Xác định tầm nhìn hướng nghiệp
Theo chuyên gia, tầm nhìn (Vision) là trạng thái tương lai có thể xảy ra, là biểu hiện mong muốn của cơ sở giáo dục và cộng đồng đối với công tác giáo dục hướng nghiệp.
Tầm nhìn là mục tiêu vẫy gọi. Nó chỉ ra cầu nối giữa giáo dục hướng nghiệp hiện tại và giáo dục hướng nghiệp trong tương lai. Có xác định được tầm nhìn hướng nghiệp, cán bộ quản lí hướng nghiệp mới có căn cứ, có định hướng để xác định mục tiêu, các nhiệm vụ, các nội dung hoạt động giáo dục hướng nghiệp cụ thể, các nguồn lực và các biện pháp giáo dục hướng nghiệp.
Để xác định được tầm nhìn hướng nghiệp, cần trả lời một số câu hỏi chính như: Giáo dục hướng nghiệp phải hướng tới xây dựng năng lực hướng nghiệp nào cho học sinh?
Mỗi tổ chức xã hội, trong bối cảnh cụ thể, có thể và nên đóng vai trò gì và sẽ thực hiện vai trò đó như thế nào đối với công tác giáo dục hướng nghiệp?
Thông thường một bản Tầm nhìn hướng nghiệp sẽ bao gồm các yếu tố: mục tiêu, chiến lược thực hiện và vai trò của các tác nhân hướng nghiệp.
Trong khi đó, mục tiêu là cái đích phải đạt tới, là trạng thái mong muốn, khả thi và cần thiết trong tương lai của giáo dục hướng nghiệp. Trong quá trình quản lí hướng nghiệp, mục tiêu cuối cùng phải đạt được là các năng lực hướng nghiệp được hình thành, phát triển ở học sinh sau quá trình được giáo dục hướng nghiệp.
Trước hết, cần xác định mục tiêu chung của giáo dục hướng nghiệp. Việc xác định mục tiêu chung có vai trò cực kì quan trọng.
Mục tiêu chung là điểm xuất phát, định hướng, chi phối sự vận động của toàn bộ quá trình quản lí hướng nghiệp; Là cơ sở để xác định các mục tiêu cụ thể, các nhiệm vụ cụ thể, các nguồn lực và các biện pháp tiến hành giáo dục hướng nghiệp.
Có thể nói, xác định mục tiêu chung cho giáo dục hướng nghiệp là tiền đề quan trọng nhất để tổ chức, quản lí giáo dục hướng nghiệp đạt hiệu quả. Sau khi đã xác định mục tiêu chung, cần tiếp tục xác định các mục tiêu giáo dục hướng nghiệp cụ thể cho từng hình thức, hoạt động hướng nghiệp để có căn cứ xác định nhiệm vụ cụ thể, biện pháp thực hiện và phân bổ nguồn lực.
Mục tiêu giáo dục hướng nghiệp cần đảm bảo 7 nguyên tắc sau:
Cụ thể (Specific): Mục tiêu là cái đích phải đạt tới nên cần phải rõ ràng và cụ thể để giúp người thực hiện dễ dàng nhận thức được mong muốn kết quả cần đạt được sau quá trình giáo dục hướng nghiệp.
Đo lường được (Measures): Trong nội dung mục tiêu phải thể hiện rõ mức độ cần đạt qua giáo dục hướng nghiệp để dễ dàng cho việc kiểm tra và đánh giá sau này.
Phù hợp (Appropriate): Mục tiêu phải phù hợp với khả năng thực hiện trong bối cảnh nhất định và đem lại hiệu quả hữu ích cho học sinh, nhà trường và xã hội; Khả thi/vừa sức (Reasonable): Nhằm đảm bảo cho chủ thể quản lí và đối tượng quản lí thực hiện được mục tiêu;
Thời hạn (Time limit): Mục tiêu phải chỉ ra được thời hạn thực hiện;
Kết quả, hiệu quả (Effect): Mục tiêu phải chỉ ra được kết quả và hiệu quả cần đạt được của giáo dục hướng nghiệp;
Thực tế (Reality): Mục tiêu phải sát với tình hình thực tế và đáp ứng nhu cầu thực tế;
Bảy chữ cái đầu của 7 nguyên tắc trên được gộp lại thành chữ SMARTER, nên còn gọi là nguyên tắc SMARTER.
Mục tiêu giáo dục hướng nghiệp cần phải đảm bảo các yêu cầu: Được mọi người thừa nhận là quan trọng; Cụ thể, rõ ràng và dễ hiểu; Ấn tượng và thực tế; Vừa sức và có thể phân bổ thời gian; Tương xứng với chiến lược giáo dục hướng nghiệp; Định hướng tới kết quả; Khả thi nhưng đầy thử thách.
Những căn cứ để xác định mục tiêu giáo dục hướng nghiệp của cơ sở giáo dục
Muốn thực hiện được các nguyên tắc và yêu cầu trên, khi xác định mục tiêu giáo dục hướng nghiệp cho cơ sở giáo dục cần căn cứ vào Các văn bản và chỉ thị về giáo dục hướng nghiệp cho HS phổ thông của Chính Phủ và Bộ GDĐT;
Bên cạnh đó cần căn cứ vào tầm nhìn hướng nghiệp; Điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục như môi trường giáo dục hướng nghiệp. Khả năng thực tế về các nguồn lực giáo dục hướng nghiệp.
Ngoài ra còn có trình độ nhận thức của học sinh và các tác nhân tham gia giáo dục hướng nghiệp tại cơ sở giáo dục; Nội dung giáo dục hướng nghiệp cơ bản và mô hình cung cấp dịch vụ hướng nghiệp
Ví dụ:
Căn cứ vào mục tiêu giáo dục hướng nghiệp được xác định trong Tầm nhìn hướng nghiệp, Sở GD&ĐT tỉnh Y đã xác định mục tiêu chung và mục tiêu giáo dục hướng nghiệp cụ thể ở cấp THCS như sau:
Mục tiêu chung: Học sinh có khả năng nhận thức bản thân, nhận thức nghề nghiệp và xây dựng kế hoạch nghề nghiệp. Từ đó, học sinh có thể lựa chọn ban học phù hợp ở cấp THPT (tự nhiên, xã hội v.v…). Đối với các học sinh không thể tiếp tục học lên THPT, họ sẽ tự tin và có năng lực để chọn các chương trình đào tạo nghề/ trường nghề phù hợp sau khi tốt nghiệp THCS.
Mục tiêu cụ thể: 100% HS các lớp 9 được cung cấp thông tin hướng nghiệp mọi lúc, mọi nơi khi có nhu cầu; 60% HS lớp 9 được tham gia hoạt động hướng nghiệp phù hợp với nhu cầu và liên tục được cập nhật thông tin thị trường tuyển dụng trong và ngoài nước; 30% - 35% HS lớp 9 được sử dụng dịch vụ tìm hiểu/ hướng dẫn sâu về hướng nghiệp; 15% - 20% HS lớp 9 được cung cấp dịch vụ tư vấn hướng nghiệp với chất lượng cao khi cần thiết; 80% HS lớp 9 được học nghề phổ thông 75 tiết theo nhu cầu...
Ngoài ra, cần xác định các chuẩn đo đạc kết quả giáo dục hướng nghiệp để có căn cứ đánh giá mức độ đạt được mục tiêu của từng nhiệm vụ, hoạt động giáo dục hướng nghiệp ở từng cơ sở giáo dục.
Chuẩn đo đạc thường được xác định bởi cấp quản lí Bộ GDĐT. Hiện nay, chuẩn đo đạc chính cho giáo dục hướng nghiệp là chuẩn kiến thức, kĩ năng của hoạt động giáo dục hướng nghiệp và hoạt động giáo dục nghề phổ thông được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ GDĐT ban hành năm 2006.
Bình luận