8 giải pháp giảm thiểu hành vi vi phạm pháp luật ở giới trẻ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - PGS.TS Trần Thành Nam phân tích nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật của những người trẻ gia tăng và đề xuất giải pháp.

PGS Trần Thành Nam làm diễn giả trong chương trình về giáo dục giới tính cho học sinh THCS.
PGS Trần Thành Nam làm diễn giả trong chương trình về giáo dục giới tính cho học sinh THCS.

PGS.TS Trần Thành Nam hiện là Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội.

Tìm hiểu nguyên nhân

Những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng hành vi vi phạm pháp luật của giới trẻ được PGS.TS Trần Thành Nam nhìn nhận dưới nhiều góc độ: gia đình, tâm lý học và quản lý xã hội.

Trước tiên là sự gãy vỡ trong cấu trúc gia đình truyền thống, sự yếu kém trong giáo dục gia đình hiện tại, cha mẹ thiếu kỹ năng kỷ luật tích cực. Điều này góp phần tạo ra một thế hệ trẻ ngày càng có xu hướng ứng xử bạo lực hơn.

Thứ hai là giáo dục còn chú trọng “dạy chữ” hơn “dạy người”; nhà nhà đua theo thành tích học tập mà chưa dành sự quan tâm thỏa đáng củng cố các giá trị đạo đức, sự yêu thương, chia sẻ, thông cảm thấu hiểu lẫn nhau. Từ đó tạo ra một thế hệ sống vì lợi ích cá nhân, có xu hướng thỏa mãn ham muốn ngay lập tức và vô cảm hơn với đồng loại.

Thứ ba, thiếu hụt các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần trong nhà trường, trong xã hội và cộng đồng. Sự kỳ thị của xã hội về bệnh tâm thần khiến cho nhiều người bị tổn thương sức khỏe tâm thần không được tầm soát và không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc. Hậu quả là những hành vi bạo lực xảy ra dưới ảnh hưởng của bệnh tâm thần.

Thứ tư, không có cơ chế quản lý hiệu quả các tư liệu bạo lực, đồi trụy, thông tin giả, giật gân gây sốc trên mạng xã hội, internet, video game và các kênh truyền thông đại chúng, khiến giới trẻ tiếp xúc quá sớm và quá nhiều ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát và điều chỉnh hành vi đạo đức.

Cuối cùng, thiếu kiểm soát các chất có cồn, chất gây nghiện và chất cấm nói chung làm gia tăng các vụ việc bạo lực do cá nhân mất kiểm soát hoặc chịu ảo giác do sử dụng chất.

PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội.

PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội.

Cần hệ thống giải pháp tổng thể

Để hạn chế những vấn đề bạo lực trong xã hội nói chung, giảm thiểu hành vi vi phạm pháp luật ở giới trẻ nói riêng, theo PGS.TS Trần Thành Nam, cần một hệ thống các biện pháp tổng thể.

Trong đó, đầu tiên là tăng cường giáo dục gia đình qua phát triển các chương trình hỗ trợ cha mẹ kỹ năng nuôi dạy con tích cực, không sử dụng bạo lực; tổ chức các khóa học, workshop về kỹ năng giao tiếp, giải quyết xung đột trong gia đình; tạo diễn đàn để cha mẹ chia sẻ và học hỏi lẫn nhau về cách giáo dục con cái.

Thứ hai là giải pháp liên quan đến chăm sóc sức khỏe tâm thần trong nhà trường và cộng đồng. Cụ thể, tăng cường dịch vụ sàng lọc sức khỏe tâm thần cho trẻ em và thanh thiếu niên tại các trường học, cộng đồng. Triển khai một cách có hiệu quả công tác tư vấn tâm lý học đường để giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, xử lý cảm xúc tiêu cực.

Thứ ba, quan tâm phát triển kỹ năng xã hội. Theo đó, tích hợp giáo dục kỹ năng xã hội và cảm xúc vào nội dung chương trình học trên lớp, ngoài giờ lên lớp. Đổi mới phương pháp giáo dục tích cực, như tổ chức các hoạt động trải nghiệm, trò chơi tương tác, học qua tình huống, học qua dự án, học qua giải quyết vấn đề giả định để trẻ học được các năng lực hợp tác, chia sẻ và thấu cảm với người khác.

Thứ 4, can thiệp sớm và phòng ngừa là vô cùng quan trọng thông qua thực hiện các chương trình phòng ngừa bạo lực từ sớm cho trẻ (bao gồm việc học cách nhận diện và quản lý cảm xúc); tạo môi trường an toàn và hỗ trợ trong trường học để trẻ có thể thể hiện, giải quyết vấn đề mà không cần tới bạo lực.

Thứ năm, kiểm soát và quản lý truyền thông. Với giải pháp này, cần giáo dục trẻ về việc sử dụng mạng internet một cách an toàn và có trách nhiệm; quản lý và hạn chế tối đa sự tiếp xúc của trẻ với nội dung bạo lực trên truyền thông, mạng xã hội.

Thứ sáu, quản lý chất gây nghiện và chất có cồn với việc tăng cường quản lý, giám sát việc bán, sử dụng rượu, bia và các chất gây nghiện khác. Tổ chức các chiến dịch giáo dục cộng đồng về tác hại của rượu bia và chất kích thích khác, kể cả thuốc lá điện tử.

Thứ bảy, tăng cường hợp tác xã hội: phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, trường học, cộng đồng và cơ quan chức năng để tạo một mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ cho trẻ em và thanh thiếu niên.

Thứ tám, giáo dục các giá trị sống phổ quát. Trong đó, nhấn mạnh việc giáo dục đạo đức, giá trị sống (yêu thương, tôn trọng, hợp tác, đoàn kết, giản dị, hòa bình…) trong chương trình giáo dục chính khóa và hoạt động ngoại khóa.

“Các giải pháp này cần được thực hiện một cách đồng bộ và bền vững để có thể giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng bạo lực trong xã hội, đặc biệt là trong giới trẻ”, PGS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.