nữa là nhiều bố mẹ còn ngại ngùng khi nói chuyện với con về giới tính và phòng tránh xâm hại tình dục. Lý do là vì thiếu kiến thức, không biết nói với con như thế nào cho phù hợp và độ tuổi thích hợp để bắt đầu.

Bà Lê Thị Khánh Vân, Chuyên gia về trẻ em nhấn mạnh: “Đa số bố mẹ đợi đến lúc con dậy thì mới nói về tình dục và xâm hại tình dục. Nhưng đến lúc đó thì đã quá muộn bởi kẻ xâm hại tình dục trẻ em có thể là bất kỳ ai và không ai lường trước được thời gian và thời điểm xảy ra”.

Một bài học nền tảng mà bố mẹ cần dạy con chính là tầm quan trọng của cơ thể cũng như quyền tự chủ của trẻ với cơ thể mình.

Trong các buổi nói chuyện, thay vì dùng các ngôn ngữ dễ thương kiểu trẻ con như “chim”, “bướm” để nói về bộ phận sinh dục của bé trai, bé gái, cha mẹ cần nghiêm túc và gọi đúng tên bộ phận sinh dục của con. Nhờ vậy, trẻ có thể giao tiếp rành mạch nếu chẳng may bị đụng chạm một cách không phù hợp.

Bố mẹ cũng hãy giúp con hiểu con có quyền tự quyết định cơ thể mình như trẻ có thể cho phép hay không cho phép người khác đụng chạm đến mình bằng các việc làm như: cha mẹ có thể xin phép con trước khi ôm, hôn hay thay bỉm tã cho con. Khi muốn con bày tỏ cảm xúc với mình, cha mẹ hãy hỏi ý kiến con…

Theo thống kê của Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2018, cả nước đã xảy ra 682 vụ xâm hại tình dục, trong đó xâm hại tình dục trẻ em chiếm 84%. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm bởi trên thực tế, hầu hết những hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em bị phát hiện, xử lý chỉ khi đã chạm ngưỡng hình sự.

Điều đáng nói là trẻ em gái bị xâm hại tình duc bởi người thân quen trong gia đình (như bố ruột, bố dượng, chú, bác, anh, em họ…) chiếm 28%, thầy giáo và nhân viên nhà trường chiếm 3% và hàng xóm, người quen chiếm 54,9%. Trẻ em gái, trẻ em trai đều có thể là nạn nhân của xâm hại tình dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ