Dưới đây là câu chuyện mà Justin Malik chia sẻ trên Business Insider.
Tháng 1/2010, tôi chuẩn bị kết thúc khóa học MBA tại đại học Pepperdine ở Malibu, California. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của tôi trong năm mới là sẽ ghi chép lại toàn bộ các khoản thu nhập cũng như chi tiêu của mình để rút ra kinh nghiệm.
Quy tắc rất đơn giản: Tôi sẽ theo dõi từng đồng xu vào hay ra khỏi ví mỗi lần, dù đó là hàng nghìn đô la cho việc mua xe hay vài trăm đô la thuê phòng trọ mỗi tháng.
Tôi đã lập ra một bảng excel thống kê toàn bộ các khoản chi tiêu của mình. Đến nay, sau 6 năm rưỡi cùng với 7.500 dòng excel, tôi đã rút ra 7 bài học giá trị trong quản lý tài chính, hi vọng nó cũng có thể giúp ích cho tất cả mọi người.
1. Ở ghép với người khác không tiết kiệm được là bao
Trong 6 năm qua, tôi đã sống ở 6 nơi khác nhau tại khu vực miền Nam California và 4 lần ở ghép phòng trọ với người khác. Từ sống một mình trong căn hộ một phòng ngủ, tôi đã thuê một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi và ở cùng ba người khác.
Tôi phải thừa nhận, khi ở ghép cùng người khác, giá tiền thuê nhà và các tiện ích khác (điện nước, internet, truyền hình cáp) rẻ hơn đáng kể (13.500 USD so với 17.700 USD/năm khi tôi sống một mình) nhưng lại có rất nhiều chi phí phát sinh khác:
- Việc lau dọn trở nên khó khăn hơn, vì thế chúng tôi phải thuê người đến dọn dẹp (650 USD/năm).
- Tiền thực phẩm của tôi tăng lên vì có món người này thích thì người kia lại không thích, đôi khi thực phẩm và đồ nhà bếp bị “mất tích” (250 USD/năm).
- Chi phí đi ăn nhà hàng tăng lên vì ở chung khiến tôi có nhiều mối quan hệ hơn và cũng phải ra ngoài đi chơi với họ nhiều hơn (750 USD/năm).
- Tôi cũng phải tiêu tốn rất nhiều cho quà tặng (500 USD/năm).
Ở chung, tôi tiết kiệm được 2.000 USD/năm, tức là chỉ có 166 USD/tháng, con số này quá nhỏ và tôi hoàn toàn có thể tự cân đối cắt giảm chi tiêu khi sống một mình, hoặc tìm một căn hộ phù hợp và rẻ tiền hơn. Ngoài ra, khi sống một mình, tôi không phải chia sẻ bếp, phòng khách, chỗ để xe với người khác, vì vậy tôi có thể tận dụng tối đa căn hộ của mình và được sống theo ý thích.
Do đó, tôi khuyên bạn hãy nên cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định ở chung phòng trọ với ai đó. Số tiền tiết kiệm chẳng được bao nhiêu nhưng bạn sẽ phải đối phó với sự phức tạp khi sống cùng với những người khác trong nhà.
2. Có người yêu sẽ rất tốn kém
Đã bao giờ bạn thử phân tích xem việc yêu đương ảnh hưởng thế nào đến “ví tiền” của mình chưa? Dưới đây là trường hợp của riêng tôi.
Khi còn độc thân, mỗi năm tôi dành khoảng 1000 USD cho việc mua quà tặng mọi người. Nhưng kể từ khi có người yêu, số tiền này đã tăng gấp 3 lần. Tất nhiên, tôi không phàn nàn vì số tiền mình bỏ ra cho bạn gái bởi đó là cần thiết. Nhưng có quá nhiều chi phí phát sinh khiến bạn cần phải cân nhắc về việc có người yêu.
Khi có người yêu, bạn sẽ được mời đến các buổi tiệc tùng, đám cưới, sinh nhật, tiệc thôi nôi… và dĩ nhiên, khi đến bạn sẽ phải mang theo quà. Năm 2010, tôi chỉ phải dành 765 USD cho chi phí quà tặng thì đến năm 2015, con số này đã tăng lên tới 3.600 USD khi tôi có người yêu.
3. Nuôi mèo không tốn như tôi vẫn tưởng
Năm 2014, tôi nuôi một cô mèo vô cùng xinh xắn, đáng yêu và rất… “biết điều”. Cô mèo của tôi khá sạch sẽ, tự đi vệ sinh bên ngoài và tôi không phải mua hộp cho nó đi vệ sinh. Thêm vào đó, vì cô nàng này cũng có tuổi rồi nên chẳng cần các loại đồ chơi như mèo bé. Chi phí nuôi mèo cả năm của tôi mất 312 USD. Một năm sau đó, tôi quyết định “tân trang” cho cô mèo yêu quý của mình hộp đựng thức ăn, chuồng và đi bác sĩ thú y. Tôi mất 1.375$ chi phí nuôi mèo năm 2015.
Mặc dù vậy, tôi nhận ra rằng sự khác biệt trong 1.000 USD chi phí tăng lên cũng không đáng kể là bao khi bạn mang đến cho con vật cưng của mình những điều kiện tốt nhất và tìm được một người bạn thực sự chỉ với 4 đô la mỗi ngày.
4. Bảo hiểm “vàng” hay bảo hiểm “bạch kim” cũng đều không đáng mua
Tự quản lý công ty là một điều không dễ dàng gì, nhất là khi hàng tháng thay vì nhận lương, bạn phải ký vào bảng lương để trả tiền cho những người khác. Không những thế, tôi còn phải tự trả tiền bảo hiểm của mình hàng tháng.
Là một người mắc chứng trầm cảm, tôi chọn cho mình gói bảo hiểm “vàng” với hi vọng sẽ nhận được nhiều ưu đãi hơn về lâu dài. Tuy nhiên, sau 3 năm, tôi chỉ nhận được 8.800 USD – ít hơn số tiền mà tôi đã bỏ ra (tôi đóng 3.500 USD tiền bảo hiểm – tương đương 10% tổng chi tiêu).
5. Đóng thuế đơn giản hơn bạn nghĩ
Nếu bạn không tin thì hãy cứ thử mà xem, đừng đóng thuế theo quý nữa mà hãy đóng theo mùa (năm). Việc bạn cần làm chỉ là sắp xếp lại toàn bộ sổ sách theo ngày tháng và phân loại; sau đó loại bỏ các mục không cần thiết và gửi cho kế toán. Bạn chỉ mất vài phút để nhìn thấy thành quả của cả một năm qua.
6. Dù cơ hội chiến thắng mong manh nhưng chơi xổ số cũng khá hay ho
Mỗi người có quan điểm khác nhau về việc chơi xổ số nhưng tôi lại khá hào hứng. Tôi chỉ chơi xổ số khi nào chắc chắn được khả năng thu lợi của mình lớn hơn chi phí phải bỏ ra. Mặc dù cơ hội chiến thắng là cực kì mong manh, nhưng bằng những phép toán, bạn có thể tính được khả năng chiến thắng của mình là bao nhiêu phần trăm.
Chẳng hạn, nếu bạn bỏ ra 1 đô la chơi xổ số 2 lần mỗi tuần, vị chi cả năm bạn mất khoảng 100 đô la. Con số này có làm bạn “thân bại danh liệt” nếu thua không? Câu trả lời dĩ nhiên là không, nó chẳng đáng kể gì. Nhưng nếu bạn thắng, bạn trúng giải 1 triệu hay 1 tỷ đô thì sao? Tất nhiên, cuộc đời bạn sẽ hoàn toàn sang trang mới.
7. Cái gì trông càng hấp dẫn thì càng nguy hiểm
Những con số nhảy nhót luôn thú vị và gây tò mò đối với các nhà quản lý tài chính. Nhưng bạn đừng bao giờ để mắc phải sai lầm, con số nào nhìn càng đẹp thì càng có vấn đề và bạn phải suy xét một cách cẩn thận với chúng.
Chỉ 1 tuần theo dõi chi tiêu, cuộc sống của tôi đã thay đổi hoàn toàn, nó không phải là tiết kiệm hay thứ gì liên quan, mà nó đã làm thay đổi thái độ của tôi về tiền bạc. Sau đó, mỗi khi tôi tiêu tiền, tôi lại nghĩ tới bản excel ở nhà và tự hỏi chi tiêu như thế này sẽ ảnh hưởng ra sao tới bản thân, nó có thật sự xứng đáng hay không?
Trong suốt 6 năm rưỡi thực hiện, dù là mua một cốc cà phê nhỏ, tôi cũng cân nhắc giống như một bài tập thiền mà tôi làm suốt khoảng thời gian ấy. Tôi biết khả năng chi trả của mình đến đâu, việc chi tiêu cho một món hàng lớn hoặc dự tính chi phí của tháng mới sẽ ảnh hưởng tới tương lai của tôi ra sao.