Khơi nguồn tri thức từ lớp học hạnh phúc

GD&TĐ - Để kiến tạo môi trường giáo dục hạnh phúc, các nhà trường, giáo viên đang hàng ngày phải thay đổi từ định hướng tới tư duy, phương pháp dạy học.

Cô Trần Thị Mai Khanh luôn động viên và đổi mới phương pháp dạy học để HS có những tiết học hiệu quả. Ảnh:  NVCC
Cô Trần Thị Mai Khanh luôn động viên và đổi mới phương pháp dạy học để HS có những tiết học hiệu quả. Ảnh: NVCC

Dù còn không ít khó khăn khi triển khai, song từ những lớp học đầy ắp tiếng cười, học trò được an toàn và tôn trọng… đã ghi nhận hiệu quả về chất lượng giáo dục.

Nỗ lực cho từng tiết học hạnh phúc

Theo kinh nghiệm của NGƯT Nguyễn Thị Hạnh –Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai), tiết học hạnh phúc là khi giáo viên “cuốn” học sinh vào kiến thức, bài giảng của thầy. Như vậy, các em sẽ thấy được niềm vui, thích học và không có áp lực trong từng tiết học.

Để học sinh tích cực trong giờ học, nhất định giáo viên phải biến kiến thức trừu tượng thành đơn giản nhất. Với học sinh giỏi, có thể nâng câu hỏi ở mức cao hơn. Học sinh có nhận thức chậm hoặc “cá biệt” chưa tiếp cận được kiến thức, giáo viên cần có câu hỏi gợi mở, nhẹ nhàng để khơi gợi học trò hiểu điều muốn hỏi và tìm được câu trả lời. Khi trả lời được câu hỏi của giáo viên cũng là lúc học sinh cảm thấy tự tin, phấn khởi học tập nhất.

Cô Nguyễn Thị Hạnh cũng cho rằng: Sẽ không thể có tiết học hiệu quả, giờ học hạnh phúc dành cho học sinh nếu thầy cô không vững vàng kiến thức và đặc biệt sự khéo léo, linh hoạt trong nghiệp vụ sư phạm. Trong từng tiết học, giáo viên cần động viên, khích lệ kịp thời; trân trọng ý kiến của học trò…

“Một giờ học hạnh phúc là khi học sinh được chủ động tiếp cận kiến thức không có sự áp đặt từ giáo viên. Điều đó cũng giúp quá trình nắm bắt kiến thức nhanh và hiệu quả, đặc biệt tạo ra không khí tiết học vui vẻ, nhẹ nhàng, hào hứng…” – cô Hạnh trao đổi.

Còn với cô Đỗ Huyền Trang – Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội), dạy học sinh từ mầm non lên tiểu học, việc tạo ra giờ học yêu thương, lớp học hạnh phúc phải bắt đầu từ các mối quan hệ tích cực. Cô Trang thực hiện nhiều hoạt động như: Cho khởi động các động tác thể dục, hát một bài hát, chơi trò chơi… từ đầu tiết học để kích thích cảm xúc tích cực, từ đó giúp học sinh hứng thú học tập, thu nhận kiến thức dễ dàng.

Cùng đó mang kỹ năng sống gần gũi hàng ngày lồng ghép trong những hoạt động trải nghiệm ở mỗi giờ học của học sinh, giúp các em được thực hành nhiều hơn, tiếp nhận kiến thức tự nhiên và thực tế…

Cô Trang chia sẻ: Mỗi giờ lên lớp phải là một sự đổi mới. Phương pháp dạy học phải phù hợp từng môn học. Làm sao để học sinh phát huy tối đa vai trò chủ động sáng tạo, nhanh chóng hình thành và tiếp nhận kiến thức mới cũng như vận dụng vào thực tiễn. Các em đều được quan tâm và ghi nhận kết quả, sự tiến bộ dù nhỏ nhất…

Là giáo viên, Tổ trưởng bộ môn Tiếng Anh tại Trường Tiểu học Bắc Cường (TP Lào Cai – Lào Cai), với cô Trần Thị Mai Khanh việc đổi mới phương pháp dạy học đã trở thành nhu cầu tất yếu để những tiết dạy luôn thu hút học sinh. Từ đó giúp cho việc học tiếng Anh không khó khăn cứng nhắc với cách dạy truyền thống.

Cô Khanh tâm sự: Để các em ghi nhớ từ vựng nhanh, cô sẽ tích hợp môn Tiếng Anh với Mỹ thuật. Quá trình tô màu cho bức tranh và từ ngữ cũng đồng nghĩa các em được nhớ từ một cách tự nhiên và đi sâu vào bộ nhớ.

Không những thế, tiết học tiếng Anh còn được tăng cường ứng dụng công nghệ vào bài giảng để học sinh khai thác thông tin trong các đoạn phim, học cách phát âm, từ vựng khi xem video hội thoại, chào hỏi bằng tiếng Anh nhiều lần… thay vì nghe giáo viên đọc, học sinh chép và học thuộc cơ học.

Các tiết học tiếng Anh của cô Khanh cũng được tổ chức theo hình thức trải nghiệm trong và ngoài lớp học. Học sinh được biến mình thành nhân vật trong những câu chuyện cổ tích, được nói tiếng Anh mọi nơi, mọi lúc trong lớp cũng có thể học tiếng Anh ngoài sân trường với cây, hoa, lá...

Một kinh nghiệm để những giờ học tiếng Anh của cô Khanh đầy ắp niềm vui, tiếng cười, sự thoải mái của học sinh và hiệu quả là áp dụng kỷ luật tích cực. Học sinh vì bất cứ lý do nào đó chưa làm bài tập, chưa nhớ từ mới…, cô đều nhẹ nhàng hỏi thăm. Các em nói chuyện, làm việc riêng, lười học, cô không trách mắng mà cho tham gia trò chơi đếm lá, đếm quả…  bằng tiếng Anh.

Cách đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng hình thức kỷ luật tích cực đã giúp học trò không bị xa cách, không stress trong các tiết học, học sinh được học trong không khí vui vẻ, hài hước. Các em khi sai biết nhận lỗi và chủ động sửa chữa…

Học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài giúp học sinh thêm hứng thú học tập. Ảnh: NVCC
 Học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài giúp học sinh thêm hứng thú học tập. Ảnh: NVCC

Chìa khóa mở cửa tri thức

Để xây dựng những giờ học hiệu quả, lớp học hạnh phúc, giáo viên phải biết chấp nhận cái mới, khuyến khích cái mới và đổi mới từ nội lực, suy nghĩ và bản lĩnh hành động.

Cô Đỗ Huyền Trang khẳng định: Trường học hạnh phúc đã mang lại thay đổi, khác biệt tích cực đối với giáo viên và học sinh nhà trường. Giáo viên đến trường trong tâm thế thoải mái, thỏa sức sáng tạo, mạnh dạn... Học sinh không ngừng sáng tạo, gợi mở và học tập hiệu quả. Giờ học hạnh phúc như “chìa khóa” để mở cánh cửa kiến thức. Ở đó, các em sẽ hứng thú, chủ động với học tập, tự tin mạnh dạn với kiến thức.

Thầy Nguyễn Mạnh Tú, Trường THPT Hoa Lư A (Ninh Bình), người đã dẫn dắt học sinh đoạt nhiều giải thưởng các cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp tỉnh và quốc gia cũng bày tỏ: “Con thuyền” kiến thức sẽ được chèo lái vững vàng hơn khi mỗi tiết học và trong lớp học có những nụ cười, không khí nhẹ nhàng và sự đồng điệu giữa thầy và trò.

Khi học trò có niềm tin, sự sáng tạo và tinh thần nhiệt huyết sẽ mạnh mẽ và dễ bộc lộ hơn. Khi đó, những ý tưởng của thầy với “gia vị” mà học trò nêm vào thúc đẩy cả thầy lẫn trò cùng không ngừng sáng tạo, hành trình đến với kiến thức nhẹ nhàng mà hiệu quả. 

Nghệ thuật để tạo nên những tiết học yêu thương, lớp học hạnh phúc đòi hỏi giáo viên sự thích ứng, uyển chuyển trong phương pháp giảng dạy. Không thể áp đặt một phong cách cho tất cả học sinh. Giáo viên phải linh hoạt thay đổi để tìm được sự kết nối, đồng điệu giữa người dạy với người học... - NGƯT Nguyễn Thị Hạnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ