Phối hợp nhà trường, gia đình, xã hội
Giáo dục giữ vai trò chủ đạo trong sự hình thành và phát triển nhân cách con người, bao gồm giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, theo cô Vũ Thị Anh, sẽ tạo ra sự thống nhất thực hiện mục tiêu giáo dục, đặc biệt là giáo dục các chuẩn mực đạo đức ở học sinh (HS).
Đối với GV chủ nhiệm: Là người trực tiếp thay mặt nhà trường giáo dục HS, là người thực hiện sự phối hợp, liên kết bền chặt với GV bộ môn, các đoàn thể trong nhà trường, giữa “gia đình - nhà trường - xã hội”.
GV chủ nhiệm luôn cần sự kiên trì, cần phải có tâm huyết với nghề; có phương pháp chủ nhiệm tốt với một kế hoạch toàn diện, hợp lý. Hình ảnh người thầy ảnh hưởng không nhỏ đến HS, chính vì vậy GV chủ nhiệm không những cần năng lực chuyên môn, mà còn đòi hỏi phải thật sự là tấm gương sáng về tác phong, tư cách đạo đức; chuẩn mực trong trang phục, lời nói, cách ứng xử… Như vậy, lời nói của GV chủ nhiệm mới có trọng lượng với HS.
Đối với cha mẹ HS, cần trở thành gương tốt cho con, cháu học tập. Phụ huynh có trách nhiệm tham gia đầy đủ các buổi họp phụ huynh HS, phối hợp tốt với GV chủ nhiệm, nhà trường để kịp thời nắm bắt thông tin về học tập, chăm lo giáo dục rèn luyện đạo đức của con em mình. Mỗi cha mẹ HS cần quan tâm xây dựng tổ chức hội cha mẹ HS vững mạnh, có mối quan hệ thường xuyên với nhà trường. Phát huy vai trò, chức năng hội cha mẹ HS động viên, răn dạy con, cháu chấp hành nội qui của nhà trường, các chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Các tổ chức chính trị-xã hội: Cần chú trọng xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với gia đình HS, nhân dân khối phố, công an khu vực và chính quyền địa phương nơi trường đóng.
Hằng năm, thông qua các văn bản, công văn, báo cáo định kỳ, nhà trường trao đổi thông tin, đồng thời triển khai kế hoạch với chính quyền địa phương. Có đánh giá nhận xét của chính quyền địa phương về “sinh hoạt hè” của HS. Tổ chức ký cam kết trách nhiệm giữa “nhà trường - chính quyền địa phương” tạo được sự hỗ trợ tích cực của các lực lượng ngoài nhà trường thành quá trình khép kín trong công tác giáo dục đạo đức HS.
Tiết sinh hoạt cuối tuần chủ đề “Giáo dục an toàn khi tham gia giao thông” của HS Trường THPT Ân Thi. |
Xây dựng dựng bộ máy tổ chức tự quản của lớp
Để có tập thể lớp học đoàn kết, cô Vũ Thị Anh cho rằng, ngay từ đầu nhận lớp chủ nhiệm, GV phải xây dựng được ban cán sự lớp, lựa chọn được đội ngũ cán bộ lớp có năng lực.
Việc tổ chức bộ máy tự quản cho lớp, GV chủ nhiệm có thể dựa vào các yếu tố sau: Sơ yếu lý lịch, các buổi lao động tập thể, ý kiến của GV bộ môn, sự tín nhiệm của HS, hoặc sự tự tin của HS ứng cử.
Cơ cấu ban cán sự lớp gồm: Lớp trưởng, bí thư chi đoàn, lớp phó học tập, lớp phó lao động, lớp phó văn thể, các tổ trưởng.
Để các em phát huy hết năng lực của mình trên từng cương vị, GV chủ nhiệm cần có sự phân công rõ ràng nhiệm vụ cho từng chức danh. Mỗi thành viên trong ban cán sự lớp đều phải có một cuốn sổ ghi chép cẩn thận các hoạt động do mình phụ trách. Cuối tuần GV chủ nhiệm có kiểm tra, theo dõi, đánh giá.
Đổi mới phương pháp dạy học
Qua việc dạy học, ngoài truyền thụ tri thức, GV cần tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của học trò để trong mỗi tiết học các em không chỉ tiếp thu được kiến thức mà còn cảm thấy hạnh phúc.
Hiểu một cách đơn giản, tiết học hạnh phúc là tiết học khiến cả cô và trò đều có cảm giác hứng thú, có niềm vui, sự mong chờ và những rung cảm. Ở đó, HS không học theo kiểu nhồi nhét mà được học những gì có ý nghĩa với các em, được khơi gợi niềm yêu thích để tiếp tục tự tìm hiểu. Các môn học được biến hóa thành bài học thú vị qua những trò chơi, trải nghiệm.
Để tạo sinh khí cho lớp học, cô Vũ Thị Anh áp dụng những phương pháp dạy học tiên tiến: Dạy học dự án, dạy học trải nghiệm, dạy học chủ đề tích hợp liên môn, đưa hiệu ứng âm nhạc vào trong giờ học Lịch sử, đặt câu hỏi để phát triển năng lực HS…
Học sinh tự điều hành giờ sinh hoạt lớp. |
HS thiết kế không gian lớp học xanh
Trong bối cảnh điều kiện xã hội có nhiều đổi mới về nhu cầu giáo dục và phương thức giáo dục, chương trình giáo dục, trường học không đơn thuần là nơi HS học văn hóa mà còn là môi trường để các em rèn luyện thể lực, giao lưu, tiếp xúc với bạn bè, phát triển cá tính. Mỗi lớp học hạnh phúc cũng cần một không gian học tập ở đó HS cảm giác tâm lý thoải mái.
Nhấn mạnh vai trò của không gian lớp học, cô Vũ Thị Anh chia sẻ mô hình “Lớp học xanh” với 5 tiêu chí: Không gian sạch, xanh, đẹp, thân thiện và sáng tạo. Các tổ sẽ phân công, chủ động sắp xếp, bố trí không gian trong lớp và xung quanh lớp theo yêu cầu của từng tiêu chí.
Ngay sau khi phát động, cô Vũ Thị Anh cho biết, HS trong lớp đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện, rất nhiều ý tưởng sáng tạo, mang tính giáo dục, truyền thông tốt, được đánh giá cao. Từng khuôn viên đều được thiết kế các “góc xanh” giúp GV và HS thư giãn ngay chính những giờ học căng thẳng.
Tạo hứng thú trong các giờ sinh hoạt lớp
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của GV chủ nhiệm đó là việc tổ chức giờ sinh hoạt lớp.
Có nhiều cách thức để tạo hứng thú trong các giờ sinh hoạt lớp. Theo kinh nghiệm của cô Vũ Thị Anh, cần để HS tự điều hành giờ sinh hoạt, biến giờ sinh hoạt lớp thành một buổi hội thảo nhỏ với các chủ đề theo tuần. Thầy cô hãy coi giờ sinh hoạt cuối tuần là một cuộc họp và người điều hành cuộc họp này chính là HS, là ban cán sự lớp.
GV chủ nhiệm đưa gợi ý một số chủ đề sinh hoạt cuối tuần cho HS (khuyến khích các vấn đề đang được dư luận quan tâm) và yêu cầu HS chuẩn bị trước một tuần để tiết sinh hoạt tuần tiếp theo cả lớp sẽ bàn về chủ đề đó. Tất cả đều có cơ hội được bày tỏ suy nghĩ và quan điểm của mình.
Có thể vấn đề được đưa ra gây nhiều tranh cãi và không đi được đến cách giải quyết tốt nhất như thầy cô mong đợi, nhưng thông qua hoạt động này thầy cô sẽ giúp HS của mình biết đưa ra ý kiến cá nhân và đặc biệt là biết cách kiềm chế cảm xúc khi tranh luận với bạn.
GV chủ nhiệm cũng có thể cho HS đăng ký chủ đề mình muốn nói trước lớp, có thể mỗi tuần là một cá nhân hoặc đại diện của một tổ lên thuyết trình về vấn đề mà mình thích trong khoảng thời gian được giới hạn, ví dụ 5 phút. Sau đó sẽ là thời gian cho những người còn lại đặt câu hỏi phản biện.
Hoạt động này giúp HS phát triển tư duy phản biện và kỹ năng thuyết trình trước đám đông. Qua đó, chúng sẽ học cách duy trì tình bạn lành mạnh thông qua chia sẻ, lắng nghe, và học hỏi lẫn nhau.
Hoặc, có thể tổ chức giờ sinh hoạt lớp thành một buổi biểu diễn tài năng, để HS tự tổ chức các trò chơi. Hoạt động này giúp lớp học thoải mái, đoàn kết hơn và khiến cho HS yêu lớp học của mình hơn.
Để mỗi tuần có những tiết sinh hoạt ý nghĩa, vui vẻ, GV giao nhiệm vụ từng tổ để tổ chức một trò chơi cho lớp và tự điều khiển hoạt động. Việc này giúp HS phát triển kỹ năng sáng tạo cũng như kỹ năng lãnh đạo. Không khí của giờ sinh hoạt lớp sẽ trở nên nhẹ nhàng, vui vẻ mà HS nào cũng thích và muốn nó được kéo dài thêm nữa.
Trang Facebook kết nối thông tin của lớp 12A10. |
Thiết lập trang Facebook lớp để chia sẻ công việc, kết nối thông tin
Một trong những hoạt động trong cuộc sống số thời kỳ 4.0 của HS hiện nay đó là hoạt động nhắn tin, theo dõi hoạt động trên Facebook của các bạn khác, chia sẻ hình ảnh, suy nghĩ của mình… Các em mất rất nhiều thời gian khi sử dụng Facebook mà chưa có được một cổng thông tin chính thức để có thể trao đổi, nhắn tin, chia sẻ bài học hay các hoạt động, phong trào ở lớp.
Chính vì vậy, việc lập trang Facebook hỗ trợ công tác quản lí lớp học là rất hữu ích, hiệu quả và nó cũng được HS đón nhận tích cực, phụ huynh ủng hộ.
Để tạo trang Facebook cho lớp chủ nhiệm, cô Vũ Thị Anh đã sử dụng tính năng tạo nhóm của Facebook. Tính năng này giúp tập hợp, liên kết được với tài khoản Facebook của HS và tạo thành nhóm hoạt động riêng biệt. Giáo viên bật tính năng để đảm bảo tính riêng tư của tập thể lớp.
Trang Facebook được tạo trước khi nhận lớp chủ nhiệm để có thể giới thiệu cho học sinh trong buổi sinh hoạt đầu tiên. Lớp trưởng có nhiệm vụ thay giáo viên thêm thành viên của lớp vào trang, cũng như phê duyệt các tài khoản xin phép vào trang.
Mọi thông tin đăng tải trên trang Facebook là những thông tin được kiểm duyệt chính thống, không vi phạm pháp luật. Đó là những thông báo về thời khóa biểu, lịch thi giữa kỳ, cuối kỳ, công việc GV chủ nhiệm giao cho các tổ nhóm trong lớp để thực hiện nhiệm vụ, nội dung học tập, làm việc, thực hiện bài tập nhóm ở các môn của HS trong lớp...
Những nội dung đăng tải đó được HS tương tác, chia sẻ bài học, giúp nhau giải đáp các khó khăn, thắc mắc trong học tập và cuộc sống. Qua đây giúp GV hiểu học trò, có thể chia sẻ nhiều hơn về những vấn đề các em quan tâm hay còn gặp khó khăn, như về tuổi mới lớn, gia đình, học tập…
HS có tài khoản đều có thể phản ánh trực tiếp với GVCN các vấn đề của lớp. Các em có thể nhắn tin riêng, chia sẻ lên trang của lớp để cùng nhau đưa các hoạt động của lớp tốt hơn.
"Gần ba năm học thiết lập trang Facebook lớp, tôi nhận thấy quản lý lớp bằng Facebook tiết kiệm thời gian, công sức và linh động hơn rất nhiều. HS có được cổng thông tin để cập nhật, chia sẻ.
Thông qua kênh này, các em đã sử dụng mạng xã hội Facebook hiệu quả hơn (chia sẻ bài học, cùng nhau giải đáp thắc mắc, nhắc nhở nhau chuẩn bị bài…) tránh được việc mất nhiều thời gian cho Facebook cũng như các hệ quả tiêu cực khác.
Cha mẹ các em HS rất ủng hộ, cảm thấy an tâm hơn rất nhiều vì hoạt động trên mạng Internet của con em mình được GV chủ nhiệm trực tiếp theo dõi, quản lý", cô Vũ Thị Anh chia sẻ.