63 tỉnh thành bàn triển khai chương trình GD phổ thông mới

Điểm cầu Hà Nội
Điểm cầu Hà Nội

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới bao gồm Chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký ban hành ngày 26/12/2018.

Chương trình giáo dục phổ thông được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).

Giai đoạn giáo dục cơ bản nhằm trang bị cho học sinh tri thức, kĩ năng nền tảng; hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi; chuẩn bị tâm thế cho việc thích ứng với những thay đổi nhanh chóng và nhiều mặt của xã hội tương lai; đáp ứng yêu cầu phân luồng sau trung học cơ sở theo các hướng: học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc tham gia cuộc sống lao động.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị 

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp nhằm phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng của từng học sinh, bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau giáo dục phổ thông có chất lượng hoặc tham gia cuộc sống lao động.

Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội và Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT cũng như các đề án, kế hoạch có liên quan, Bộ GDĐT đã yêu cầu các sở GDĐT, các phòng GDĐT, các cơ sở đào tạo giáo viên và các cơ sở giáo dục phổ thông tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH của Bộ GDĐT hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, đồng thời chỉ đạo các trường, giáo viên chủ động nghiên cứu, áp dụng những vấn đề mới theo chương trình giáo dục phổ thông mới sao cho phù hợp quy định và đạt hiệu quả tích cực.

Theo đó, đối với các sở GDĐT và phòng GDĐT, cần tham mưu, đề xuất với ủy ban nhân dân cấp tỉnh/huyện xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình quy định tại Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT từ năm học 2020-2021.

GS Nguyễn Minh Thuyết giới thiệu Chương trình giáo dục phổ thông mới
GS Nguyễn Minh Thuyết giới thiệu Chương trình giáo dục phổ thông mới 

Tổ chức tập huấn, quán triệt sâu rộng các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Bộ GDĐT về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Tổ chức thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đảm bảo hiệu quả đúng tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 08/NQ-CP, thực hiện các nguyên tắc được nêu trong Công văn số 3712/BGDĐT-CSVC ngày 24/8/2018: Việc dồn dịch, sáp nhập các điểm trường, trường có quy mô nhỏ phải được thực hiện trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh; chỉ sáp nhập đối với những trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thuận lợi về khoảng cách giữa các điểm trường, chỉ sáp nhập các trường có quy mô nhỏ ở cùng địa bàn cấp xã; các cơ sở giáo dục thuộc diện dồn dịch điểm lẻ cần chuẩn bị đủ cơ sở vật chất (phòng học, phòng ở bán trú, nhà làm việc, nhà công vụ, các công trình bếp, nhà ăn, nhà vệ sinh, hệ thống điện nước,…).

Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học, cấp học. Chủ động xây dựng kế hoạch sắp xếp, bổ sung đội ngũ giáo viên, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Căn cứ Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 – 2025, xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông tại địa phương (Đề án). Trên cơ sở thực trạng cơ sở vật chất trường học của địa phương, khả năng cân đối các nguồn vốn, các địa phương lập và phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể và từng năm theo lộ trình áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục điều chỉnh, sắp xếp để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có; xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; tăng cường chỉ đạo phong trào tự làm thiết bị dạy học, xây dựng nguồn học liệu điện tử.

Ưu tiên bố trí ngân sách địa phương, lồng ghép có hiệu quả và sử dụng đúng mục đích nguồn vốn từ các chương trình, đề án, dự án; huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đẩy mạnh truyền thông về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tại địa phương; biểu dương kịp thời gương người tốt, việc tốt trong thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tổng hợp, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện, hàng năm báo cáo Bộ GDĐT…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.