6 điểm nổi bật về kinh tế Việt Nam năm 2015

GD&TĐ - Mới đây, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra tổng kết về những diễn biến gần đây của kinh tế Việt Nam. Chúng tôi xin được sơ lược một vài nét chính về những tổng kết, đánh giá này.

6 điểm nổi bật về kinh tế Việt Nam năm 2015

Thứ nhất, Kinh tế Việt Nam đã đối phó khá tốt trước những biến động môi trường kinh tế bên ngoài nhờ tăng cầu nội địa và ngành công nghiệp chế tạo định hướng xuất khẩu đạt kết quả tốt.

Cụ thể, riêng trong 9 tháng đầu năm 2015 GDP tiếp tục tăng và đạt 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái (tốc độ tăng trưởng GDP cùng kỳ năm 2014 là 6,0%).

Tỉ lệ lạm phát thấp và niềm tin của người tiêu dùng cải thiện đã thúc đẩy tiêu dùng cá nhân. Đầu từ trực tiếp nước ngoài cũng như chi đầu tư phát triển của Chính phủ gia tăng.

Thứ hai, chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh lạm phát thấp. Do giá dầu và giá lương thực phẩm thấp cùng với lạm phát lõi ổn định nên chỉ số giá tiêu dùng đang ở mức thấp kỉ lục.

Tỉ lệ lạm phát trung bình 10 tháng đầu năm 2015 là 0,7% trong khi mức cùng kỳ năm ngoái là 4,6%.

Thứ ba, mặc dù có nhiều biến động trên thị trường tiền tệ quốc tế nhưng áp lực tỉ giá Đồng Việt Nam đã được điều chỉnh thông qua chính sách phá giá từ từ.

Áp lực tiền tệ bắt đầu tích tụ kể từ đầu năm 2015 do cả hai yếu tố thâm hụt thương mại gia tăng và các đồng tiền châu Á đều bị yếu.

Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) đã từng bước phá giá tiền Đồng để giảm thiểu áp lực lên tỷ giá. Kể từ đầu năm 2015, NHNNVN đã ba lần điều chỉnh tỉ giá Việt Nam Đồng so với đô la Mỹ (tổng cộng là 3%) và cũng nới rộng biên độ giao dịch từ +/-1% lên +/-3%.

Biện pháp này phần nào ổn định tỷ giá, thị trường ngoại tệ và duy trì năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh các đồng tiền mạnh khác mất giá nhiều so với đồng đô la Mỹ.

Tuy nhiên trong bối cảnh tiền của các đối tác thương mại chính của Việt Nam tiếp tục bị mất giá so với đô la Mỹ thì tỷ giá tiền Đồng vẫn còn chịu nhiều áp lực.

Thứ tư, về ngoại thương, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa tiếp tục được duy trì. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm của Việt Nam tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thứ năm, quá trình tái cơ cấu vẫn diễn ra một cách từ từ. Mặc dù tốc độ cổ phần hóa đã có chút cải thiện, nhưng nhiều trường hợp cổ phần hóa mới chỉ bán được một lượng cổ phần thiểu số nên tác động tới đầu tư và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp chưa được như mong muốn.

Thứ sáu, nền kinh tế đang phục hồi và ứng phó khá hiệu quả với các biến động kinh tế bên ngoài. Cụ thể:

- Kinh tế Việt Nam đã ứng phó tương đối tốt trước những biến động môi trường kinh tế bên ngoài nhờ cải thiện cầu nội địa và kết quả tích cực của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo  hướng về xuất khẩu.

- Trong lĩnh vực sản xuất, tăng trưởng nhiều nhất diễn ra trong các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc ngành công nghiệp chế tạo và trong ngành xây dựng do thị trường bất động sản đã bắt đầu phục hồi và được đầu tư nhiều hơn.

Kết quả xuất khẩu ấn tượng của Việt Nam có được là nhờ đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu trong 10 năm qua.

Kết quả xuất khẩu cũng thể hiện mức độ hội nhập hiện tại của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ