62% phụ nữ mặc trang phục khiêu gợi trong các quảng cáo

GD&TĐ - Chiều 24/3, Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Tư vấn Phát triển xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) tổ chức tọa đàm "Hình ảnh Giới trong Quảng cáo".

Ảnh minh họa/internet.
Ảnh minh họa/internet.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án "Thanh niên tham gia thay đổi định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam".

Phát biểu tại Hội thảo, TS Dương Kim Anh – Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam – Trưởng Khoa Giới và Phát triển – cho hay, trên thực tế, không chỉ phụ nữ, nam giới cũng là nạn nhân của định kiến giới. Tuy nhiên, trong xã hội chịu sự tác động của tư tưởng phụ quyền, định kiến giới đa phần là thiên lệch, tiêu cực đối với phụ nữ.

TS Dương Kim Anh cho rằng, quảng cáo, truyền thông là kênh thông tin quan trọng giúp định hình nhận thức cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Trong các kênh truyền thông như: Phim, đài phát thanh, TV, quảng cáo, mạng xã hội đều còn tồn tại các hình ảnh thể hiện định kiến, khuôn mẫu về vai trò giới, khả năng lãnh đạo của nữ giới, hay chân dung nam tính, mạnh mẽ của nam giới.

Nếu không có sự thay đổi nhận thức của xã hội, của những người thực hiện các sản phẩm truyền thông thì định kiến giới còn tiếp tục duy trì, củng cố từ thế hệ này sang thế hệ khác. Định kiến giới sẽ khiến hình ảnh giới trong truyền thông, vai trò giới trong truyền thông bị thiên lệch.

Các đại biểu tham dự hội thảo.
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Viện dẫn về định kiến giới trong quảng cáo, TS Nguyễn Thị Tuyết Minh - Viện Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, hình ảnh phụ nữ bị lạm dụng và hạ thấp khi họ xuất hiện chủ yếu trong trang phục hở hang, gợi cảm và ám chỉ sự thu hút về tình dục.

Thống kê cho thấy, 62% trang phục dạ hội, váy ngắn, hở hang, khiêu gợi trong các quảng cáo cho thấy sự giả định về cái đẹp ở người phụ nữ cũng như giả định về sự làm đẹp ở nữ giới.

Trái lại, nam giới được khắc họa là người mạnh mẽ, dũng cảm, khoẻ mạnh; nhà chuyên môn, chuyên gia xuất hiện nơi công sở; là người nhận được sự quan tâm, phục vụ nhiều hơn nữ giới.

TS Dương Kim Anh phát biểu tại hội thảo.
TS Dương Kim Anh phát biểu tại hội thảo.

Theo ông Đào Ngọc Ninh – Phó viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển xã hội Nông thôn và Miền núi, năm 2012, tổ chức Văn hóa, Khoa học và giáo dục của Liên Hợp quốc (UNESCO) đã đưa ra Bộ chỉ số đánh giá Bình đẳng giới trong quản lý và nội dung truyền thông với mục đích là: Khuyến khích các tổ chức truyền thông công khai các vấn đề bình đẳng giới và công chúng có thể nhận thức được, cũng như phân tích những chính sách và việc thực hiện những chính sách đó để có những hành động cần thiết tạo sự biến chuyển.

Theo TS Dương Kim Anh, chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 được ban hành kèm theo Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 3/3/2021 đặt ra 6 mục tiêu cơ bản, trong đó có Mục tiêu 6 về Bình đẳng giới trong truyền thông, phấn đấu đến năm 2030 có 80% dân số được tiếp cận kiến thức cơ bản về bình đẳng giới. Duy trì đạt 100% đài phát thanh và truyền hình ở Trung ương và địa phương có chuyên mục, chuyên đề nâng cao nhận thức về bình đẳng giới hàng tháng.

Mục tiêu 5 về Bình đẳng giới trong Giáo dục nhấn mạnh rằng, nội dung về giới, bình đẳng giới được đưa vào giảng dạy chính thức trong các trường Sư phạm từ năm 2025 trở đi.

TS Dương Kim Anh cho biết, Học viện Phụ nữ Việt Nam có bề dày kinh nghiệm trong đào tạo các vấn đề về phụ nữ, công tác phụ nữ, và bình đẳng giới. Năm học 2015-2016 Học viện Phụ nữ Việt Nam được phép đào tạo cử nhân ngành Giới và Phát triển, đóng góp nguồn nhân lực thúc đẩy bình đẳng giới, thúc đẩy phát triển con người, phát triển xã hội và cộng đồng.

“Năm 2021, Học viện Phụ nữ Việt Nam tuyển sinh năm thứ 7 ngành Giới và Phát triển với 60 chỉ tiêu. Giới và Phát triển là ngành học nhân văn và cần thiết cho xã hội. Với gần 150 cử nhân Giới và Phát triển đã ra trường, các em đã và đang nỗ lực đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước, để "không ai bị bỏ lại phía sau.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...